Mở hướng cho cây dược liệu

TRẦN HỮU 29/06/2018 09:50

Không thiếu các loài dược liệu xếp loại cực hiếm, nhưng Quảng Nam vẫn loay hoay tìm đường tiêu thụ sản phẩm ổn định và mang tính cạnh tranh thương mại cao. Vì vậy, việc khởi công xây dựng nhà máy chế biến dược liệu tại Khu công nghiệp Thuận Yên (TP.Tam Kỳ) vào ngày 30.6 sẽ đem đến niềm vui với các địa phương và người dân tham gia trồng cây dược liệu.

Vùng trồng sâm Ngọc Linh tại xã Trà Linh, Nam Trà My. Ảnh: TR.HỮU
Vùng trồng sâm Ngọc Linh tại xã Trà Linh, Nam Trà My. Ảnh: TR.HỮU

NGOÀI sâm Ngọc Linh được công nhận là sản phẩm mang thương hiệu quốc gia, Quảng Nam còn có nhiều “báu vật” dược liệu quý hiếm khác. Thời gian qua, nhiều cơ chế, chính sách được ban hành nhằm khai thác tài nguyên dược liệu vốn “ngủ quên” quá lâu. Gần đây nhất là UBND tỉnh vừa phê duyệt quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp của tỉnh, phát triển dược liệu là một trong những nội dung quan tâm hàng đầu. Tuy vậy, rào cản nằm ở chỗ: người dân không muốn đối mặt với rủi ro đầu ra khi mở rộng diện tích trồng cây dược liệu, do các đơn vị tổ chức thu mua, doanh nghiệp còn ngần ngại bao tiêu sản phẩm. Vì thế việc trồng cây dược liệu suốt thời gian dài nằm trong tình trạng manh mún, tự phát là chính. Khi chưa có đơn vị nào đứng ra tổ chức sản xuất, thu mua và chế biến sản phẩm thì cây dược liệu thu hoạch sau khi sơ chế chủ yếu được người dân tiêu thụ tại chợ hoặc lái buôn đến tận nơi thu mua.

Đặt hàng và cam kết

Từ thực tế trên, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp An Bình mạnh dạn bỏ vồn đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất nước bổ dưỡng chiết xuất từ cây dược liệu tại Khu công nghiệp Thuận Yên. Đây là một nhà máy sản xuất, chế biến dược liệu quy mô công nghiệp đầu tiên của tỉnh do Công ty CP Thực phẩm Quảng Nam (công ty con của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp An Bình) làm chủ đầu tư. Có hạ tầng vườn ươm cây giống đảm bảo, nhiều năm qua, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp An Bình là địa chỉ cung cấp cây giống dược liệu cho nhiều huyện trung du, miền núi của tỉnh và khu vực các tỉnh Tây Nguyên. Doanh nghiệp này hiện có các cơ sở vườn ươm với số lượng lên đến cả 1 tỷ cây giống các loại tại TP.Tam Kỳ, Tây Giang và huyện Kon Plong (tỉnh Kon Tum).

Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Quảng Nam - Trần Văn Thuận tại vườn ươm cây giống của công ty. Ảnh: TR.HỮU
Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Quảng Nam - Trần Văn Thuận tại vườn ươm cây giống của công ty. Ảnh: TR.HỮU

Để có nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ quy trình chế biến sản phẩm dược liệu, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp An Bình đã làm việc với chính quyền các địa phương có lợi thế phát triển vùng dược liệu, đồng thời đặt hàng và ký cam kết bao tiêu sản phẩm cho người dân, bình ổn giá trong thời gian nhất định. Tại huyện Nam Trà My, doanh nghiệp này phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tập huấn với các xã nằm trong vùng quy hoạch dược liệu để phổ biến về cam kết thu mua sản phẩm sau khi người dân thu hoạch. Ông Trần Văn Thuận - Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Quảng Nam cho biết, trước chủ trương của tỉnh, và tầm nhìn chiến lược dài hạn, công ty đã quyết định xây dựng nhà máy sản xuất nước bổ dưỡng từ cây dược liệu dưới dạng nước uống, trà túi lọc... Công suất nhà máy theo thiết kế mỗi giờ sản xuất 5.000 chai (chai 0,5 lít).

Nhằm đáp ứng nguồn nguyên liệu đầu vào cho nhà máy, công ty sẽ thu mua từ các huyện miền núi, trung du của Quảng Nam và một số địa phương lân cận như Kon Tum, Bình Định. “Giai đoạn đầu, chúng tôi tập trung sản xuất thực phẩm nước uống từ chiết xuất các cây đinh lăng, ba kích, sa nhân. Với công suất thiết kế của nhà máy và khảo sát hiện trạng các loài dược liệu hiện nay trên địa bàn tỉnh, công ty khẳng định sẽ thu mua với giá ổn định dược liệu do dân trồng và khai thác tự nhiên” - ông Thuận quả quyết. Để chủ động nguyên liệu đầu vào, trước mắt doanh nghiệp chủ động làm việc với 15 xã, thị trấn thuộc huyện Tiên Phước, các xã thuộc huyện Nam Trà My, đồng thời ký cam kết thu mua toàn bộ dược liệu do người dân trồng. Cũng theo ông Thuận, với động thái trên, doanh nghiệp muốn người dân mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng dược liệu và an tâm với hàng hóa làm ra không bị ép giá hay không có nơi tiêu thụ.

Hợp tác lâu dài

50 tỷ đồng xây dựng nhà máy chế biến cây dược liệu
Nhà máy sản xuất nước bổ dưỡng từ cây dược liệu do Công ty CP Thực phẩm Quảng Nam làm chủ đầu tư sẽ khởi công xây dựng vào ngày 30.6.2018, trên diện tích 1,5ha tại Khu công nghiệp Thuận Yên (TP.Tam Kỳ), với tổng mức đầu tư 50 tỷ đồng. Sau 20 tháng thi công, nhà máy sẽ đưa vào hoạt động. Sản phẩm bán ra thị trường dưới dạng nước uống, trà túi lọc... từ các loại cây dược liệu quý theo quy hoạch được duyệt của tỉnh.

Nhiều loại dược liệu quý của tỉnh đang đối mặt với nguy cơ khai thác cạn kiệt, ngoài làm giảm giá trị kinh tế sản phẩm do người dân bán trôi nổi trên thị trường còn gây lúng túng cho công tác bảo tồn. Cho nên HĐND tỉnh, UBND tỉnh luôn khuyến khích kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư chế biến dược liệu thô thành sản phẩm cao cấp hơn như dược liệu đóng gói, tinh dầu, thuốc dập thành phiến đóng gói có yêu cầu chế biến phức tạp, các chế phẩm hoàn thiện (viên nén, viên nang, trà hòa tan...). Trên địa bàn tỉnh hiện có Công ty CP Thương mại dược - sâm Ngọc Linh sản xuất, bào chế và chiết xuất dược liệu các sản phẩm có nguồn gốc từ củ và lá sâm Ngọc Linh, đảng sâm, ba kích tím. Số nhà máy chế biến theo dây chuyền công nghệ hiện đại thì còn khiêm tốn. Vài năm tới, khi Công ty CP Thực phẩm Quảng Nam đưa nhà máy sản xuất, chế biến dược liệu vào hoạt động sẽ góp phần đáng kể thúc đẩy sản xuất hàng hóa, tạo thu nhập ổn định cho người dân khu vực miền núi sống phụ thuộc vào rừng có thu nhập thấp vươn lên thoát nghèo, đồng thời bảo vệ rừng bền vững.

Tại huyện Hiệp Đức, qua rà soát có 724ha diện tích thích hợp trồng các loài cây như cà gai leo, ba kích tím, đinh lăng, nghệ và lan kim tuyến. Ông Huỳnh Đức Viên - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hiệp Đức thông tin, cây dược liệu trên địa bàn chủ yếu mọc tự nhiên và nhân dân trồng phân tán. Diện tích cây dược liệu dân trồng chưa nhiều và do Hợp tác xã Bình Sơn thu mua. Việc khởi công xây dựng nhà máy chế biến dược liệu quy mô lớn tại TP.Tam Kỳ là tín hiệu vui với người trồng vì sẽ đảm bảo đầu ra ổn định. “Với gần 20ha cây đinh lăng trồng phân tán trên địa bàn như hiện nay, nếu doanh nghiệp đặt hàng, cam kết thu mua, người dân sẽ rất phấn khởi, thậm chí sẵn sàng hợp tác chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang thâm canh cây dược liệu” - ông Viên nói.

HĐND huyện Nam Trà My đã có nghị quyết về đề án khuyến khích bảo tồn và phát triển cây dược liệu giai đoạn 2017 - 2020. Trong giai đoạn này, từ nguồn Nghị quyết 30a, Chương trình 135, Quyết định 755 của Thủ tướng Chính phủ, chương trình xây dựng nông thôn mới, địa phương này hỗ trợ hơn 16 tỷ đồng mua cây giống cho người dân trồng. Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nam Trà My - Trịnh Minh Hải cho biết, việc doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm dược liệu sẽ tạo cơ hội nâng cao chuỗi giá trị kinh tế từ khâu trồng, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Còn tại huyện Phú Ninh và Tiên Phước, chính quyền, người dân rất quan tâm mở rộng, phát triển loài cây dược liệu, nhất là đinh lăng. Theo Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước - Hường Văn Minh, nếu doanh nghiệp cam kết bao tiêu sản phẩm dược liệu làm ra của nông dân, chính quyền hoàn toàn ủng hộ và sẽ rà soát quỹ đất, quy hoạch vùng nguyên liệu theo hướng hàng hóa.

Ông Trần Văn Thuận - Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Quảng Nam chia sẻ, để đảm bảo cho hoạt động của nhà máy chế biến, phương châm của doanh nghiệp là đồng hành, liên kết chặt chẽ, hợp tác lâu dài với người dân nhằm đảm bảo tối thiểu nguyên liệu đầu vào. Cũng theo ông Thuận, thông qua cơ chế chính sách ưu đãi của Nhà nước, các diện tích canh tác kém hiệu quả sẽ chuyển sang trồng dược liệu cho giá trị kinh tế cao hơn. vì thế miền núi và trung du sẽ có nhiều cơ hội giải quyết bài toán giảm nghèo.

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU