Tàn phá rừng phòng hộ Sông Tranh (clip)

THANH THẮNG 20/03/2019 03:40

(QNO) - Khu vực rừng phòng hộ Sông Tranh (huyện Bắc Trà My) đang bị tàn phá nghiêm trọng.

Nhiều cây gỗ trong rừng phòng hộ Sông Tranh vừa mới bị đốn hạ vào ngày 19.3. Ảnh: THANH THẮNG
Một cây gỗ lớn trong rừng phòng hộ Sông Tranh vừa bị đốn hạ. Ảnh: THANH THẮNG

Sáng sớm 19.3, từ đập phụ thủy điện Sông Tranh 2 (Bắc Trà My), chúng tôi di chuyển bằng ghe máy dọc theo lòng hồ thủy điện và bắt đầu tiếp cận phía bìa rừng khu vực rừng phòng hộ Sông Tranh (thuộc xã Trà Bui, Bắc Trà My). Tại đây có nhiều đường mòn dẫn vào rừng.

Sau hơn nửa giờ đồng hồ đi bộ lần theo con đường mòn đầy dấu chân trâu, vào sâu giữa rừng, chúng tôi chứng kiến một số đối tượng dùng cưa máy đốn hạ cây rừng. Thấy người lạ, nhóm đối tượng này nhanh chóng di chuyển khỏi hiện trường. Theo nguồn tin của chúng tôi, khu vực này được cho là thuộc tiểu khu 343.

Những cây gỗ bị đón hạ trong rừng phòng hộ Sông Tranh nhưng lực lượng kiểm lâm không hay biết. Ảnh: THANH THẮNG
Những cây gỗ bị cưa trơ gốc. Ảnh: THANH THẮNG
Dây xích cắt gỗ bỏ lại tại gốc cây. Ảnh: THANH THẮNG
Cây gỗ này có dấu cưa còn khá mới. Ảnh: THANH THẮNG

Trước mặt chúng tôi là khoảng 30 cây gỗ chuồn (thuộc nhóm III) đã bị đốn hạ nằm ngổn ngang, mỗi cây dài hơn 30m, có cây đường kính 2 người ôm không xuể. Ngoài ra còn có nhiều loại cây gỗ khác đã bị lâm tặc chặt hạ, thân cây chưa ráo nhựa. Nhiều cây gỗ vừa mới cắt khúc 2 - 3m chưa kịp chuyển đi.

Dọc theo khu vực rừng phòng hộ có nhiều địa điểm khác cũng bị tàn phá không thương tiếc. Theo quan sát của chúng tôi, ngoài các con đường mòn để kéo gỗ còn có hàng chục lán trại được dựng lên ngay trong rừng phòng hộ trong thời gian dài.

Nhiều khúc gỗ chuồn (nhóm III) chưa kịp rả phách. Ảnh: THANH THẮNG
Nhiều khúc gỗ chuồn nằm ngổn ngang. Ảnh: THANH THẮNG

Ông H. - một người lái đò ở hồ thủy điện Sông Tranh 2 cho biết, tình trạng phá rừng phòng hộ Sông Tranh diễn ra nhiều năm nay. Các đối tượng dùng trâu kéo gỗ từ nơi khai thác xuống bìa rừng, rồi tập kết ở sông. Sau đó dùng ghe máy (phương tiện chạy dầu loại lớn) để kẹp gỗ 2 bên, vận chuyển vượt sông Tranh theo hướng đập chính ra quốc lộ 40B và có ô tô chở đi ngay trong đêm.

“Lúc sông Tranh đầy nước hay ít nước, lâm tặc đều vận chuyển gỗ, diễn ra chủ yếu vào ban đêm. Một chiếc ghe lớn có thể vận chuyển được 10 - 20m3 gỗ. Trước đây các đối tượng có chở gỗ qua đập phụ, nhưng giờ người dân vận chuyển gỗ keo nhiều quá nên lâm tặc chuyển hướng” - ông H. nói.

Nhiều lều bạc dựng ngay trong rừng phòng hộ Sông Tranh. Ảnh: THANH THẮNG
Dựng lều bạt ngay trong rừng phòng hộ. Ảnh: THANH THẮNG
Dụng cụ dùng để để kéo gỗ lậu được bỏ lại gần khu vực rừng bị tàn phá. Ảnh: THANH THẮNG
Vật dụng mắc vào trâu để kéo gỗ. Ảnh: THANH THẮNG

Ông Lê Văn Trường - Phó Hạt trưởng phụ trách Hạt Kiểm lâm Bắc Trà My kiêm Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh cho biết, hiện tại đơn vị chưa nắm cụ thể vụ việc phá rừng trên, chưa nắm được địa điểm chính xác.

Gỗ lậu còn được dấu dưới lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2. Ảnh: THANH THẮNG
Gỗ lậu giấu dưới lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2. Ảnh: THANH THẮNG

Theo ông Trường, khu vực nêu trên giáp ranh với huyện Nam Trà My, có cán bộ tuần tra, xử lý, phối hợp với cộng đồng thôn để giữ rừng. “Giờ này (chiều 19.3) anh em đang đi tuần tra rừng, có thông tin sẽ xử lý” - ông Trường nói.

Mời bạn đọc xem clip:

THANH THẮNG

THANH THẮNG