Khai thác lợi thế từ rừng

TRẦN HỮU 23/08/2019 14:45

Huyện Phước Sơn đang tận dụng lợi thế thiên nhiên ưu đãi để đầu tư tổng hợp kinh tế rừng, kết hợp với quy hoạch, bảo tồn phát triển vùng dược liệu dưới tán rừng.

Lực lượng kiểm lâm bảo vệ nghiêm ngặt vùng dược liệu ba kích tím dưới tán rừng tại khu vực rừng phòng hộ Đắc Mi, thuộc xã Phước Chánh (Phước Sơn). Ảnh: TR.HỮU
Lực lượng kiểm lâm bảo vệ nghiêm ngặt vùng dược liệu ba kích tím dưới tán rừng tại khu vực rừng phòng hộ Đắc Mi, thuộc xã Phước Chánh (Phước Sơn). Ảnh: TR.HỮU

Mở rộng trồng dược liệu

Từ năm 2016, thông qua các nguồn kinh phí hỗ trợ của UBND tỉnh, các chương trình 135, 30a và dự án nông thôn mới của Trung ương, nhiều xã của huyện Phước Sơn đầu tư mở rộng diện tích trồng ba kích, sa nhân tím, đảng sâm. Giai đoạn 2016 - 2018, trên địa bàn có gần 100 hộ tham gia trồng dược liệu, chủ yếu cây ba kích, sa nhân tím, đảng sâm với diện tích 70ha. Tổng nguồn kinh phí hỗ trợ qua các năm hơn 2 tỷ đồng. Thời điểm này, có 5 đơn vị đăng ký khảo sát, lập dự án đầu tư trồng dược liệu trên địa bàn.

Tại xã Phước Chánh, chủ rừng là Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắc My đã khoanh vùng, xác lập thành khu bảo tồn gen ba kích đặc hữu. Chủ trương của tỉnh sẽ tiếp tục nhân giống mở rộng vùng trồng tại các khu rừng đặc dụng, phòng hộ có điều kiện tự nhiên tương tự như khu vực rừng phòng hộ Đắk Mi. Theo ngành nông nghiệp, cây giống ba kích sắp tới sẽ được cấp về cho các đội bảo vệ rừng chuyên trách để trồng tại khu vực đơn vị quản lý sau khi thay đổi hình thức giao khoán rừng từ nhóm hộ, cộng đồng thôn sang đội bảo vệ rừng chuyên trách. Ngoài ra, giống ba kích tím cũng được hỗ trợ cấp cho người dân tự trồng và phát triển thương mại.

Trong chuyến công tác đến “thủ phủ” ba kích tím ở xã Phước Chánh cùng lãnh đạo tỉnh mới đây, chúng tôi ghi nhận một quần thể rừng ba kích tự nhiên phân bố tập trung lẫn rải rác trong lâm phận rừng phòng hộ Đắc Mi, mà theo ước tính của Chi cục Kiểm lâm tỉnh diện tích trên dưới 1.000ha. Sau khi phát hiện loài cây dược liệu quý này, chính quyền tỉnh và huyện Phước Sơn đã lên kế hoạch bảo vệ nghiêm ngặt, tính toán thu hút doanh nghiệp vào để làm tốt công tác bảo tồn và phát triển mạnh thương mại. Tháng 6.2018, chính quyền huyện Phước Sơn đầu tư 300 triệu đồng xây dựng chốt bảo vệ trong rừng, lập hàng rào khoanh vùng thực địa để cán bộ kiểm lâm thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắc Mi dễ theo dõi, bảo vệ. Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắc Mi - ông Nguyễn Văn Tình cho biết, với những diện tích rừng phòng hộ có ba kích tím mọc tự nhiên, đơn vị cắt cử kiểm lâm, nhân viên hợp đồng liên tục tuần tra, kiểm soát chặt chẽ. Từ ngày phát hiện quần thể ba kích tím, chính quyền các cấp, các chương trình mục tiêu quốc gia đã quan tâm hỗ trợ kinh phí trồng, bảo tồn nhân giống.

Bảo vệ rừng chuyên nghiệp

Các vụ phá rừng phòng hộ Đắc Mi vừa qua đã lộ rõ những bất cập của hình thức giao khoán rừng cho cộng đồng, nhóm hộ. Từ các dự án trồng rừng, Phước Sơn đã đúc kết kinh nghiệm thực tiễn, nhân rộng các mô hình phát triển rừng hiệu quả. Ngoài các chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định 99 của Chính phủ, Nghị định 75, giai đoạn 2016 - 2021, người dân được nhận hỗ trợ bình quân 300 nghìn đồng/ha/năm. Theo kế hoạch, tháng 8 này, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắc Mi và Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh hoàn thành phương án trình UBND tỉnh phê duyệt, tổ chức thành lập các tổ bảo vệ rừng chuyên trách triển khai trên diện tích lâm phận của hai chủ rừng này. Theo Phòng NN&PTNT huyện Phước Sơn, mỗi năm trên địa bàn trồng hơn 800ha rừng sản xuất (kể cả trồng mới và sau khai thác trồng lại). Hiện nay, địa phương đang lập dự án triển khai kế hoạch trồng rừng gỗ lớn năm 2019, hỗ trợ nhân dân trồng 100ha cây keo tai tượng Úc theo Quyết định số 1475, ngày 20.5.2019 của UBND tỉnh. Ngoài ra, Công ty CP Đầu tư và phát triển lâm nghiệp Quảng Nam đang lập dự án án trồng rừng gỗ lớn và chuyển hóa trồng rừng gỗ lớn với tổng diện tích 4.050ha.

Khó nhất của Phước Sơn là quản lý giống lâm nghiệp, nhất là đối với các hộ gia đình sản xuất giống nhỏ lẻ, tự phát. Chính quyền chưa có phương án, kế hoạch cụ thể về khai thác, sử dụng sản phẩm dưới tán rừng. Nhân dân dè dặt trồng rừng gỗ lớn, chuyển hóa rừng trồng. Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn - Nguyễn Quảng đề nghị, HĐND, UBND tỉnh cho phép huyện Phước Sơn thực hiện kết quả rà soát bổ sung quy hoạch dược liệu do địa phương thực hiện nhằm tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư bảo tồn và phát triển dược liệu trên địa bàn. “Chúng tôi đề nghị bổ sung Nghị quyết 202 của HĐND tỉnh về bảo tồn phát triển dược liệu ở nội dung tăng số loài cây được hỗ trợ trong nghị quyết phù hợp với thực tiễn vì hiện nay Phước Sơn mới có 3 loài cây là đảng sâm, ba kích tím và sa nhân được hỗ trợ. Đồng thời, đề nghị công nhận Phước Sơn đã di thực thành công sâm Ngọc Linh để có cơ sở triển khai dự án theo cơ chế đầu tư của tỉnh” - ông Quảng đề xuất.

Để tháo gỡ rào cản trong phát triển kinh tế rừng, Phước Sơn cũng kiến nghị UBND tỉnh sớm phê duyệt chủ trương đầu tư trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn; cấp kinh phí đo đạc, lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông lâm nghiệp cho đồng bào miền núi đạt theo chỉ tiêu đề ra.

TRẦN HỮU