Vùng bảo tồn cây dược liệu: Những tín hiệu vui
Từ năm 2018 tới nay, tại các huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang, qua khảo sát, những vùng dược liệu bảo tồn đã lên xanh dưới tán rừng. Thành công bước đầu từ các mô hình bảo tồn và phát triển dược liệu, tạo vùng giống ổn định là những tín hiệu vui.
Xây dựng vùng bảo tồn
Từ trung tâm thị trấn P’rao, để tiếp cận được vùng bảo tồn giống cây dược liệu của huyện Đông Giang chỉ mất chừng nửa tiếng đồng hồ, kể cả thời gian lội rừng. Vùng bảo tồn cây ba kích nằm trên diện tích rừng nghèo của nhà nước và một phần rừng trồng keo của dân với khoảng 4ha, được trồng xen dưới tán rừng keo, đảm bảo độ che phủ. Ba kích ở đây mới một năm tuổi nhưng nhờ sinh trưởng và phát triển tốt nên đạt chiều cao trung bình 0,5 - 1m.
Theo ông Nguyễn Bông - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Đông Giang, mô hình triển khai từ cuối 2018 đến nay với 26.000 cây giống ba kích, tỷ lệ sống đạt 85 - 90%. Với cơ chế Nhà nước đầu tư 100% cây giống ba kích, phân bón hữu cơ vi sinh, hỗ trợ công chăm sóc, kỹ thuật trồng. Cùng với sự thành công của mô hình, sắp tới, huyện Đông Giang sẽ hỗ trợ thành lập tổ hợp tác sản xuất giống cây ba kích với mục tiêu tạo điều kiện để nhóm hộ tham gia bảo tồn, phát triển giống ba kích, tạo đà phát triển vùng dược liệu.
Tại xã Lăng (Tây Giang), cũng có vùng bảo tồn cây ba kích tím rộng 6ha dưới tán rừng nghèo, rừng tự nhiên do Hạt Kiểm lâm Bắc Sông Bung quản lý. Mô hình do Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Tây Giang phối hợp với Hợp tác xã (HTX) Thiên Bình triển khai. Nhà nước hỗ trợ giống, phân bón hữu cơ vi sinh, kỹ thuật, nhân công để bảo tồn giống phục vụ nhân rộng về sau. Qua một năm, cây sinh trưởng, phát triển tốt.
Ông Nguyễn Bá Hiển - Giám đốc HTX Thiên Bình cho hay, thực tế chứng minh cây ba kích không chỉ sống tốt dưới tán rừng mà còn có thể sống tốt trên diện tích nương rẫy, song cần trồng thâm canh, bón phân hữu cơ vi sinh; ba kích tím có thể trồng xen với cây lúa rẫy, cây bắp khá thuận lợi, song cần đảm bảo nguồn nước tưới trong điều kiện thời tiết khô hạn kéo dài.
Ông Thiều Quốc Kỳ - cán bộ Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện Tây Giang chia sẻ, so với cây ba kích đen, vàng thì cây ba kích tím được ưa chuộng hơn và có giá trị cao. Tuy nhiên, dù là “thủ phủ” của cây ba kích tím, song cây ba kích Tây Giang đã cạn kiệt bởi tốc độ khai thác ồ ạt thời gian qua. Tại xã Lăng, ngoài hộ ông Bríu Pố, Clâu Nghi cùng HTX Thiên Bình có diện tích ba kích tương đối; còn số ít nằm rải rác trong dân nhưng sản lượng không đáng kể.
Hiện, ngoài HTX Thiên Bình, Tây Giang còn có hai tổ hợp tác Chính Châu và Đức Huy, hai cơ sở này tạo sản phẩm đặc hữu, từng bước xây dựng nhãn mác, thương hiệu cây ba kích. Cũng theo ông Kỳ, sự thành công bước đầu của mô hình bảo tồn giống cây ba kích ở xã Lăng là cơ sở, tiền đề cho mục tiêu nhân giống, phát triển vùng ba kích tím hàng hóa về sau.
Tỷ lệ cây sống 90%
Theo ông Trần Ngọc Bằng - Trung tâm Phát triển Sâm Ngọc Linh và dược liệu, năm 2018 trung tâm đã phối hợp với các đơn vị thực hiện trồng hoàn thành diện tích 25ha các cây dược liệu tại 4 huyện: Đông Giang, Tây Giang, Phước Sơn và Nam Trà My (giảm huyện Nam Giang do không lựa chọn được đơn vị thực hiện). Cụ thể, vùng bảo tồn cây ba kích tím Tây Giang 6ha; cây ba kích tại Đông Giang 4ha; cây đảng sâm tại Nam Trà My 7,5ha; cây sa nhân tím tại Phước Sơn 7,5ha.
Ông Bằng cho hay, hiện đã cơ bản hoàn thành việc trồng bảo tồn chủ động đảm bảo diện tích theo mục tiêu đề ra. Qua kiểm tra, đánh giá, các loại cây dược liệu kể trên đều sinh trưởng và phát triển rất tốt, tỷ lệ sống lên đến 90 - 95%; riêng khu vực trồng bảo tồn cây đảng sâm tại huyện Nam Trà My đạt tỷ lệ sống khoảng 80%, đang trồng dặm bổ sung. Những vườn dược liệu trên được giao cho các tổ chức (Nhà nước) nên đảm bảo chăm sóc tốt, nhất là khâu quản lý, bảo vệ. Đồng thời gắn việc trồng dược liệu với một số diện tích trồng rừng gỗ lớn ở địa phương giúp phát huy hiệu quả. Từ khi tỉnh có cơ chế “Hỗ trợ khuyến khích bảo tồn và phát triển cây dược liệu tỉnh Quảng Nam”, việc phát triển trồng cây dược liệu trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo, người dân miền núi đã chú trọng đến việc trồng và phát triển cây dược liệu kết hợp trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng...
“Từ thực tiễn, chúng tôi nhận thấy, ba kích, đảng sâm không chỉ ở trong rừng sâu mà có thể trồng thâm canh trong nương rẫy. Qua thí điểm một số diện tích nhỏ, có thể trồng xen cây ba kích, đẳng sâm với cây bắp, cây lúa rẫy, với điều kiện phải đảm bảo độ che phủ hợp lý” - ông Bằng nói.
Ngoài các mô hình trồng bảo tồn kể trên, năm 2016 Trung tâm Giống Nông lâm nghiệp (Sở NN&PTNT) được UBND tỉnh phân bổ nguồn kinh phí 500 triệu đồng thực hiện công tác sửa chữa, nâng cấp cơ sở nuôi cấy mô để thực hiện nghiên cứu, sản xuất giống dược liệu. Qua tiếp nhận chuyển giao quy trình sản xuất ba kích Tây Giang nuôi cấy mô từ Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, Trung tâm Giống Nông lâm nghiệp đã sản xuất và cung ứng cho huyện Tây Giang 30.000 cây ba kích nuôi cấy mô. Đến nay, qua 2 năm, cây ba kích nuôi cấy mô trồng ở một số xã tại Tây Giang có tỷ lệ sống trên 70%. Theo khảo sát của Phòng NN&PTNT huyện Tây Giang, đến nay cây sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất ước tính khoảng 0,5 - 0,7 kg/cây.