Sắp xếp bộ máy quản lý, bảo vệ rừng: Gọn nhưng cần hiệu quả
Nhiều năm qua, ngành kiểm lâm đã rà soát, sắp xếp lại bộ máy bảo vệ rừng theo hướng tinh gọn, quản lý liên vùng. Tuy nhiên, các vụ phá rừng quy mô lớn, diễn biến phức tạp gần đây đã bộc lộ không ít lỗ hổng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Việc sắp xếp tinh gọn bộ máy kiểm lâm kỳ vọng sẽ tăng hiệu quả quản lý nhà nước trong bảo vệ rừng. Ảnh: T.H |
Quản lý rừng liên vùng
Thực hiện Quyết định số 1747 ngày 19.5.2016 của UBND tỉnh về việc thành lập Chi cục Kiểm lâm trên cơ sở sáp nhập Chi cục Kiểm lâm và Chi cục Lâm nghiệp và Quyết định số 3488/QĐ-UBND ngày 7.10.2016 của UBND tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung các đơn vị trực thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh, 2 năm qua, UBND tỉnh thành lập mới 10 đơn vị trực thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh (6 hạt kiểm lâm và 4 ban quản lý rừng đặc dụng).
Theo Sở NN&PTNT, 4 ban quản lý rừng đặc dụng được cơ cấu lại, trong đó có 2 ban quản lý có hạt kiểm lâm rừng đặc dụng (gồm Sông Thanh và Sao La). Với mô hình này, hạt trưởng hạt kiểm lâm đồng thời là giám đốc ban quản lý rừng đặc dụng. Hai ban quản lý không thành lập hạt kiểm lâm (gồm Ngọc Linh và khu bảo tồn voi). Việc bảo vệ rừng, thực thi pháp luật trong lâm phận giao cho hạt kiểm lâm huyện, liên huyện thực hiện và hạt trưởng hoặc phó hạt trưởng hạt kiểm lâm huyện, liên huyện đồng thời là giám đốc ban quản lý (Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Nam Trà My đồng thời là Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh; Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Trung Quảng Nam đồng thời là Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi). Trong khi đó, có 7 ban quản lý rừng phòng hộ; trong đó 5 ban quản lý (Nam Sông Bung, Bắc Sông Bung, A Vương, Sông Kôn, Đăk Mi) có hạt kiểm lâm thực thi nhiệm vụ bảo vệ rừng trong lâm phận được giao và mô hình hạt trưởng hạt kiểm lâm đồng thời làm giám đốc ban quản lý rừng; 2 ban quản lý (Phú Ninh, Sông Tranh) không có hạt kiểm lâm, nhiệm vụ bảo vệ rừng, thực thi pháp luật trong lâm phận giao cho hạt kiểm lâm huyện, liên huyện.
Điểm mới của tái cơ cấu bộ máy kiểm lâm là nhiều nơi xóa bỏ hạt kiểm lâm cấp huyện, thay vào đó là thành lập hạt kiểm lâm liên huyện. Hạt kiểm lâm liên huyện có 5 đơn vị; trong đó quản lý địa bàn 2 huyện có Hạt Kiểm lâm Phước Sơn - Hiệp Đức, Đông Giang - Tây Giang. Quản lý địa bàn các địa phương Đại Lộc, Điện Bàn và Hội An có Hạt Kiểm lâm Bắc Quảng Nam. Quản lý địa bàn Núi Thành, Tam Kỳ, Phú Ninh, Tiên Phước có Hạt Kiểm lâm Nam Quảng Nam và Hạt Kiểm lâm Trung Quảng Nam quản lý huyện Nông Sơn, Quế Sơn, Duy Xuyên, Thăng Bình.
Vẫn còn lỗ hổng
Việc sáp nhập các hạt kiểm lâm để quản lý liên vùng, liên huyện nhằm tránh tình trạng quản lý đơn lẻ, mang tính cục bộ. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn không ít địa phương tồn tại quá nhiều hạt kiểm lâm. Đơn cử, trên địa bàn huyện Đông Giang có 5 đơn vị (gồm Hạt Kiểm lâm Đông Giang - Tây Giang, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ A Vương, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Sông Kôn, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Sao La, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Bạch Mã). Huyện Tây Giang có 4 đơn vị (Hạt Kiểm lâm Đông Giang - Tây Giang, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Sao La, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Bắc Sông Bung, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ A Vương). Nam Giang có 3 đơn vị (Hạt Kiểm lâm Nam Giang, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Sông Thanh, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Nam Sông Bung). Tương tự, huyện Phước Sơn có 3 đơn vị (Hạt Kiểm lâm Phước Sơn - Hiệp Đức, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Sông Thanh, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Đăk Mi).
Nhận xét về bộ máy, Chi cục Kiểm lâm tỉnh nhìn nhận, có mô hình chưa thống nhất. Các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng là chủ rừng, quản lý diện tích rừng lớn nhưng chưa có hạt kiểm lâm, nên chức năng không thể xử lý các hành vi vi phạm lâm luật. “Khoảng trống” giữ rừng lớn nhất là hạt kiểm lâm liên huyện quản lý địa bàn quá rộng nên phát hiện chậm các vụ phá rừng. Trách nhiệm người đứng đầu hạt kiểm lâm liên huyện rất nặng nề, với chức trách nhiệm vụ quán xuyến địa bàn 3 - 4 huyện. Theo chính quyền các huyện Nam Giang, Đông Giang, đối với miền núi thì không nên thành lập hạt kiểm lâm liên huyện. Chính quyền huyện Tây Giang kiến nghị, đối với diện tích rừng phòng hộ trên địa bàn huyện thì nên thành lập một ban quản lý rừng phòng hộ. Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh theo sắp xếp quản lý luôn diện tích rừng phòng hộ Sông Tranh trên địa bàn huyện Nam Trà My, nhưng địa phương này có ban quản lý rừng đặc dụng nhưng quản lý luôn diện tích rừng phòng hộ.
Theo ông Lê Minh Hưng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, tinh gọn, tăng tính hiệu quả trong quản lý nhà nước về lĩnh vực lâm nghiệp là cần thiết. Bộ máy quản lý cồng kềnh, nhiều tầng nấc sẽ loại bỏ nhưng phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã, các chủ rừng và các nhóm hộ nhận khoán bảo vệ rừng để có cơ sở xử lý trách nhiệm các sai phạm.
TRẦN HỮU