"Cài cắm" kiểm lâm địa bàn
Sau khi có chủ trương đưa kiểm lâm địa bàn (KLĐB) về cơ sở, ngày càng có nhiều “tai mắt” phát giác các hành vi xâm hại tài nguyên. Tuy nhiên, thực tế một số nơi, mô hình KLĐB nảy sinh bất cập.
Bố trí kiểm lâm địa bàn sẽ giúp quản lý, bảo vệ rừng bền vững hơn (ảnh minh họa). Ảnh: T.H |
Qua 10 năm thực hiện Quyết định số 83/2007/QĐ-BNN ngày 4.10.2007 của Bộ NN&PTNT, KLĐB trên toàn tỉnh đã thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho chủ tịch UBND xã, phường và thị trấn có rừng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về rừng, đất lâm nghiệp; thực hiện nhiệm vụ nghiệp vụ và tham gia các hoạt động về lâm nghiệp khác khi hạt trưởng hạt kiểm lâm và chủ tịch UBND cấp xã giao.
Giữ rừng tại chỗ
Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, sau hơn 10 năm đưa công chức kiểm lâm về phụ trách địa bàn, lực lượng này đã tham mưu UBND cấp xã xây dựng 1.610 phương án quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) và phòng cháy chữa cháy rừng; xây dựng và thực hiện các kế hoạch quản lý, bảo vệ rừng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao độ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh. KLĐB một số xã miền núi phối hợp cùng các ban ngành liên quan tham mưu UBND cấp xã quy hoạch 9.546ha đất sản xuất nương rẫy trên địa bàn tỉnh và hướng dẫn giao rừng cho người dân theo các quy định của Nhà nước.
KLĐB cũng tham mưu thành lập 175 ban chỉ huy phòng cháy chữa cháy rừng cấp xã với 2.228 thành viên; xây dựng và củng cố 2.027 tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng với 13.348 người tham gia. Đây là lực lượng hỗ trợ tích cực với KLĐB trong công tác kiểm tra, truy quét khai thác lâm khoáng sản trái phép trên địa bàn xã, góp phần vào công tác QLBVR. Ngoài ra, đội ngũ KLĐB tham mưu cho chính quyền cấp xã xác nhận về nguồn gốc lâm sản theo quy định của pháp luật với tổng khối lượng hơn 2 triệu mét khối gỗ rừng trồng, gỗ vườn các loại đúng theo quy định; tham mưu hạt trưởng hạt kiểm lâm tổ chức các đợt tuần tra, truy quét ở các điểm phá rừng, ngăn chặn chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp ngoài quy hoạch; phát hiện, lập biên bản và báo cáo kịp thời với hạt trưởng và chủ tịch UBND cấp xã ngăn chặn, xử lý kịp thời 2.685 vụ việc vi phạm pháp luật trong lĩnh vực QLBVR và quản lý lâm sản.
Theo ông Phan Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, hiện có 3 mô hình gồm KLĐB cắm xã, mô hình trạm KLĐB và mô hình KLĐB làm việc không có trụ sở ổn định. Toàn tỉnh bố trí 71 công chức KLĐB hoạt động tại 31 trạm KLĐB. Còn mô hình KLĐB làm việc không có trụ sở ổn định bố trí 55 công chức. Trong 3 mô hình bố trí KLĐB nêu trên, trạm KLĐB được đánh giá là hiệu quả hơn vì mô hình này giảm áp lực về nhu cầu biên chế còn thiếu. Cạnh đó, đáp ứng phương châm kiểm lâm gắn với chính quyền địa phương, với rừng và người dân để quản lý rừng tận gốc.
Vẫn còn bất cập
Từ năm 2007 - 2012, Chi cục Kiểm lâm tỉnh chỉ đạo các hạt kiểm lâm bố trí 153 kiểm lâm phụ trách địa bàn 193 xã. Đến năm 2017, chỉ còn 127 KLĐB phụ trách 169 xã có rừng để thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Bộ NN&PTNT. |
Theo Nghị định số 117/2010/NĐ-CP ngày 24.12.2010 của Chính phủ về quản lý hệ thống rừng đặc dụng thì biên chế kiểm lâm rừng đặc dụng thuộc công chức nhà nước, định mức biên chế tối đa 500ha có một công chức kiểm lâm. Tuy nhiên, hiện nay KLĐB bố trí theo xã, không quy định diện tích rừng tối thiểu để bố trí KLĐB. Cho nên một số xã có diện tích rừng rất lớn cũng chỉ được một định suất KLĐB giống như xã có diện tích rừng nhỏ hơn. Do biên chế kiểm lâm còn thiếu nhiều nên việc phân công công chức kiểm lâm về phụ trách địa bàn xã chưa đáp ứng được nhu cầu, một KLĐB phải quản lý diện tích rừng rất lớn hoặc kiêm nhiệm nhiều xã. Nhiều nơi KLĐB chưa phát huy hiệu quả trong đề xuất quy hoạch diện tích sản xuất nương rẫy; thống kê, kiểm kê rừng, đất lâm nghiệp trên địa bàn được phân công; hướng dẫn và giám sát các chủ rừng trong việc bảo vệ và phát triển rừng, gây nuôi trồng cấy nhân tạo động vật, thực vật hoang dã. Ranh giới lâm phận của các ban quản lý rừng không trùng với ranh giới hành chính nên một số xã thuộc lâm phận của 2 ban quản lý rừng, hoặc của ban quản lý rừng và UBND xã quản lý. Do đó, trên địa bàn xã chỉ bố trí được một định suất KLĐB, ưu tiên cho hạt kiểm lâm quản lý diện tích rừng lớn, nguy cơ xâm hại tài nguyên rừng cao hơn.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho rằng, công tác tham mưu đối với UBND xã, hạt kiểm lâm đối với UBND cấp huyện của KLĐB trong việc lập kế hoạch tuyên truyền, tuần tra, truy quét và giám sát địa bàn chưa chú trọng, vì vậy tình trạng vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng còn xảy ra. Khi phát hiện hành vi phá rừng thì KLĐB xử lý còn chậm, nhiều vụ việc vi phạm trước đây nhưng chưa kịp thời xử lý nên tính răn đe chưa cao...
TRẦN HỮU