Đa dạng sinh kế từ rừng: Lợi ích kép

T.MINH - H.PHÚC 05/10/2018 02:54

Quảng Nam chưa hưởng lợi từ dự án REDD+, nhưng qua các hoạt động mà dự án này triển khai tại nhiều tỉnh, thành phố khác đã cho thấy hiệu quả của cơ chế, chính sách quản lý tài nguyên rừng.

Chia sẻ kinh nghiệm truyền thông về dự án REDD+.
Chia sẻ kinh nghiệm truyền thông về dự án REDD+.

Cuộc hội thảo khoa học chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về tiến trình thực hiện REDD+ tại Việt Nam, do Ban Khoa giáo Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) và Trung tâm Nghiên cứu lâm nghiệp quốc tế (CIFOR) tổ chức cuối tháng 9 vừa qua tại tỉnh Bắc Kạn, đã giúp các địa phương cách tiếp cận đa chiều trong quản trị rừng bền vững, nhất là kinh nghiệm tạo đa dạng sinh kế dưới tán rừng, giúp người dân giảm nghèo nhanh và bền vững.

Sinh kế dưới tán rừng

Tại thôn Thạch Ngõa (xã Mỹ Phương, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn), mô hình trồng rau bồ khai xen canh trong rừng cây mỡ đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho hộ nông dân. Năm 2015, được chương trình REDD+ hỗ trợ giống rau bồ khai (loại rau đặc sản của vùng núi Bắc Kạn) và hướng dẫn kỹ thuật, đến nay có hơn chục hộ tham gia trồng xen lẫn với cây ăn quả ở bìa rừng, dưới tán rừng. Với giá mỗi ký rau bồ khai trên dưới 30 nghìn đồng, vào mùa thu hoạch, người dân có thể thu nhập bình quân mỗi ngày khoảng 150 nghìn đồng. Tương tự, hộ ông Lục Văn Đuông (ở thôn Nà Ngò, xã Mỹ Phương, huyện Ba Bể) đã tham gia mô hình tạo sinh kế trồng cỏ vỗ béo bò. Từ ngày gia đình chuyển đổi mô hình trồng sắn sang trồng cỏ nuôi bò, mỗi năm ông bán khoảng 4 - 5 con bò thu về hơn 30 triệu đồng. Tận dụng phân bò, ông Đuông sử dụng bón cây rong riềng, cải thiện thêm thu nhập.

Có mặt tại các mô hình trồng trọt dưới tán rừng tại xã Mỹ Phương do dự án REDD+ hỗ trợ, chúng tôi nhận thấy việc hỗ trợ các hoạt động sinh kế phù hợp với tập quán canh tác của đồng bào dân tộc thiểu số. Các mô hình như trồng cỏ nuôi bò, trồng dược liệu, quỹ hỗ trợ nông - lâm nghiệp đều rất thiết thực, tạo động lực để người dân quản lý tốt hơn diện tích rừng được giao. Từ ngày tiếp cận dự án, xã Mỹ Phương đã giao 1.196,3ha rừng cho các hộ, cá nhân (trong đó 635,5ha rừng tự nhiên sản xuất cho 241 hộ và 560,8ha rừng trồng sản xuất cho 479 hộ). Ông Nguyễn Văn Mậu, cán bộ Ban Quản lý chương trình UN-REDD giai đoạn 2 tỉnh Bắc Kạn khẳng định, dự án chỉ làm thí điểm một số mô hình nhưng hiệu ứng giữ rừng đi vào nền nếp hơn. Khi đời sống của người dân ổn định, thực hiện theo phương châm “lấy rừng nuôi rừng” thì họ sẽ không và hạn chế xâm hại rừng tự nhiên.

Mô hình trồng cây rau bồ khai tại xã Mỹ Phương. Ảnh: M.P
Mô hình trồng cây rau bồ khai tại xã Mỹ Phương. Ảnh: M.P

Tại Quảng Nam, mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng thời gian qua mang lại “lợi ích kép” là vừa góp phần giảm nghèo vừa bảo vệ được rừng tự nhiên. Đề án khuyến khích bảo tồn và phát triển một số cây dược liệu quý trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 – 2020 mở ra cơ hội bảo tồn và phát triển các loài cây như ba kích, đẳng sâm, giảo cổ lam, sa nhân, đương quy với tổng diện tích gần 7.000ha. Các huyện như Nam Trà My, Tây Giang, Bắc Trà My được quy hoạch trồng được hơn 1.000ha cây dược liệu các loại dưới tán rừng.

Quản lý rừng bền vững

REDD+ là gì?
REDD+ là một cơ chế tài chính quốc tế, nhằm cung cấp sự hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển. Hiểu nôm na là các nước giàu hay các định chế tài chính lập ra một loại ngân quỹ, tài trợ cho các nước nghèo để họ ngưng phá rừng, cứu vớt những khu rừng đang bị hủy hoại, thậm chí trồng thêm rừng. Diện tích rừng được bảo tồn, được tôn tạo hay được trồng thêm sẽ được quy thành đơn vị gọi là “tín dụng các-bon”. Các nước nghèo sau đó có thể bán các khoản tín dụng các - bon đó cho các cơ sở công nghiệp tại các nước giàu, bị bắt buộc phải giảm việc thải khí CO2 theo một tỷ lệ nhất định, nhưng vì không thể đáp ứng được, nên cần phải mua “tín dụng các - bon”,  có nghĩa là mua “quyền được thải khí”.
REDD+ là công cụ vừa giúp giữ rừng, vừa tạo sinh kế cho người dân để khuyến khích họ bảo vệ môi trường rừng. Năm 2009, Việt Nam đã bắt đầu tham gia và có 19 tỉnh, thành phố đã được phê duyệt kế hoạch hành động REDD+.

Thời điểm này, độ che phủ rừng của tỉnh Bắc Kạn thuộc diện cao nhất nước với hơn 72%, là “lá phổi xanh” bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu hiệu quả. Có được thành quả này nhờ một phần từ thay đổi cách thức truyền thông cho người dân. Trước đây người dân bản địa chỉ biết bán gỗ sau chu kỳ trồng 5 - 7 năm cho những doanh nghiệp chế biến dăm gỗ với giá cả thiếu ổn định. Thế nhưng, từ khi tiếp cận dự án REDD+, người dân được hướng dẫn, mạnh dạn trồng rừng gỗ lớn kéo dài hơn 10 năm và quan tâm đến chứng chỉ rừng đạt tiêu chuẩn quốc tế (FSC). Hiện Quảng Nam có trên dưới 2.000ha rừng trồng đạt chứng chỉ FSC chủ yếu từ rừng dự án và của doanh nghiệp. Đây là diện tích khá khiêm tốn, bởi phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ mỹ nghệ đều nhập khẩu gỗ từ nước ngoài về do trong nước nguồn cung gỗ hợp pháp, đạt FSC còn hạn chế. Các địa phương hưởng lợi REDD+ chia sẻ, nguồn lực tài chính đầu tư của dự án là không lớn, song đã giúp người dân thay đổi nhận thức, tiếp cận được cách quản lý rừng bền vững. Thông qua các chương trình dự án, đất rừng sản xuất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm sử dụng đất rừng, bảo tồn và phát triển cây dược liệu, cây lâm sản ngoài gỗ tại địa phương. Đây là hướng mở cho các huyện miền núi của Quảng Nam học hỏi kinh nghiệm thực tiễn. Bởi hiện nay, tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp ở 9 huyện miền núi đạt tỷ lệ rất thấp. Vì đất rừng chưa được xác định địa vị pháp lý cụ thể nên người dân chưa được hỗ trợ tiền từ cơ chế chính sách bảo vệ rừng theo Nghị định 75 của Chính phủ.

Những năm qua, thông qua nhiều tổ chức tài trợ nước ngoài, rừng nguyên sinh Trung Trường Sơn qua địa bàn Quảng Nam được bảo vệ nghiêm ngặt. Đây là những khu rừng chứa nhiều các - bon nhất, phát triển bền vững nhất với khả năng phục hồi lớn hơn nhiều so với các khu rừng bị thoái hóa. Việc ngăn chặn mất rừng và suy thoái rừng có thể giúp làm giảm gần 20% lượng phát thải CO2 toàn cầu. Tiến sĩ Phạm Thu Thủy, đại diện trưởng của tổ chức CIFOR cho rằng, Việt Nam là nước có nhiều chính sách để bảo vệ và phát triển rừng trên cạn và rừng ngập mặn rất hiệu quả. Nhưng giữa chính sách và thực tiễn còn nhiều bất cập. Muốn bảo vệ rừng bền vững thì cần tạo đa dạng sinh kế, hạn chế thấp nhất tình trạng dân bản địa sống phụ thuộc vào rừng, giảm thiểu hành vi phá rừng mở rộng đất sản xuất và lấy gỗ. Chính vì vậy, vai trò của truyền thông là cực kỳ quan trọng, giúp cộng đồng dân cư có thái độ ứng xử tôn trọng rừng. Việc chia sẻ kỹ năng, kinh nghiệm truyền thông cho cán bộ Quỹ bảo vệ - phát triển rừng các tỉnh, thành phố cũng như phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí trong cả nước là cần thiết.

Theo các chuyên gia CIFOR, REDD+ không chỉ nhằm giảm phát thải khí nhà kính mà còn cung cấp nhiều lợi ích khác như giảm nghèo, phát triển lâm nghiệp, bảo tồn đa dạng sinh học. Thách thức của nhiều địa phương trong cả nước là chuyển đổi rừng tự nhiên nghèo kiệt sang trồng rừng phục vụ lợi ích kinh tế; chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng đã đe dọa đa dạng sinh thái rừng.

T.MINH - H.PHÚC

T.MINH - H.PHÚC