Thiết lập hành lang đa dạng sinh học

TRẦN HỮU 30/10/2018 07:26

Nhiều địa phương liên kết, mở rộng vùng sinh cảnh để bảo tồn phát triển nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm; đồng thời xây dựng cơ chế bảo vệ hệ sinh thái rừng bền vững, thích ứng cao với biến đổi khí hậu.

Lực lượng kiểm lâm ghi nhận quần thể voọc chà vá chân xám. Ảnh: T.H
Lực lượng kiểm lâm ghi nhận quần thể voọc chà vá chân xám. Ảnh: T.H

Bảo vệ từ xa

Thời gian qua, ngành kiểm lâm đã chủ động các nguồn vốn tài trợ của các tổ chức phi chính phủ và trong nước nhằm làm giàu hệ sinh thái rừng và động vật quý hiếm. Điển hình như đề xuất lập Vườn Quốc gia Sông Thanh trên cơ sở mở rộng Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh; triển khai dự án “Khẩn cấp bảo tồn voi và nâng cao năng lực kiểm soát, buôn bán ngà voi ở Việt Nam đến năm 2020” tại huyện Nông Sơn; lập Khu bảo tồn Sao La và đang mua lại rẫy của người dân bản địa để bảo tồn đàn voọc chà vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây (Núi Thành). Để người dân an tâm giữ rừng, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh đã tiến hành giao khoán cho 125 nhóm hộ và 231 hộ với diện tích hơn 41.000ha, đồng thời hỗ trợ đầu tư phát triển vùng đệm cho 24 cộng đồng thôn quanh khu vực bảo tồn, nhằm xây dựng kế hoạch phát triển rừng bền vững.

Theo cơ quan chức năng, chính việc tạo sinh kế cho dân không phụ thuộc quá nhiều vào rừng và hiệu quả của công tác tuyên truyền mà Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh bảo vệ được nhiều cá thể động vật hoang dã quý hiếm đang trên đà tuyệt chủng. Tại 2 huyện Phước Sơn và Nam Giang thuộc khu bảo tồn này, hơn 1.000 cây cổ thụ còn được chăm sóc đặc biệt, bàn giao nguyên trạng cho từng thôn bản tự giữ. Hai địa phương trên đang thí điểm việc thẩm định, phân loại từng diện tích, chất lượng rừng sau đó giao rừng cho từng gia đình, từng nhóm hộ quản lý, bảo vệ. Qua đó, cơ quan kiểm lâm sẽ lập bản đồ số để quản lý từ xa, thay đổi mô hình quản lý truyền thống như hiện nay.

Để đề phòng xâm hại của cư dân địa phương, Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên khởi động dự án “Giám sát đa dạng sinh học ở các khu rừng đặc dụng tại Quảng Nam” nhằm nâng cao sự hiểu biết của người dân về hậu quả từ áp lực con người đến quần thể tự nhiên các loài thú và chim; phân tích thực trạng và chiều hướng thay đổi của các hệ sinh thái rừng. Ông Trần Hữu Vỹ - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (đơn vị xây dựng dự án bảo tồn voọc chà vá chân xám) cho biết, theo nghiên cứu, cơ hội bảo tồn voọc chân xám ở Núi Thành rất cao, nếu có vành đai bảo vệ từ xa. Nghĩa là vài chục héc ta rừng tự nhiên là chưa đủ để bảo tồn cá thể quý voọc chà vá chân xám mà về lâu dài cần cả hàng trăm héc ta. Chính sách tuyên truyền phải có tác dụng bảo vệ từ xa, từ phía cuộc sống của người dân, làm sao để họ tuyệt đối không tác động vào “ngôi nhà” của đàn voọc sinh sống.
Đa dạng rừng xuyên biên giới

Năm 2018, các địa phương biên giới của tỉnh tiếp tục hưởng lợi từ dự án “Hành lang bảo tồn đa dạng sinh học Tiểu vùng Mê Kông mở rộng - giai đoạn 2” (gọi tắt dự án BCC). Theo Sở TN&MT, dự án chủ yếu được thực hiện tại các xã vùng núi thuộc các tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, nhằm phục hồi và duy trì tính liên kết của hệ sinh thái trong khu vực bảo đảm dịch vụ hệ sinh thái rừng bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu tại vùng Trung Trường Sơn, đem lại lợi ích sinh kế cho cộng đồng dân cư, phát triển kinh tế địa phương; tạo sự ổn định bền vững của dịch vụ hệ sinh thái và hành lang đa dạng sinh học.

Tại Quảng Nam, dự án BCC được triển khai thực hiện tại 2 huyện Nam Giang và Tây Giang với 4 hợp phần gồm tăng cường năng lực thể chế và cộng đồng; cải tạo, bảo vệ và quản lý bền vững hành lang đa dạng sinh học; cải thiện sinh kế và cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ; quản lý dự án. Kinh phí thực hiện đều từ vốn của Ngân hàng Phát triển châu Á. Theo ông Từ Văn Khánh – Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, dự án góp phần thúc đẩy việc sử dụng tài nguyên bền vững, đồng thời đem lại lợi ích sinh kế bền vững cho cộng đồng các dân tộc thiểu số chiếm hơn 77% tại 2 huyện Nam Giang và Tây Giang; giải quyết vấn đề phân mảnh của các cảnh quan rừng có tính đa dạng sinh học cao.  Tín hiệu vui là mới đây UBND tỉnh phê duyệt dự án BCC giai đoạn 2. Dự án sẽ đảm bảo hành lang an toàn cho vành đai rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, bằng việc tăng cường hợp tác và quản lý xuyên biên giới các hệ sinh thái rừng giữa các quốc gia (Việt Nam, Lào, Campuchia) trong Tiểu vùng Mê Kông mở rộng.

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU