Đồng bào Cơ Tu nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng
(QNO) - Quỹ Bảo vệ phát triển rừng tỉnh vừa có chuyến kiểm tra, giám sát chi trả tiền dịch vụ môi trường của người nhận khoán bảo vệ rừng tại địa bàn xã Sông Kôn và xã Jơ Ngây (huyện Đông Giang). Phần lớn đối tượng nhận khoán rừng là đồng bào dân tộc thiểu số Cơ Tu, lưu vực lâm phận thuộc rừng phòng hộ Sông Kôn.
Quỹ Bảo vệ phát triển tỉnh và chủ rừng Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Kôn phổ biến hình thức giao khoán rừng cho cộng đồng thôn. Ảnh: H.P |
Tại thôn Bút Tưa (xã Sông Kôn), từ năm 2013 đến nay, có tổng cộng 3 nhóm hộ (73 hộ) đồng bào Cơ Tu nhận khoán bảo vệ với diện tích hơn 181ha rừng; nơi này được trả đơn giá tiền dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định 99 năm 2010 của Chính phủ vào loại cao nhất tỉnh (với gần 2,5 triệu đồng/ha). Chủ rừng là Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Kôn vừa hoàn tất việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng còn nợ năm 2017 cho người dân thôn Bút Tưa với số tiền hơn 50 triệu đồng.
Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Kôn trao tiền trực tiếp cho người dân nhận khoán bảo vệ rừng. Ảnh: H.P |
Ngoài xã Sông Kôn, Quỹ Bảo vệ phát triển rừng tỉnh còn kiểm tra, giám sát việc thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng tại xã Jơ Ngây. Và cũng dịp này, đơn vị hướng dẫn chủ rừng ký lại hợp đồng với đối tượng nhận khoán bảo vệ rừng. Từ năm 2018 trở đi, các địa phương tại huyện Đông Giang sẽ chuyển từ hình thức giao khoán rừng cho nhóm hộ sang hình thức giao khoán cho cộng đồng thôn bản. Đây là cơ hội để nâng cao thu nhập đối với người dân trực tiếp tuần tra bảo vệ rừng.
Tính đến thời điểm này, lưu vực thủy điện Sông Kôn với đơn giá chi trả dịch vụ môi trường rừng thuộc diện cao nhất tỉnh (gần 2,5 triệu đồng/ha); thấp nhất là các lưu vực thủy điện An Điềm 1 - An Điềm 2, Sông Cùng, Đại Đồng với đơn giá chỉ 180 nghìn đồng/ha.
H.PHÚC