Dự án khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang: Không tác động vào rừng phòng hộ
Sau khi giao quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang, nhiều ý kiến lo lắng về “số phận” cả trăm héc ta đất rừng sẽ bị băm nát nhường mặt bằng cho các công trình xây dựng. Tuy nhiên, cơ quan kiểm lâm khẳng định, diện tích rừng phòng hộ sẽ được giữ nguyên, giao cho doanh nghiệp bảo vệ.
Một góc làng A Sờ, xã Mà Cooih. Ảnh: T.N |
Ngày 28.1.2019, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 295/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/500) Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang tại thôn A Sờ, xã Mà Cooih (huyện Đông Giang) trên diện tích khoảng 120ha đất rừng, do Công ty CP Khu du lịch sinh thái Hang Gợp thuộc Tập đoàn FVG làm chủ đầu tư. Dự án có ranh giới quy hoạch phía đông giáp xã Kà Dăng, phía tây giáp núi Coong A Lanh, phía nam giáp đường ĐT609, phía bắc giáp núi Coong Our với tổng diện tích khoảng 120ha đất rừng. Dự án chia làm 4 khu vực chính để đầu tư. Diện tích gần 16ha phía nam với chức năng là nơi đón tiếp, nhà điều hành, quảng trường cây xanh; địa điểm bán vé, hàng lưu niệm, nhà bia di tích lịch sử, chòi nghỉ chân, hành lang đi bộ có mái che, đài vọng cảnh, nhà vệ sinh, khu xử lý nước thải, thu gom rác thải; 60,6ha khu vực trung tâm về phía nam là dịch vụ du lịch sinh thái; 29,72ha khu vực trung tâm về phía nam chức năng chính là dịch vụ du lịch văn hóa. Và diện tích 13,79ha còn lại được bố trí tại phía bắc, chức năng chính là lưu trú khách sạn, nhà hàng.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa trao quyết định chủ trương đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang. Dự án được triển khai tại thôn A Sờ, xã Mà Cooih, có quy mô diện tích 120ha, với tổng vốn đầu tư hơn 400 tỷ đồng, mỗi năm đảm bảo cho 100.000 khách lưu trú. |
Sau khi phê duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết, nghĩa là dự án sẽ thi công, nhiều người dân địa phương tỏ ra lo lắng về diện tích rừng tự nhiên sẽ biến mất. Một số ý kiến thắc mắc về diện tích rừng phòng hộ lớn sẽ bị thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đã vượt thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh, mà ở đây là thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
Trong văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về dự án này cũng lưu ý: đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đi qua rừng tự nhiên, hồ sơ thiết kế phải có ý kiến thống nhất của Sở NN&PTNT bằng văn bản trước khi thực hiện; kiểm soát môi trường nguồn nước, không ảnh hưởng đến hoạt động của dân cư, môi trường trong khu du lịch và vùng lân cận. Xác định cụ thể hành lang bảo vệ nguồn nước mặt theo Luật Tài nguyên nước, làm cơ sở triển khai dự án. Sử dụng, chuyển đổi đất rừng đúng vị trí, ranh giới và đảm bảo quy định về quản lý, bảo vệ rừng; đặc biệt là đất rừng tự nhiên trong quá trình thực hiện thủ tục đất đai và triển khai dự án.
Giải tỏa băn khoăn về chuyển đổi đất rừng tự nhiên sang mục đích khác, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh – ông Phan Tuấn cho rằng, dự án Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang được duyệt tuyệt đối không xâm hại rừng phòng hộ. Diện tích giao cho doanh nghiệp 120ha, chủ yếu đất ngoài rừng, đất trống. Trong số đó chỉ có khoảng 17ha là rừng phòng hộ giao khoán cho doanh nghiệp bảo vệ theo quy định. “Chi cục Kiểm lâm yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng trong quá trình thực hiện dự án” – ông Tuấn nói.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang - Hồ Quang Minh, dự án ảnh hưởng trực tiếp đến 63 hộ dân của thôn A Sờ. Chính quyền địa phương đang làm các thủ tục bồi thường, hỗ trợ cho người bị thu hồi đất. Một số hộ đồng ý nhận tiền bồi thường giai đoạn 1 với số tiền hơn 15 tỷ đồng. Khi dự án vào đầu tư sẽ nâng tầm được khu du lịch cũ, thu hút lượng du khách nhiều hơn, từ đó sẽ tăng nguồn thu cho địa phương.
TRẦN NGUYỄN