Cẩn trọng khi đốt thực bì rừng

TRẦN HỮU 27/08/2019 15:29

Nhiều vụ cháy rừng cục bộ xảy ra trong mùa nắng nóng năm nay, được ngành chức năng xác định do người dân, chủ rừng bất cẩn trong xử lý đốt thực bì chuẩn bị cho mùa trồng rừng mới.

Diễn tập phòng chống cháy rừng ở xã Duy Sơn. Ảnh: T.H
Diễn tập phòng chống cháy rừng ở xã Duy Sơn. Ảnh: T.H

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, thời điểm này, các địa phương đang tiến hành thu dọn xử lý thực bì để bước vào vụ trồng rừng mới. Từ đầu mùa khô đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra hàng chục vụ cháy rừng mà nguyên nhân chủ yếu do người dân thiếu cẩn trọng khi đốt thực bì.

Vùng trọng điểm cháy rừng

Nhiều năm nay các xã Duy Sơn, Duy Trung, Duy Trinh (Duy Xuyên) luôn tái diễn tình trạng cháy rừng. Vụ mới đây nhất, vào lúc 6 giờ sáng 17.8, ngọn lửa lớn đã bùng phát tại khu vực rừng Eo Rèn, Hóc Dương thuộc địa bàn thôn Chánh Lộc (xã Duy Sơn) đã nhanh chóng cháy lan sang khu vực đồi núi thuộc xã Duy Trinh. Theo thống kê ban đầu, có hơn 70ha rừng keo lá tràm bị thiêu rụi (xã Duy Sơn thiệt hại 20ha và xã Duy Trinh hơn 50ha). Nguyên nhân được ngành chức năng xác định là do người dân xử lý thực bì sau khai thác không an toàn, chưa đúng quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng.

Năm năm trở lại đây, xã Duy Sơn luôn tái diễn cháy rừng do đốt thực bì, thảm thực vật trong rừng. Trước vụ cháy xảy ra vào sáng ngày 17.8 thì vào tháng 5.2019, địa bàn này cũng xảy ra cháy và thiêu rụi gần 20ha rừng. Xã Duy Sơn có tổng diện tích đất lâm nghiệp 5.707ha, trong đó có 954ha rừng keo lá tràm, bạch đàn, phân bố chủ yếu ở các thôn Chánh Lộc, Phú Nham Tây.

Trước tình hình khô hạn kéo dài, xã Duy Sơn đã khoanh vùng 2 khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao vào mùa khô. Đó là khu vực đèo Đá Mái (thôn Chiêm Sơn) đến đầu nguồn thủy điện Duy Sơn 2 và đèo Núi Eo (thôn Kiệu Châu) đến Đồng Lớn (thôn Chánh Lộc). Thế nhưng tại Duy Sơn, người dân địa phương có thói quen vào rừng khai thác gỗ, đốt dọn thực bì và nhiều du khách sử dụng lửa trong quá trình tham quan, du lịch.

Phần lớn các vụ cháy rừng xảy ra tại địa bàn các xã phía tây huyện Duy Xuyên theo kết luận của ngành chức năng, xuất phát từ nguyên nhân dọn thực bì nhưng không có băng cản lửa. Theo ông Nguyễn Văn Tần - Hạt phó Hạt Kiểm lâm Trung Quảng Nam, thời gian qua, người dân vẫn xử lý thực bì theo kinh nghiệm cá nhân, nhiều lúc sơ suất nên để xảy ra cháy rừng.

Xử lý thực bì phải đăng ký

Hạt Kiểm lâm Trung Quảng Nam vừa tổ chức buổi trình diễn kỹ thuật xử lý thực bì và cách sử dụng lửa trong xử lý thực bì để người dân phòng tránh cháy rừng. “Qua diễn tập, chúng tôi muốn truyền đạt cho người dân kiến thức xử lý thực bì an toàn, để trong quá trình xử lý thực bì trước khi trồng rừng, cũng như sau khi khai thác rừng đảm bảo không để cháy rừng, cháy lan” - ông Nguyễn Văn Tần - Hạt phó Hạt Kiểm lâm Trung Quảng Nam cho hay.

Theo ông Từ Văn Khánh – Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, hiện nay ngành kiểm lâm hướng dẫn nhân dân tuyệt đối không xử lý thực bì bằng lửa ở các khu vực báo động đỏ về cháy rừng; khu vực có mức độ cảnh báo cháy rừng cấp IV, cấp V. Ở những khu vực cho phép, trước khi đốt, xử lý thực bì cần phải thông báo cho cơ quan kiểm lâm và chính quyền địa phương biết để có những hướng dẫn về biện pháp phòng cháy, chữa cháy kịp thời.

Từ đầu năm đến nay, Chủ tịch UBND tỉnh cũng ban hành nhiều công điện khẩn cấp, trong đó có nội dung chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn có rừng yêu cầu các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn thực hiện nghiêm việc đăng ký thời gian đốt, xử lý thực bì và đốt nương làm rẫy cho UBND cấp xã (ban lâm nghiệp xã, kiểm lâm địa bàn) để theo dõi, hướng dẫn nhằm kiểm soát chặt chẽ quá trình sử dụng lửa.

TRẦN HỮU