Hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Nam Trà My
(QNO) - Hai năm qua, việc chấn chỉnh công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) trên địa bàn huyện Nam Trà My đã mang lại hiệu quả cao trong việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng dân cư về vấn đề bảo vệ rừng.
Kiện toàn nhóm hộ nhận khoán
Trước năm 2017, tại xã Trà Nam, chính sách chi trả DVMTR theo Nghị định 99 của Chính phủ được giao khoán cho tất cả các hộ dân. Theo đó, toàn xã có 18 nhóm hộ (với 830 hộ) ở 5 thôn tham gia bảo vệ rừng trên tổng diện tích hơn 4.247ha. Số tiền các hộ nhận được từ dịch vụ là hơn 200.000 đồng/ha/năm.
Ông Nguyễn Thanh Phương - Chủ tịch UBND xã Trà Nam cho biết, sau thời gian triển khai thì có một số hộ hoạt động không hiệu quả, nhất là rơi vào các hộ có lao động chính già yếu, phụ nữ làm chủ hộ hoặc ở xa rừng. Hậu quả, tình trạng phá rừng đã xảy ra tại một vài điểm trên địa bàn xã. Do đó, đầu năm 2017, thực hiện theo chủ trương của huyện, xã đã tiến hành rà soát, củng cố 10 nhóm hộ (200 hộ) đủ điều kiện về lực lượng lao động, sức khỏe và có tâm huyết.
“Từ khi rà soát, kiện toàn, các hộ, nhóm hộ được củng cố có trách nhiệm hơn trong vấn đề bảo vệ rừng, xã cũng thành lập 5 chốt bảo vệ rừng trên quốc lộ 40B và tuyến ĐH. Mỗi chốt có 5 người thường xuyên bảo vệ; cứ 3 người tuần tra thì 2 người trực. Nhờ đó, trong 2 năm qua, trên địa bàn xã không có trường phá rừng nào xảy ra” - ông Phương nói.
Cũng theo ông Phương, trong số 200 hộ nói trên, xã thường xuyên thực hiện công tác đánh giá, kiểm tra và rà soát theo tháng, quý. Hộ nào hoạt động không tốt, thiếu trách nhiệm, xã sẽ khảo sát ý kiến từ các nhóm hộ để kiểm điểm, thậm chí loại bỏ nếu vi phạm nặng.
Theo UBND huyện Nam Trà My, công tác bảo vệ rừng theo chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn huyện bắt đầu từ năm 2013 từ đề án chi trả theo lưu vực 4 thủy điện Sông Tranh 2, Trà Linh 3, Tà Vi và Đắk - Dring với 107 nhóm hộ (6.935 hộ) nhận khoán. Tổng diện tích rừng bảo vệ theo chính sách là hơn 37.191ha
Năm 2017, thực hiện Công văn số 1283/UBND-KTN ngày 22.3.2017 của UBND tỉnh về việc chấn chỉnh công tác chi trả DVMTR, huyện Nam Trà My đã tiến hành rà soát, kiện toàn các hộ, nhóm hộ nhận khoán. Kết quả, đến năm 2018, huyện đã củng cố 3.321 hộ đủ điều kiện sức khỏe, tâm huyết bảo vệ rừng; đồng thời loại bỏ 1.108 hộ già yếu, thiếu tinh thần trách nhiệm bảo vệ rừng và giảm từ 107 nhóm hộ xuống còn 94 nhóm hộ. Bên cạnh đó, ngoài 5 chốt bảo vệ rừng tại Trà Nam, huyện đã và đang xây dựng thêm 15 chốt ở các xã Trà Don, Trà Mai, Trà Leng và Trà Cang.
Nâng cao thức bảo vệ rừng
Hơn 1 năm nay, anh Đinh Văn Hiếm (32 tuổi, trú thôn 3, xã Trà Don) đảm nhận nhiệm vụ trực tại chốt bảo vệ rừng nằm dọc quốc lộ 40B. Theo anh Hiếm, thời gian qua, chốt luôn đảm bảo 3 thành viên thường trực và tuần tra. Cả chốt có 18 hộ luân phiên nhau đảm nhận nhiệm vụ theo lịch phân công. Các hộ còn được tập huấn các công tác về bảo vệ rừng và xử lý tình huống khi có vấn đề xảy ra.
“Khi tiếp nhận thông tin, hoặc phát hiện có trường hợp phá rừng hay vận chuyển gỗ, động vật quý hiếm, chúng tôi tập trung lực lượng, kiểm tra hiện trường và tạm giữ phương tiện, tang vật. Tiếp đó, chúng tôi liên hệ với lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương để cùng phối hợp, xử lý theo pháp luật” - anh Hiếm nói.
Ông Nguyễn Đình Hoan - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Nam Trà My - Giám đốc BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh cho biết: “Từ năm 2017 đến nay, công tác phối hợp thông tin về các đối tượng vi phạm, tố giác tội phạm giữa nhân dân và lực lượng kiểm lâm ngày càng chặt chẽ và hiệu quả. Các vụ phá rừng làm nương rẫy so với các năm trước đây cũng giảm đáng kể. Đặc biệt, năm 2018, người dân đã phối hợp với kiểm lâm phát hiện, ngăn chặn 54 trường hợp vi phạm liên quan đến phá rừng”.
Theo ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, từ khi thực hiện chấn chỉnh công tác chi trả DVMTR, tình hình quản lý, bảo vệ rừng được kiểm soát chặt chẽ và đạt hiệu quả cao. Không chỉ ý thức bảo vệ rừng của người dân nói chung và các hộ, nhóm hộ nhận khoán được nâng lên mà còn hỗ trợ đắc lực cho chính quyền, các cơ quan chức năng trong công tác quản lý rừng.
“Qua củng cố, mức thu nhập từ DVMTR được tăng lên cũng đã tạo động lực cho hộ, nhóm hộ nhận khoán tích cực tham gia bảo vệ rừng. Đặc biệt, thời gian qua, huyện tập trung khuyến khích trồng dược liệu dưới tán rừng và đem lại hiệu quả kinh tế cao nên các hoạt động giữ rừng, trồng rừng được người dân chú trọng hơn” - ông Bửu cho biết thêm.