Dự án trồng rừng kfw10: Giao rừng cho cộng đồng quản lý

TRẦN NGUYỄN 07/06/2019 16:15

Dự án “Bảo vệ và quản lý tổng hợp các hệ sinh thái rừng ở các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum và Gia Lai” (gọi tắt dự án kfw10) sử dụng nguồn vốn ODA của Chính phủ Cộng hòa liên bang Đức. Tại Quảng Nam, dự án triển khai thực hiện tại các huyện Bắc Trà My, Nam Giang, Phước Sơn từ năm 2014 đến nay.

Tại huyện Nam Giang, việc giao đất giao rừng gặp khó khăn do vướng pháp lý khi cộng nhận quyền sử dụng đất cho cộng đồng. Ảnh: T.N
Tại huyện Nam Giang, việc giao đất giao rừng gặp khó khăn do vướng pháp lý khi cộng nhận quyền sử dụng đất cho cộng đồng. Ảnh: T.N

Nhiệm vụ trọng tâm của dự án kfw10 là thực hiện các hoạt động bảo vệ và quản lý bền vững rừng tự nhiên là rừng sản xuất dựa vào cộng đồng; phát triển sinh kế và xây dựng cơ chế phân phối lợi ích cấp cơ sở; chia sẻ các bài học kinh nghiệm về quản lý rừng cộng đồng. Công tác tuần tra bảo vệ rừng được thực hiện từ khi diện tích rừng được quy hoạch tham gia dự án. Các ban quản lý rừng cộng đồng đã xây dựng kế hoạch và tổ chức tuần tra bảo vệ rừng, ghi chép dữ liệu và báo cáo kết quả tuần tra đúng theo quy định. Bình quân mỗi tháng cộng đồng tổ chức từ 3 - 5 đợt tuần tra rừng. Theo Ban Quản lý dự án kfw10, 3 huyện được quy hoạch sử dụng đất với tổng diện tích 11.402ha (Nam Giang 3.547ha, Phước Sơn 3.844ha và Bắc Trà My là 4.011ha). Tổng diện tích thiết lập rừng đưa vào quản lý rừng cộng đồng cho 20 thôn là 10.395/11.402ha quy hoạch (đạt 110% so với kế hoạch ban đầu đề ra).

Thời gian qua, chính quyền các địa phương cắt cử cán bộ, cộng đồng dân cư đến hiện trường rừng xác định ranh giới ngoài thực địa đối với tất cả diện tích rừng tham gia dự án. Diện tích rừng được giao đều được đóng mốc thực địa. Đến nay, dự án đã đo đạc, điều tra tài nguyên rừng và thực hiện giao đất, giao rừng với diện tích 5.091ha cho 9 cộng đồng thôn, trên địa bàn 3 huyện. Đồng thời, triển khai kế hoạch điều tra tài nguyên rừng để tiếp tục giao đất giao rừng đối với các thôn còn lại. Phần lớn diện tích được giao cho cộng đồng dân cư là đồng bào thiểu số tại các thôn, xã vùng khó khăn, trình độ dân trí còn thấp, việc tiếp cận và thực hiện một số quy định của dự án đối với cộng đồng gặp nhiều trở ngại. Theo chính quyền địa phương, một số khu rừng dự án xa khu dân cư nên việc đi lại tuần tra bảo vệ rừng tốn nhiều thời gian. Tuy nhiên, quá trình tiến hành giao đất giao rừng gặp phải vướng mắc về pháp lý khi cấp sổ đỏ cho cộng đồng, bởi quy định của Luật Đất đai là không cấp bìa đỏ cho cộng động dân cư.

TRẦN NGUYỄN