Giao khoán rừng ở khu bảo tồn voi
Hơn 2 năm thành lập, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi đã tổ chức quản lý giao khoán bảo vệ rừng (BVR) liên vùng, liên địa phương chặt chẽ, góp phần giảm đáng kể nhiều vụ phá rừng.
Sau khi thành lập vào cuối năm 2017, Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi nhận chuyển giao những diện tích đang thực hiện giao khoán BVR lưu vực thủy điện Khe Diên từ Hạt Kiểm lâm Trung Quảng Nam, Hạt Kiểm lâm Bắc Quảng Nam để tiếp tục thực hiện. Theo đó, chủ rừng này giao khoán cho 37 nhóm hộ với diện tích hơn 5.852ha để BVR, thuộc địa bàn huyện Nông Sơn, Đại Lộc và xã Duy Sơn (Duy Xuyên). Tháng 5 vừa qua, hầu hết diện tích thực hiện giao khoán BVR trên địa bàn huyện Nông Sơn đều chuyển sang hình thức chủ rừng tự quản lý, bảo vệ. Tại 3 thôn của xã Phước Ninh (Nông Sơn), qua các cuộc họp đã tuyển chọn được 30 người có sức khỏe tốt để hợp đồng BVR chuyên trách. Thời gian qua, Nông Sơn tập trung phổ biến việc chuyển đổi các diện tích đang thực hiện giao khoán cho hộ gia đình, nhóm hộ, cộng đồng dân cư hiện nay sang hình thức hợp đồng lực lượng BVR chuyên trách theo Quyết định số 266 của UBND tỉnh, ngày 24.1.2019. Riêng với diện tích BVR theo Nghị định số 75 của Chính phủ do UBND cấp xã bàn giao sang, Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi tiếp nhận toàn bộ hồ sơ và bản đồ liên quan từ thời điểm bắt đầu thực hiện giao khoán đến thời điểm hiện tại. Trên cơ sở bản đồ giao khoán quản lý BVR, các bên liên quan sẽ cùng ra thực địa xác định rõ diện tích, vị trí cần giao nhận.
Theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, tuy mới thành lập, nhưng Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi triển khai kịp thời các chính sách quản lý, BVR, nhất là khâu quản lý lao động BVR rất hiệu quả. Chủ rừng xây dựng kế hoạch và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao năng lực cho hợp đồng lao động; tăng cường kiểm tra, giám sát, xem xét, quyết định tiếp tục hợp đồng hay chấm dứt hợp đồng lao động với mỗi thành viên BVR. Từ đầu năm 2018 đến nay, lực lượng BVR chuyên trách đã phát hiện nhiều vụ lấn chiếm rừng, phá rừng trong lâm phận diện tích được giao; tháo dỡ hàng trăm bẫy bắt thú rừng. Ngoài ra, lực lượng này còn thực hiện ít nhất 10 ngày tuần tra, kiểm tra trong rừng và 12 ngày tại các điểm chốt chặn BVR. Tuy nhiên, theo nhận định của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Nông Sơn là địa bàn nóng, vùng trung chuyển gỗ lậu quy mô của tỉnh, các hành vi phá rừng diễn biến phức tạp, gây thất thoát tài nguyên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, nhất là dai dẳng tình trạng xâm hại rừng tại tiểu khu 444 (khu vực giáp ranh giữa huyện Nông Sơn với Nam Giang).
Áp lực BVR của cơ quan kiểm lâm địa phương và chủ rừng là người dân địa phương sống gần rừng, ven rừng nhiều nhưng diện tích đất lâm nghiệp ít hoặc không có nên dẫn đến tình trạng phá rừng để kiếm thêm thu nhập. Mặt khác, tuyến đường Trường Sơn Đông cắt ngang qua vùng lõi Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi đã tạo điều kiện cho lâm tặc lợi dụng vận chuyển gỗ trái phép. Theo Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi, do quản lý diện tích lớn và có đường ranh giới trải dài, tiếp giáp với 4 huyện; cùng với đó là ranh giới của các khu rừng đặc dụng, phòng hộ, sản xuất chưa được phân định, cắm mốc và qua nhiều lần quy hoạch, sự thay đổi chức năng các loại rừng là những thách thức cho công tác giữ rừng.
Kiểm tra, giám sát về công tác giao khoán rừng chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định 99 của Chính phủ tại Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi mới đây, HĐND huyện Nông Sơn đánh giá nhiều bất cập trong hình thức giao khoán BVR cho nhóm hộ, cộng đồng dân cư. Đáng nói, một số hộ nhận khoán là đối tượng phá rừng nên việc giao khoán cho các đối tượng này càng làm tăng nguy cơ mất rừng. Trong khi đó, hiện vẫn chưa có chế tài xử lý các nhóm hộ, cộng đồng dân cư khi để xảy ra mất rừng.