Gìn giữ và mở rộng diện tích rừng tự nhiên ở Nông Sơn

PHAN VINH 19/06/2019 14:14

(QNO) - Trên địa bàn huyện Nông Sơn, ngoài nỗ lực khoanh nuôi, bảo vệ rừng tự nhiên còn có cách làm nhằm tăng diện tích rừng tự nhiên. Nhờ vậy, những rủi ro thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra ngày càng được hạn chế.

Diện tích rừng tự nhiên ở Nông Sơn được bảo vệ, khoanh nuôi. Ảnh: PHAN VINH
Diện tích rừng tự nhiên ở Nông Sơn được bảo vệ, khoanh nuôi. Ảnh: PHAN VINH

Chung tay gìn giữ

Mỗi lần có mưa lớn kéo dài, Nông Sơn là địa phương có nguy cơ bị lũ lụt cao nhất. Có những năm, địa phương này bị ngập lụt, chia cắt tới gần 10 ngày. Tuy ngập lụt thời gian lâu nhưng trên địa bàn Nông Sơn chưa từng xảy ra lũ quét hay sạt lở đất đe dọa khu dân cư. Để được như vậy, Nông Sơn đã triển khai rất tốt công tác khoanh nuôi, bảo vệ diện tích rừng tự nhiên.

Theo ông Phạm Văn Bằng - Bí thư Chi bộ thôn Đại Bình (xã Quế Trung), trên địa bàn thôn có một khu vực rừng gọi là rừng núi Cấm, rộng khoảng 4ha. Sử làng ghi lại, từ khi thành lập làng đến nay, tất cả người dân trong làng nếu không có việc gì quan trọng liên quan đến cái chung của làng thì không được bước vào rừng này. Những hành vi phá rừng, xâm hại đến các loài động vật rừng và lâm sản trong khu rừng nếu bị phát hiện đều phải xử phạt nghiêm và kiểm điểm trước cả làng. Chính nhờ những lệ này mà diện tích rừng tự nhiên tại núi Cấm được bảo vệ nguyên vẹn cho đến hôm nay.

Hạt Kiểm lâm Trung Quảng Nam luôn tăng cường công tác tuần tra, bảo vệ rừng. Ảnh: PHAN VINH
Hạt Kiểm lâm Trung Quảng Nam luôn tăng cường công tác tuần tra, bảo vệ rừng. Ảnh: PHAN VINH

“Rừng núi Cấm nằm ở cuối làng. Đây là cánh rừng nguyên sinh, là lá chắn giữ cho làng yên bình trong những trận gió bão và gìn giữ nguồn không khí trong lành cho người dân sống tại đây. Ông bà ở làng Đại Bình nhận thức rõ tầm quan trọng của cánh rừng này nên đã lập ra lệ cấm xâm hại đến rừng. Chúng tôi là thế hệ sau cũng ghi nhận những lợi ích của rừng mang lại và cố gắng gìn giữ, bảo vệ” - ông Bằng nói.

Theo thông tin từ Hạt Kiểm lâm Trung Quảng Nam, từ câu chuyện của người dân Đại Bình gìn giữ rừng núi Cấm, đơn vị đã thường xuyên lấy đó làm tư liệu tuyên truyền cho người dân tiếp tục phát huy tinh thần bảo vệ rừng. Đối với những diện tích rừng phòng hộ đã trở thành rừng sản xuất, người dân liên tục phủ xanh đồi trọc, tránh tình trạng bỏ hoang, mềm đất dễ gây sạt lở vào mùa mưa lũ. Trên địa bàn Nông Sơn, vấn đề này được thực hiện nghiêm túc và hiệu quả.

Mở rộng diện tích rừng tự nhiên

Theo ông Nguyễn Ngọc Nguyên - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Trung Quảng Nam, trước năm 2016, số liệu đo đạc diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn Nông Sơn là 22.000ha. Năm 2016, đơn vị tổ chức đo đạc, thống kê mới thì diện tích rừng tự nhiên đã tăng lên 24.000ha. Ngoài diện tích được UBND tỉnh đưa thêm vào diện tích rừng được bảo vệ, khoanh nuôi, Hạt Kiểm lâm Trung Quảng Nam cũng tích cực kiểm tra, giám sát và phát hiện diện tích rừng 1C (rừng có cây nhỏ), sau đó kịp thời khoanh nuôi rồi đưa vào diện tích rừng tự nhiên mới.

Nguyên nhân xuất hiện 2.000ha rừng tự nhiên có lẽ là sai số trong quá trình đo đạc của thời điểm trước năm 2016, tuy nhiên, diện tích rừng 1C mà đơn vị kịp thời phát hiện rồi đưa vào diện tích rừng tự nhiên cũng tương đối lớn. Điều này nói lên được ý thức của người dân địa phương đã được nâng cao trong những năm gần đây. Hành vi lấn chiếm đất rừng để trồng keo cơ bản được kiểm soát.

Cũng theo ông Nguyên, tình trạng phá rừng lấy lâm sản và xâm hại rừng trên địa bàn Nông Sơn là có xảy ra, tuy nhiên số lượng lâm sản không lớn. Cụ thể, theo số liệu 6 tháng đầu năm 2019, Hạt Kiểm lâm Trung Quảng Nam phát hiện 17 vụ phá rừng, tang vật thu giữ gồm 13m3 gỗ. Ngoài ra, những năm qua, việc tuần tra, kiểm soát cũng được đơn vị đặc biệt quan tâm và được sự hỗ trợ hiệu quả của các thiết bị hiện đại như máy tính bảng, camera...

“Rừng là lá phổi xanh, là lá chắn gió bão giúp hạn chế rủi ro thiên tai - đây là điều mà gần như ai cũng biết và hiểu. Giữ rừng, bảo vệ rừng là giải pháp hiệu quả ứng phó biến đổi khí hậu như hiện nay. Thời gian tới, để giảm thiểu hơn nữa tình trạng sạt lở đất, đồi núi, chúng tôi vận động người dân trồng rừng gỗ lớn để giữ chặt đất và tạo thảm thực vật bền vững. Đồng thời thực hiện tốt việc giao khoán rừng để tiếp tục bảo vệ, khoanh nuôi rừng tốt hơn” - ông Nguyên cho biết thêm.

PHAN VINH