Giao khoán bảo vệ rừng: Đánh giá lại các mô hình quản lý
Tại hội nghị đánh giá tình hình thực hiện khoán bảo vệ rừng theo các chính sách nhà nước hiện hành trên địa bàn tỉnh vừa qua, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương cho rằng, chính sách giao khoán bảo vệ rừng (GKBVR) đã tạo ra nguồn lực tài chính dồi dào, góp phần giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi. Tuy vậy, các mô hình GKBVR triển khai thời gian qua đã bộc lộ nhiều bất cập, cần sớm điều chỉnh để giữ rừng hiệu quả hơn.
Tại lâm phận rừng phòng hộ Sông Kôn (Đông Giang) được giao cho nhóm hộ bảo vệ rừng. |
Nguồn tài chính dồi dào
Từ năm 2013 đến nay, Quảng Nam triển khai xây dựng 14 đề án chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) tại các lưu vực thủy điện theo Nghị định số 99 ngày 24.9.2010 của Chính phủ. Theo đó, 11 huyện gồm Núi Thành, Phú Ninh, Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Nông Sơn, Đại Lộc, Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang và Duy Xuyên thuộc diện được GKBVR theo nhiều hình thức khác nhau. Theo Sở NN&PTNT, đến nay toàn tỉnh GKBVR theo các chính sách hỗ trợ ngân sách nhà nước cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình với tổng diện tích 78.419ha (thuộc Chương trình 30a, Nghị định số 75 năm 2015 của Chính phủ, Quyết định 886 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững và khoán bảo vệ rừng từ chính sách chi trả DVMTR theo Nghị định số 99/2010 ngày 24.9.2010 của Chính phủ). Hình thức GKBVR cho nhóm hộ hiện đã giao được 216.500ha; khoán rừng cho cộng đồng là 7.390ha; khoán cho đội bảo vệ rừng của xã là 3.128ha…
Mô hình giữ rừng bằng công nghệ giám sát sẽ được nhân rộng. Ảnh: T.H |
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Minh Hưng, sau 6 năm (2012 - 2017) thực hiện chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh đã lập nên nguồn tài chính mới ngoài ngân sách, đảm bảo ổn định cho quản lý, bảo vệ rừng bền vững; từng bước góp phần xóa đói giảm nghèo ở vùng miền núi. Tuy nhiên, chính sách GKBVR còn nhiều bất cập như tái diễn tình trạng rừng giao khoán bị xâm hại, lấn chiếm trái phép; vai trò, trách nhiệm của chủ rừng chưa rõ ràng. Số tiền nhận khoán bảo vệ rừng còn thấp, một số nhóm hộ ở cùng một thôn có số lượng hộ trong nhóm bằng nhau nhưng có diện tích nhận khoán khác nhau (do diện tích lâm phận của mỗi đơn vị khác nhau) nên dẫn đến sự so bì quyền lợi giữa các nhóm. Trong khi đó, vẫn chưa có chế tài xử lý nhóm hộ nhận khoán để rừng bị xâm hại…
Ngoài ra, phần lớn các địa phương miền núi cho rằng, hình thức giao khoán rừng cộng đồng mà nòng cốt là tổ bảo vệ rừng của cộng đồng phù hợp với phong tục, tập quán của cộng đồng dân cư. Thêm nữa, ranh giới GKBVR cộng đồng dựa theo ranh giới truyền thống nên người dân ít so bì về diện tích được nhận. Còn nhớ, năm 2012, trên cơ sở đánh giá những thuận lợi, khó khăn của thực hiện thí điểm tại 2 thôn A Bông, A Sờ (xã Ma Cooih, Đông Giang), các chuyên gia của Ngân hàng Phát triển châu Á đề xuất hình thức giao khoán theo nhóm hộ. Đến nay diện tích giao khoán theo hình thức nhóm hộ thực hiện tại huyện Đông Giang và Nam Giang theo chính sách DVMTR với diện tích 21.033ha, giao cho 73 nhóm hộ.
Vẫn chưa hiệu quả cao
Nâng mức giao khoán rừng Tại hội nghị đánh giá chính sách GKBVR vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh thống nhất nâng mức giao khoán rừng lên hơn 400 nghìn đồng/ha, xem xét giữ lại một số nhóm hộ được GKBVR hoạt động hiệu quả. Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tính toán để tăng số cán bộ kiểm lâm địa bàn, ít nhất mỗi xã 1 kiểm lâm địa bàn, xã nào có rừng nhiều, phức tạp có thể có đến 2 - 3 kiểm lâm địa bàn. Các kiểm lâm địa bàn chịu trách nhiệm tham mưu cho chủ tịch UBND xã về công tác quản lý, bảo vệ rừng. Cạnh đó, thành lập quỹ khen thưởng công tác quản lý, bảo vệ rừng cấp huyện, kinh phí lấy từ việc thu hồi tiền giao khoán của những đối tượng không đi thực địa rừng. Việc chi trả tiền DVMTR sẽ được chi trả hằng tháng. Xây dựng đề án GKBVR trên địa bàn toàn tỉnh; cùng với kiện toàn, sắp xếp bộ máy kiểm lâm hiệu quả hơn. |
Hiện nay ở một số nơi do chưa phân định rõ ràng giữa quy hoạch rừng với vùng sản xuất nương rẫy, diện tích rừng nằm manh mún xen lẫn với rẫy dẫn đến quản lý rừng vùng giáp ranh gặp khó khăn. Theo Ban Quản lý rừng phòng hộ A Vương, mô hình GKBVR cho hộ dân với ưu điểm là tiền công đến trực tiếp người dân, hộ nhận khoán xem rừng như tài sản riêng để bảo vệ. Tuy vậy, hồ sơ giao khoán quá nhiều, tốn thời gian của đơn vị và người dân trong khâu nghiệm thu và chi trả. Còn GKBVR theo nhóm hộ hạn chế là tuần tra rừng không đồng đều và tiền chi trả cào bằng như nhau nên hiệu quả không cao. Đáng nói, chính quyền 2 huyện Đông Giang và Tây Giang đã đề xuất Sở NN&PTNT và UBND tỉnh cho phép chuyển mô hình giao khoán theo nhóm hộ sang giao cho cộng đồng từ tháng 4.2016 với 17 cộng đồng. Ban Quản lý rừng phòng hộ A Vương kiến nghị, tuy không có mô hình nào là hoàn hảo nhưng đề xuất nên nhân rộng mô hình GKBVR theo cộng đồng, bởi có nhiều ưu thế hơn các mô hình còn lại. Chính quyền huyện Nam Giang cho rằng, công tác GKBVR của các nhóm hộ hiện nay có một số thôn chưa hiệu quả. Nhiều hộ dân tham gia chỉ để nhận kinh phí hoặc có nhiều hộ vừa tham gia bảo vệ rừng vừa tham gia khai thác hoặc tiếp tay cho lâm tặc, săn bắn động vật rừng. Thêm vào đó, đơn giá GKBVR chưa có sự đồng nhất vì trên cùng một khu vực (thôn, xã) thực hiện các chính sách GKBVR khác nhau, có đơn giá chi trả khác nhau dẫn đến so bì quyền lợi. Hệ lụy là người dân tuần tra, kiểm tra rừng rất hạn chế.
Tại huyện Phước Sơn, nhu cầu về đất sản xuất, làm nhà ở, tách hộ, chuyển đổi mục đích sử dụng đất… rất lớn nên gây áp lực xâm hại rừng. Theo ông Nguyễn Văn Tình – Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắc Mi, nghịch lý ở chỗ với diện tích rừng đã giao cho nhóm hộ khi phát hiện các vụ việc vi phạm họ không có chức năng xử lý. Thậm chí khi để xảy ra mất rừng thì chế tài xử lý trách nhiệm không cao, chỉ cắt hợp đồng GKBVR. “Đối với khu rừng gần dân cư sinh sống, ít bị tác động thì giao khoán cho cộng đồng, người chịu trách nhiệm chính là bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn. Mỗi cộng đồng tùy thuộc vào diện tích rừng mà thành lập các tổ bảo vệ rừng để đảm bảo tuần tra có hiệu quả” - ông Tình đề xuất.
Ngành nông nghiệp thẳng thắn nhìn nhận, dù phần lớn rừng tự nhiên được giao khoán, bảo vệ nhưng số vụ việc vi phạm liên quan đến lĩnh vực lâm luật vẫn còn cao. Cụ thể, trong 6 năm qua (từ 2012 - 2017), số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng luôn ở mức khá cao. Trong đó năm 2012 là 1.329 vụ; năm 2013 là 1.106 vụ; 2014 là 1.225 vụ; 2015 là 1.223 vụ; 2016 là 1.035 vụ và 2017 còn xảy ra 794 vụ. Sở NN&PTNT lý giải, nguyên nhân của tình trạng phá rừng trong diện tích GKBVR là do trong quá trình lập kế hoạch và hợp đồng bảo vệ rừng hằng năm, bên giao khoán chủ yếu dựa trên phương án bảo vệ rừng, hồ sơ thiết kế, đề án triển khai chính sách DVMTR đã được lập ban đầu mà chưa đánh giá kết quả thực hiện hằng năm để điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp, chưa thể hiện tốt vai trò chủ động của chủ rừng. Trong khi đó, trong hợp đồng GKBVR, việc chi phí trả cho bảo vệ rừng hoàn toàn tùy theo nguồn thu DVMTR, suất hỗ trợ của Nhà nước mà không căn cứ vào thực tế nhu cầu tuần tra rừng, đồng thời chưa có chế tài cụ thể đối với người nhận khoán rừng để rừng bị phá, xâm hại trái phép. Nhiều chủ rừng là ban quản lý rừng phòng hộ đề nghị, sắp đến cần rà soát lại tất cả diện tích nương rẫy nằm xen kẽ, liền kề với rừng tự nhiên để làm căn cứ cho quy hoạch dồn rừng đổi rẫy. Trên cơ sở đó bổ sung mốc giới giữa rừng tự nhiên và đất nương rẫy để dễ quản lý.
TRẦN HỮU