"Khoảng trống" pháp lý đất rừng
Hàng loạt cơ chế chính sách của Trung ương và địa phương ban hành nhằm tạo bứt phá trong phát triển kinh tế rừng. Tuy vậy, còn lâu người dân mới được hưởng lợi, nếu các cấp chính quyền không tháo gỡ kịp thời những vướng mắc về tính pháp lý của đất lâm nghiệp hiện nay.
Để triển khai các chính sách hỗ trợ rừng, các huyện miền núi cần đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho người dân. Ảnh: T.H |
Chậm cấp bìa đỏ đất rừng
Đầu năm nay, Quảng Nam phê duyệt kế hoạch hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn theo Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2019 - 2020, với tổng vốn hơn 565 tỷ đồng. Việc hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn và cấp chứng chỉ rừng sẽ được thực hiện tại 12 huyện gồm Phước Sơn, Tây Giang, Bắc Trà My, Nam Trà My, Nam Giang, Đông Giang, Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn, Quế Sơn, Phú Ninh và Thăng Bình. Đối tượng được hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có đất quy hoạch trồng rừng sản xuất được cấp có thẩm quyền giao, hoặc được thuê và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ), hoặc đã sử dụng đất ổn định trong vòng 3 năm trở lên không có tranh chấp… Tuy nhiên, tại một số huyện miền núi, người dân không dễ dàng đáp ứng tiêu chuẩn để được hỗ trợ theo quy định, trong đó có nguyên nhân chủ yếu là đất rừng chưa được cấp bìa đỏ. Đơn cử, tại huyện Đông Giang, năm 2017 đến nay, chỉ xã A Rooih và thị trấn Prao được cấp 2.321 bìa đỏ lâm nghiệp tỷ lệ 1/10.000 và đang họp xét 1.059 hồ sơ tại xã Ma Cooih với diện tích đo đạc chỉnh lý hơn 1.212ha. Theo giải thích của UBND huyện Đông Giang, sở dĩ các xã còn lại chưa tiến hành đo đạc, chỉnh lý và đăng ký, cấp bìa đỏ đất lâm nghiệp vì thiếu kinh phí.
Hộ ông Hệ Ngọc Châu (xã Trà Đông, Bắc Trà My) sau nhiều năm tranh chấp đất rừng với địa phương, trải qua thời gian dài làm đơn kiến nghị ở nhiều cơ quan của huyện, mới được UBND xã Trà Đông đồng ý xác nhận nguồn gốc đất. Ông Châu than thở: “Mặc dù nguồn gốc đất đã được cơ quan kiểm lâm xác nhận, nhưng để chính quyền sở tại lập hồ sơ thủ tục kiến nghị cơ quan chức năng công nhận tính pháp lý khu rừng gia đình đang canh tác ổn định là một hành trình gian nan. Không có bìa đỏ, không ngân hàng nào chịu cho vay để trồng rừng gỗ lớn”.
Trường hợp như ông Châu khá phổ biến ở các huyện miền núi hiện nay. Thực tế, tiến độ cấp bìa đỏ ở vùng cao gặp trở ngại chủ yếu là kinh phí đo đạc tốn kém; ngành chức năng lúng túng xác định ranh giới quy hoạch rừng phòng hộ, sản xuất. Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai - Phạm Bê phân tích, rào cản chính là nhiều đồng bào dân tộc thiểu số không có giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ khẩu, gây khó khăn cho công tác đăng ký, kê khai lập hồ sơ địa chính đất lâm nghiệp. Ranh giới giữa thực tế quản lý và trong hồ sơ không thống nhất với nhau; quy hoạch 3 loại rừng một số vị trí chưa phù hợp với điều kiện thực tế ở các địa phương nên làm chậm việc thực hiện dự án.
Cần tiếp tục giao đất rừng
Ngân hàng Thế giới và Tổng cục Lâm nghiệp đang tích cực giúp đỡ các địa phương miền núi áp dụng tài chính ưu đãi cho các mô hình sản xuất lâm nghiệp, giúp người dân vay vốn ngân hàng để trồng rừng gỗ lớn và nâng cao sinh kế nông thôn. Vì vậy, cần đẩy nhanh tiến độ cắm mốc ngoài thực địa 3 loại rừng (rừng đặc dụng, phòng hộ và sản xuất); phân loại đất, cấp bìa đỏ cho dân. Theo Sở NN&PTNT, chính sách hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn sẽ không được như ý muốn, nếu như các địa phương không tập trung tháo gỡ bất cập trong cấp bìa đỏ đất lâm nghiệp hiện nay. UBND tỉnh cũng vừa có văn bản chỉ đạo các huyện miền núi tiếp tục thực hiện việc giao đất, giao rừng cho hộ gia đình và cộng đồng dân cư nhằm từng bước góp phần nâng cao năng lực của các cộng đồng sống nhờ rừng và đất lâm nghiệp, thu hút được sự tham gia của người dân trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp.
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, năm 2019, các huyện miền núi phải rà soát, xử lý dứt điểm vướng mắc trong quá trình quản lý, sử dụng sản phẩm hồ sơ địa chính và bản đồ địa chính đất lâm nghiệp tỷ lệ 1/10.000. Ngân sách tỉnh cũng bố trí cho các địa phương hoàn thiện hồ sơ địa chính đất lâm nghiệp tỷ lệ 1/10.000 hiện có theo hướng chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính, nhằm hoàn thiện dữ liệu đã có, từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu về đất lâm nghiệp. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại các huyện Nam Giang, Đông Giang, Phước Sơn, Hiệp Đức, vì không được cấp kinh phí đo đạc, các phòng chức năng thiếu phối hợp với các đơn vị thi công trong cung cấp đầy đủ các tài liệu thông tin dự án đo đạc trước đó như bản đồ quy hoạch sử dụng đất, bản đồ giao đất lâm nghiệp của các dự án... để đơn vị thi công xem xét tình trạng pháp lý về quản lý và sử dụng đất lâm nghiệp.
TRẦN HỮU