Trồng rừng bền vững và phát triển sinh kế cho dân nghèo miền Trung
(QNO) - Từ năm 2005 đến 2015, dự án Phát triển ngành lâm nghiệp đã cho hơn 43 nghìn hộ dân nghèo miền Trung vay vốn và hỗ trợ kỹ thuật trồng hơn 76.500ha rừng; nhiều hộ gia đình được cấp chứng chỉ Quản lý rừng quốc tế đã bán được gỗ với giá cao hơn 20 - 30% so với gỗ không có chứng chỉ.
Thách thức
Theo Ngân hàng Thế giới, diện tích rừng Việt Nam từ 14,3 triệu héc ta (năm 1943) đến năm 2005 giảm còn 10,7 triệu héc ta. Sau hàng thập kỷ rừng bị tàn phá, cả nước có 7 - 8 triệu héc ta đất rừng không được sử dụng, bị thoái hóa và trở thành đồi trọc. Khoảng 25 triệu người nghèo và người dân tộc thiểu số sống phụ thuộc vào rừng. Rừng cung cấp nguồn sinh kế, năng lượng và là nguồn cứu đói khi khó khăn. Cùng với việc đất rừng bị thoái hóa, đa dạng sinh học bị mất đi, đòi hỏi về sản phẩm lâm nghiệp phục vụ sinh hoạt và công nghiệp lại tăng lên do dân số tăng nhanh và kinh tế phát triển.
Việc trồng rừng trước đây nhiều hạn chế do các nguyên nhân chính: cơ chế khuyến khích chưa đầy đủ, chưa định hướng thị trường đúng đắn; chủ yếu quy hoạch từ trên xuống; năng lực khuyến lâm kém; năng lực công nghệ và quản lý hạn chế; đầu tư chưa đúng mức. Khối kinh tế ngoài nhà nước không có đủ đất để trồng rừng; việc giao đất lại chậm chạp và quyền sử dụng đất không đảm bảo.
Giải pháp
Ngân hàng Thế giới đã giúp Chính phủ giải quyết các thách thức trên thông qua các cải cách chính sách và tăng cường thể chế, áp dụng tài chính ưu đãi cho các thực hành sản xuất lâm nghiệp tốt. Dự án đã hỗ trợ trồng rừng và đóng góp vào nâng cao sinh kế nông thôn cho người dân tại các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Nghệ An và Thanh Hóa.
Ngân hàng Thế giới đã cấp 72,3 triệu USD cho Chính phủ Việt Nam cải thiện quản lý rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và trồng rừng. Quỹ Môi trường toàn cầu cấp gần 16 triệu USD; Chính phủ các nước Hà Lan, Phần Lan, Thụy Sỹ thông qua Quỹ ủy thác lâm nghiệp cung cấp hỗ trợ kỹ thuật trồng rừng bền vững. |
Cụ thể, thông qua cải cách chính sách và luật pháp tạo môi trường đầu tư và thị trường, thu hút các nhà đầu tư vào trồng rừng, trong đó có các hộ gia đình, cộng đồng và doanh nghiệp tư nhân. Khuyến khích khu vực ngoài nhà nước trồng rừng thương mại, dịch vụ khuyến lâm dựa trên thị trường. Đẩy nhanh quá trình phân loại đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ). Tăng cường năng lực quản lý mọi mặt trong trồng rừng tiểu điền. Áp dụng cơ chế cấp vốn và hỗ trợ kỹ thuật minh bạch, tiết kiệm. Hay mua gỗ theo giá thị trường từ các hộ gia đình đầu tư vào trồng rừng. Cho đến nay, đây vẫn là dự án đầu tiên và duy nhất áp dụng cách tiếp cận cho vay lại đối với các hộ trồng rừng tiểu điền. Phương pháp này đã chứng tỏ phù hợp hơn nhiều so với phương pháp hỗ trợ cho không theo kiểu truyền thống.
Hướng tới tương lai
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho thấy, dự án Phát triển ngành lâm nghiệp thực hiện trong giai đoạn 2005 - 2015 và đạt kết quả tích cực.
Cụ thể, có hơn 43 nghìn hộ dân nghèo miền Trung được vay vốn và hỗ trợ kỹ thuật trồng trên 75.000 ha rừng. Khảo sát đất đai và tạo điều kiện cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho hơn 35 nghìn hộ dân với 66.000ha. Các hộ nông dân có thể dùng giấy chứng nhận QSDĐ để vay ưu đãi từ dự án do Ngân hàng Chính sách xã hội quản lý. Mặt khác, thí điểm cấp chứng chỉ Quản lý rừng quốc tế cho 850ha đạt chuẩn quốc tế và giá gỗ được chứng nhận này cao hơn 20 - 30% so với gỗ thông thường cùng loại.
Dự án đã nâng cấp hơn 400km đường lâm sinh giúp giảm chi phí vận tải, tăng năng suất lao động rừng và thu nhập, tạo việc làm cho người dân địa phương. Dự án hỗ trợ xây dựng 86 chòi canh lửa và 102 biển báo trong khu vực, nâng cao ý thức người dân và hạn chế rủi ro cháy rừng. Dự án còn hỗ trợ tăng cường quy phạm và năng lực bảo vệ đa dạng sinh học tại các khu rừng đặc dụng. Tuy dự án kết thúc vào tháng 3.2015 nhưng quỹ quay vòng do Ngân hàng Chính sách xã hội quản lý vẫn sẽ tiếp tục hoạt động 20 năm nữa, và tạo điều kiện cho nhiều hộ dân tiếp tục được vay vốn trồng rừng bền vững, phát triển sinh kế trong tương lai.
XUÂN LAN