Gỗ tận dụng bỏ phí trong rừng

TRẦN HỮU 04/08/2019 16:27

Mặc dù UBND tỉnh đã phê duyệt chi phí khai thác, thu gom và giá khởi điểm để bán đấu giá gỗ tận dụng xây dựng công trình nhà máy thủy điện Đắc Mi 3, nhưng còn một khối lượng lớn gỗ chưa được đưa ra khỏi rừng, gần như bị mục nát, chìm dưới lòng hồ.

Nhiều cây gỗ cổ thụ bị ngập dưới lòng hồ thủy điện Đắc Mi 3 không được khai thác. Ảnh: T.H
Nhiều cây gỗ cổ thụ bị ngập dưới lòng hồ thủy điện Đắc Mi 3 không được khai thác. Ảnh: T.H

Cuối năm 2018, UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt chi phí khai thác, thu gom và giá khởi điểm để bán đấu giá gỗ tận dụng xây dựng công trình nhà máy thủy điện Đắc Mi 3. Theo đó, diện tích khai thác là hơn 16,7ha, địa điểm khai thác thuộc khu vực lòng hồ Đắc Mi 3 tại tiểu khu 712, xã Phước Công và tiểu khu 717, xã Phước Lộc (Phước Sơn); khu vực lưới điện truyền tải thuộc tiểu khu 683, 684 xã Phước Chánh; tiểu khu 655, 656, 661 xã Phước Hòa; tiểu khu 687 xã Phước Kim (Phước Sơn). Giá khởi điểm để bán đấu giá gỗ tận dụng là hơn 481 triệu đồng. UBND tỉnh duyệt mỗi mét khối có đơn giá 3 triệu đồng. Công ty TNHH Đồng Phú Nguyên (trụ sở TP.Đà Nẵng) hợp đồng với Công ty Thủy điện Đắc Mi 3 khai thác, nhưng sau đó UBND tỉnh có văn bản khẳng định, gỗ bán đấu giá thuộc tài sản của Nhà nước, nên huyện Phước Sơn đứng ra tổ chức bán, hợp đồng với Công ty TNHH Đồng Phú Nguyên. Gỗ tận dụng được khai thác về để ở các trạm kiểm tra lâm sản liên ngành trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, do chất lượng gỗ tận dụng không đảm bảo chất lượng, phần vì vướng thủ tục pháp lý khai thác tốn thời gian, nên doanh nghiệp chỉ lấy hơn 200m3; hàng trăm mét khối gỗ còn lại phơi nắng mưa trong rừng.

Tháng 7.2018, nhà máy thủy điện Đắc Mi 3 đưa vào vận hành. Muốn đem gỗ tận thu ra khỏi rừng cần phải có xe múc san ủi đường, trong khi đó pháp luật quy định không được tác động mở đường vào rừng tự nhiên. Công ty TNHH Đồng Phú Nguyên khai thác hơn 200m3, nhưng bị thua lỗ nặng nên hiện nay đã dừng việc khai thác gỗ tận dụng. Do không được mở đường giao thông phục vụ việc lấy gỗ, nên số gỗ tận dụng đưa ra khỏi rừng chủ yếu nằm ở khu vực lòng hồ và gần đường giao thông; trong khi đó số gỗ đã đốn hạ chưa đem ra ngoài nằm rải rác ở rừng, dưới đường dây truyền tải điện của dự án. Theo UBND huyện Phước Sơn, nhiều khối lượng gỗ bị hư hại còn nằm trong rừng vì địa hình đồi dốc hiểm trở không kéo ra được. Phía nhà máy thủy điện đã bồi thường 1,9 tỷ đồng do làm mất rừng;  còn số tiền bán đấu giá gỗ trừ hết chi phí còn lại không nhiều.

Để tránh thất thoát gỗ tận dụng, chính quyền tỉnh đã yêu cầu Sở NN&PTNT chịu trách nhiệm chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắc Mi phối hợp với UBND huyện Phước Sơn lập thủ tục nghiệm thu, đóng búa gỗ khai thác theo quy định; UBND huyện Phước Sơn chịu trách nhiệm ký hợp đồng với Công ty TNHH Đồng Phú Nguyên để thực hiện việc khai thác, thu gom, vận chuyển gỗ khai thác tập kết về bãi và lập thủ tục để tổ chức bán đấu giá gỗ khai thác theo đúng quy định. Theo Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắc Mi, khi thi công nhà máy thủy điện Đắc Mi 3, số gỗ tận dụng không thể khai thác hết, chủ yếu do vướng mắc từ các quy định của pháp luật là cấm mở đường vào rừng tự nhiên, các thủ tục bán đấu giá gỗ tận dụng rườm tà, tốn nhiều thời gian.

Được biết, dự án thủy điện Đắk Mi 3 được xây dựng trên sông Đắk Mi, đây là nhánh thượng lưu của sông Vu Gia. Toàn bộ diện tích xây dựng dự án nằm trên địa bàn các xã Phước Chánh, Phước Công, Phước Lộc, Phước Kim và Phước Hòa (Phước Sơn). Dự án có công suất lắp máy 63MW, tổng vốn đầu tư 1.626 tỷ đồng, được khởi công xây dựng từ ngày 29.4.2014 và hoàn thành sau 3 năm thi công, do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam IDICO làm chủ đầu tư.

TRẦN HỮU