Phát triển sâm Ngọc Linh theo hướng công nghiệp
Từ ngày sâm Ngọc Linh được Chính phủ thông qua Đề án bảo tồn và phát triển và công nhận sâm Ngọc Linh là sản phẩm quốc gia đã giúp thương hiệu và giá trị cây sâm tăng lên rất cao. Tại huyện Nam Trà My cây sâm đã được phát triển ở 7 xã đã được ban hành chỉ dẫn địa lý và có hơn 1.500 hộ trồng sâm, tốc độ phát triển sâm trong dân tăng 900%. Tuy nhiên, hiện nay công tác bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện Nam Trà My vẫn còn chậm, giá sâm vẫn còn biến động nhiều, tình trạng buôn bán sâm giả cũng đã xuất hiện trên thị trường. Để đảm bảo cho sự phát triển mạnh cây sâm Ngọc Linh đáp ứng được cho nền công nghiệp chế biến, đòi hỏi phải có một bộ phận kiểm soát, kiểm định chặt chẽ chất lượng nguồn giống đưa vào sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp thuê dịch vụ môi trường rừng trồng sâm.
Ông Hồ Văn Du (bên trái) giới thiệu với Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang về cây sâm đang cho hạt giống. Ảnh: HOÀNG THỌ |
Phải bảo vệ gen gốc
Ông Trịnh Minh Quý - Giám đốc Trung tâm sâm Ngọc Linh Nam Trà My cho biết: “Hiện nay, trong việc phát triển cây công nghiệp từ sâm Ngọc Linh, khâu quản lý nguồn gen gốc cũng đặt ra một vấn đề đó là các loại sâm giả (tam thất, sâm Lào…) đã có mặt trên thị trường. Muốn bảo vệ được nguồn gen gốc thì phải bảo vệ cho được đầu vào, cho nên sắp tới đây huyện Nam Trà My, tỉnh sẽ có bộ phận kiểm định chất lượng nguồn giống trước khi đưa vào sản xuất. Đặc biệt, các doanh nghiệp thuê dịch vụ môi trường rừng trồng sâm cần đẩy mạnh công tác quản lý chặt chẽ nguồn giống đưa vào trồng. Còn đối với người dân, bấy lâu nay họ đã bảo vệ được nguồn giống gốc đó rồi nên rất yên tâm”.
Để bảo tồn nguồn giống sâm Ngọc Linh gốc, UBND tỉnh đã giao Sở NN&PTNT quản lý Trại sâm giống Trà Linh và huyện Nam Trà My xây dựng vườn sâm gốc Tắc Ngo. Đây là hai đơn vị chịu trách nhiệm tập trung mọi nguồn lực để bảo tồn và phát triển nguồn gen quý của sâm Ngọc Linh, đồng thời cung cấp nguồn cây giống chất lượng cao cho người dân cũng như các doanh nghiệp có nhu cầu trồng sâm. Về phía người dân đã ý thức hơn việc nhân giống, mở rộng diện tích trồng sâm, vì biết rằng đây sẽ là cây giúp mình làm giàu. Người dân đã tự giác bỏ dần tập quán phát rừng làm nương rẫy, đồng thời chú trọng khôi phục và trồng tái sinh rừng để tạo môi trường thuận lợi cho phát triển cây sâm Ngọc Linh.
Ông Hồ Văn Du - người trồng sâm tại xã Trà Linh nói, với người dân địa phương, cây sâm Ngọc Linh bản địa đã trở thành “cây tỷ đô” khi hiện nay một ký sâm củ tươi có giá dao động 60 - 120 triệu đồng; một ký lá sâm tươi giá bán hơn 9 triệu đồng; mỗi cây sâm giống bán ra được hơn 300 nghìn đồng. “Bây giờ bà con tập trung vào hướng phát triển cây sâm Ngọc Linh, thay vì phát rừng làm rẫy đã chuyển sang phục hồi và tái sinh rừng để trồng sâm. Người dân ở đây ai cũng nhận ra rằng cây sâm Ngọc Linh đem lại giá trị kinh tế cao có thể giúp gia đình mình thoát nghèo vươn lên làm giàu”.
Khai thác theo hướng công nghiệp
Nhiều công trình nghiên cứu khoa học đều khẳng định sâm Ngọc Linh là cây sâm tốt nhất so với nhiều giống sâm trên thế giới. Vì vậy Thủ tướng Chính phủ đã vinh danh sâm Ngọc Linh là “quốc bảo của ngành dược liệu Việt Nam”, là cây đem lại quốc kế dân sinh, giúp giảm nghèo cho đồng bào miền núi. Hiện nay chủ trương của tỉnh Quảng Nam là phát triển cây sâm Ngọc Linh trở thành cây chủ lực vừa kết hợp với phát triển kinh tế vừa phát triển du lịch vừa phát triển công nghiệp. Với nhiều cơ chế cởi mở, thông thoáng của trung ương và của tỉnh nên đã thu hút nhiều doanh nghiệp về Nam Trà My tìm cơ hội liên kết đầu tư và sẵn sàng bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng để trồng sâm. Đồng thời cam kết sẽ liên doanh, liên kết xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm gia tăng từ sâm Ngọc Linh để làm tăng chuỗi giá trị, đủ sức cạnh tranh ra thị trường trong và ngoài nước.
Trong chuyến khảo sát vùng sâm Ngọc Linh ở Nam Trà My mới đây, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang nhấn mạnh rằng, từ lâu Quảng Nam đã có chính sách để phát triển cây sâm Ngọc Linh. Bây giờ, với chủ trương đưa cây sâm làm chủ lực phát triển kinh tế vừa phát triển du lịch, vừa phát triển công nghiệp thì sâm Ngọc Linh càng là một trong những sản phẩm hàng đầu của Quảng Nam. “Nhiệm vụ chính của Quảng Nam là phải giữ cho được giống gốc đặc trưng của cây sâm trên đỉnh Ngọc Linh này để tránh pha tạp của các loại sâm khác. Tiến hành bảo tồn và phát triển mạnh sâm Ngọc Linh trở thành cây có giá trị kinh tế cao. Các phiên chợ sâm được mở hàng tháng tại huyện Nam Trà My cũng chính là sáng kiến nhằm giới thiệu sản phẩm đặc hữu của Quảng Nam đến với bạn bè trong và ngoài nước biết đến tạo nên thương hiệu sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam của chúng ta” - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang nói.
Như vậy, với cách nhận diện sâm Ngọc Linh là quốc bảo, là cây tạo ra quốc kế dân sinh một cách bền vững, Quảng Nam đang vạch ra chiến lược bền vững để khai thác giá trị của cây dược liệu số 1 Việt Nam. Việc tiến đến khai thác giá trị sâm Ngọc Linh theo hướng công nghiệp dược phẩm, mỹ phẩm và du lịch là bước đi đột phá tạo động lực để kinh tế - xã hội Quảng Nam tăng trưởng mạnh trong thời gian đến.
NGỌC SÁNG