Triển khai cơ chế, chính sách về cây dược liệu: Khó phát triển nguồn cây giống
Qua 4 năm triển khai Nghị quyết 202 và Quyết định 2950 của UBND tỉnh, công tác bảo tồn và phát triển cây dược liệu bước đầu đã đạt những kết quả đáng kể; song, theo nhiều địa phương, vẫn còn khó khăn trong triển khai các cơ chế, chính sách trước hết là vấn đề phát triển nguồn cây giống.
Tại huyện Tây Giang, do là vùng bản địa của cây ba kích và đẳng sâm, khí hậu, thổ nhưỡng có phần thuận lợi nên việc tổ chức ươm giống, hỗ trợ cây dược liệu trong dân, xây dựng vùng trồng bảo tồn cây dược liệu theo các cơ chế, chính sách có phần thuận lợi. Trong khi đó, các địa phương Phước Sơn, Đông Giang, Nam Giang còn gặp khó khăn. Theo ông Lê Đắc Hiệu - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Phước Sơn, việc phát triển giống dược liệu tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn do chưa có đơn vị đủ năng lực sản xuất giống; giống dược liệu còn hạn chế về số lượng, chất lượng, nguồn gốc giống không rõ ràng. Thậm chí, một số đơn vị sử dụng nguồn giống từ các địa phương khác, không mang tính bảo tồn nguồn giống bản địa. Các cơ sở sản xuất giống dược liệu hiện nay phần lớn gieo trồng từ hạt do người dân thu hái từ tự nhiên, chưa áp dụng được tiến bộ khoa học kỹ thuật vào khâu sản xuất giống, nên chất lượng và nguồn cung giống chưa đảm bảo. Tâm lý người dân lâu nay chủ yếu khai thác cây dược liệu tự nhiên trên rừng để tăng thu nhập, nên việc tham gia trồng dược liệu dưới tán rừng, hay áp dụng tiến bộ kỹ thuật trồng thâm canh cây dược liệu còn yếu, nhiều nơi bà con chưa hưởng ứng.
Qua 2 năm triển khai cơ chế Nghị quyết 202, tại Phước Sơn, do một số địa phương chọn vùng sản xuất chưa phù hợp, nhiều vùng độ che phủ tán rừng thấp nên trước tình hình khô hạn kéo dài, cây ba kích hao hụt nhiều, tỷ lệ cây sống không cao. Tại Đông Giang, việc hỗ trợ giống cây dược liệu đến người dân theo cơ chế triển khai chậm hơn so với các vùng khác. Hiện, Đông Giang chỉ mới triển khai được vùng dược liệu bảo tồn trên diện tích 4ha dưới tán rừng trồng keo tại thị trấn P’rao. Còn huyện Nam Giang chưa xây dựng được vùng bảo tồn cây dược liệu do chưa chọn được vùng triển khai. Huyện Hiệp Đức dù nằm trong vùng quy hoạch nhưng người dân không hưởng ứng nên không triển khai.
Cần thêm quy chế
Theo ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, công tác sản xuất, quản lý giống cây dược liệu hiện còn mới mẻ và nhiều bất cập ở địa phương. Đến nay, tỉnh vẫn chưa ban hành quy chế quản lý giống dược liệu, các quy trình kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật cho từng loài cây dược liệu mang tính đặc thù của từng địa phương nên việc xây dựng kế hoạch cũng như triển khai các quy định liên quan về gây trồng cây dược liệu gặp khó. Đây là cây trồng mới, việc tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật cũng như sự quan tâm chăm sóc của người dân chưa cao. Qua kiểm tra thực tế một số địa phương, bà con chưa quan tâm đầu tư chăm sóc nên cây sinh trưởng kém, tỷ lệ cây chết sau khi trồng nhiều, nhất là đối với cây ba kích tím. Cũng theo ông Ngô Tấn, khu vực thực hiện trồng bảo tồn chủ động, kết hợp sản xuất giống để đảm bảo các điều kiện trồng bảo tồn chủ động phải là rừng tự nhiên nghèo, đất đai phải tơi xốp và nhiều chất dinh dưỡng, độ dốc vừa phải… Các vị trí đảm bảo các điều kiện này phần lớn nằm tại khu vực xa dân cư và trụ sở, trạm quản lý bảo vệ rừng của các ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý bảo vệ cây dược liệu. Việc thiếu cán bộ thường xuyên theo dõi, chăm sóc, quản lý bảo vệ vườn dược liệu cũng như thiếu cán bộ có kinh nghiệm trồng, chăm sóc dược liệu ảnh hưởng rất lớn đến công tác bảo tồn, nhân giống cây dược liệu...
Để đạt mục tiêu Nghị quyết số 202, theo ông Ngô Tấn, về công tác giống, đề nghị các bộ, ngành Trung ương sớm ban hành danh mục cây dược liệu được phép sản xuất kinh doanh tại Việt Nam và các văn bản quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh giống dược liệu đối với các tổ chức, cá nhân; làm cơ sở quản lý giống cây dược liệu mang tính thống nhất trên địa bàn cả nước. Đề nghị UBND các huyện giao nhiệm vụ cụ thể cho phòng NN&PTNT, trung tâm kỹ thuật nông nghiệp hỗ trợ, hướng dẫn UBND các xã trong việc thẩm định phương án, chọn đơn vị bán giống, nghiệm thu cây giống đảm bảo chất lượng theo quy định; phải tuân thủ hướng dẫn về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây dược liệu. Rà soát, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây dược liệu trên địa bàn theo hướng nâng cao năng lực sản xuất giống tại chỗ bằng nguồn giống bản địa và đảm bảo chất lượng trước khi sản xuất. Đối với các khu vực trồng bảo tồn chủ động kết hợp với sản xuất giống một số loại cây dược liệu, Sở NN&PTNT đề xuất trình UBND tỉnh thống nhất chủ trương xây dựng phương án bàn giao cho các huyện vào cuối năm 2020 để quản lý, theo dõi và nhân giống phục vụ sản xuất và lưu giữ nguồn gen...