Ngăn chặn phá rừng trong dịp tết

TRẦN HỮU 18/01/2019 03:44

Trước Tết Nguyên đán, tình trạng khai thác, vận chuyển, tiêu thụ gỗ trái phép có chiều hướng gia tăng. Vì thế, ngoài kế hoạch tăng cường lực lượng kiểm lâm về cơ sở, chính quyền các cấp còn chỉ đạo ngành chức năng phối hợp, hỗ trợ trong đấu tranh với các hành vi phá rừng.

Gỗ lậu tập kết ở sông Vu Gia đoạn qua xã Đại Đồng vừa bị cơ quan chức năng phát hiện. Ảnh: T.H
Gỗ lậu tập kết ở sông Vu Gia đoạn qua xã Đại Đồng vừa bị cơ quan chức năng phát hiện. Ảnh: T.H

Chặn đường đi gỗ lậu

Cận tết, những cung đường gỗ lậu quen thuộc luôn được đặt trong tình thế kiểm soát chặt chẽ. Mấy năm nay, dòng sông Vu Gia – Thu Bồn qua các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên; đường Hồ Chí Minh… trở thành điểm trung chuyển gỗ bất hợp pháp, bởi nơi này dễ dàng cất giấu, tẩu tán tang vật nếu bị lực lượng chức năng phát hiện. Các đợt mật phục truy quét của đoàn kiểm tra liên ngành về lâm khoáng sản (gồm lực lượng kiểm lâm, công an, tài nguyên môi trường…) cấp tỉnh, huyện thường chọn vị trí “yết hầu” đường sông. Cụ thể, mới đây nhất, đêm 15.1, lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy - Công an tỉnh phát hiện 1 ghe máy lưu thông trên sông Vu Gia đoạn qua xã Đại Đồng (Đại Lộc) nghi vận chuyển gỗ lậu nên đã kiểm tra. Ngay lập tức, đối tượng điều khiển phương tiện tháo rời bè gỗ cột bên ghe rồi tẩu thoát giữa đêm tối. Sau khi bảo vệ hiện trường, bảo vệ tang vật, lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy của tỉnh phối hợp với Công an huyện Đại Lộc đã tổ chức trục vớt số gỗ tang vật do đối tượng phi tang giữa lòng sông. Kiểm đếm xác định có 6m3 gỗ gồm nhiều chủng loại khác nhau.

Một vụ khác, vào khoảng 2 giờ 30 ngày 15.1, tại khu vực Nước Trẻo (thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn), Công an huyện Phước Sơn phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắc Mi bắt quả tang ô tô khách 47B-009.98 do tài xế Hồ Hữu Quỳnh (38 tuổi, trú huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) điều khiển đang vận chuyển gỗ trái phép. Số gỗ vàng tâm thuộc nhóm V với khối lượng gần 2m3 này được cất giấu trên trần và dưới gầm xe. Trước đó, ngày 9.1, tại khối phố An Tây, thị trấn Tân An (huyện Hiệp Đức), một tổ công tác thuộc Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường - Công an tỉnh phát hiện một ô tô mang BKS 92K – 3463 chở 12 phách gỗ (hơn 3m3) gồm nhiều chủng loại chò, sến, gội từ nhóm IV đến nhóm VI. Công an kiểm tra đột xuất thì đối tượng… bỏ của chạy lấy người.

Khoanh vùng

Năm 2018, lực lượng kiểm lâm và các ban quản lý rừng đã phát hiện, lập biên bản 752 vụ vi phạm (tăng 105 vụ so với năm 2017), tịch thu gần 650m3 gỗ các loại; khởi tố hình sự 39 vụ về hành vi liên quan đến phá rừng.

Ngày 3.1, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch mở đợt cao điểm kiểm tra, truy quét các hành vi khai thác lâm khoáng sản trái phép dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Điểm chú ý, ngoài xác định vùng trọng điểm lấn chiếm, xâm hại đất rừng; tụ điểm khai thác lâm sản trái phép, các điểm mua bán, vận chuyển gỗ lậu cũng được định vị.

Từ cuối năm 2018 đến nay, Công an tỉnh triển khai nhiều lượt tuần tra kiểm soát trên các tuyến sông, tuyến đường trọng điểm của tỉnh, qua đó phát hiện nhiều vụ vận chuyển gỗ lậu. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, kiểm lâm mới là lực lượng nòng cốt tham mưu cấp ủy và chính quyền địa phương tổ chức lực lượng tuần tra trên địa bàn quản lý để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp; đồng thời xác định địa bàn trọng điểm, tụ điểm, các đối tượng có hành vi phá rừng, khai thác, vận chuyển, cất giữ, chế biến lâm sản trái phép để chủ động tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra, truy quét có hiệu quả. Các điểm tập kết, bán gỗ tập trung ở khu vực lòng hồ thủy điện Đắc Mi 4, Đắc Mi 4A, Đắc Mi 4B, Đắc Mi 4C, Sông Tranh 2, Sông Bung 2, Sông Bung 4, Sông Bung 4A. Các tuyến đường thủy chủ yếu sông Vu Gia, Thu Bồn và sông Thanh. Vùng trọng điểm về săn bắt, mua bán, vận chuyển động vật rừng trái phép ở huyện Tây Giang chủ yếu thôn Nal, Tà Ry của xã Lăng; thôn Ariêu xã Tr’ Hy; thôn Giao của xã Ga Ri. Còn huyện Nam Giang tập  trung ở xã Ta Bhing; thôn A Bát của xã Chà Vàl.

Cuộc chiến với các hành vi phá rừng chưa bao giờ ngưng nghỉ vì thủ đoạn của lâm tặc ngày càng tinh vi, phức tạp. Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh – ông Từ Văn Khánh thừa nhận, tình hình vi phạm các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản chưa có dấu hiệu dừng lại. Tại một số huyện miền núi, tình trạng sử dụng súng tự chế trong nhân dân để săn bắn động vật rừng ngày càng gia tăng. Mấu chốt nằm ở chỗ: triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, xây dựng đề án về lâm nghiệp còn nhiều bất cập và chưa kịp tiến độ; trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp; thiếu phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng kiểm lâm với chính quyền các địa phương...

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU