Tuần tra rừng ngày giáp tết

TRẦN HỮU 13/02/2018 15:12

(QNO) - Bất chấp cái lạnh của rẻo cao trong sáng sớm những ngày cuối năm âm lịch, nhóm quản lý, bảo vệ rừng các ban quản lý rừng thuộc huyện Đông Giang, Phước Sơn vẫn lội suối băng rừng kiểm tra các cửa ngõ ra vào rừng.

Bất chấp đương sá xấu, lực lượng bảo vệ rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Kôn và đồng bào dân tộc Cơ Tu vẫn vào rừng tuần tra rừng trong ngày giáp tết.
Bất chấp đương sá xấu, lực lượng bảo vệ rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Kôn và đồng bào dân tộc Cơ Tu vẫn vào rừng tuần tra trong ngày giáp tết. Ảnh: TRẦN HỮU

Ông Nguyễn Văn Tình - Hạt trưởng, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắc Mi (Phước Sơn) cho biết, từ ngày 14.2 đến 20.2 (29 tháng Chạp đến hết mồng 5 tháng Giêng), lực lượng kiểm lâm sẽ “trực chiến” 24/24 giờ. Hầu hết lãnh đạo đơn vị thay nhau trực văn phòng, trong khi đó cán bộ viên chức, công chức kiểm lâm, nhân viên hợp đồng sẽ tăng cường nắm thông tin cơ sở ở 4 trạm quản lý bảo vệ rừng (gồm Trạm quản lý bảo vệ rừng các xã Phước Chánh, Phước Hòa, Phước Mỹ và Phước Thành).

Đồng bào Cơ Tu dùng máy tính bảng ipad hỗ trợ cho việc bảo vệ rừng.
Đồng bào Cơ Tu dùng máy tính bảng ipad hỗ trợ cho việc bảo vệ rừng. Ảnh: TRẦN HỮU

Khu vực thường xảy ra tập kết, mua bán, vận chuyển, chế biến lâm sản trái phép trong dịp Tết Mậu Tuất 2018 qua địa bàn huyện Phước Sơn được xác định gồm khu vực thủy điện Đắc Mi 4A, 4B, 4C và vùng giáp ranh giữa xã Phước Xuân (Phước Sơn) với xã Cà Dy (Nam Giang). Còn vùng trọng điểm tận thu khoáng sản trái phép trên đất có rừng nằm ở các bãi 38, 39 (xã Phước Hòa); khe 45 xã Phước Đức, Phước Lộc, Phước Thành (Phước Sơn). “Ngoài lực lượng bảo vệ rừng nòng cốt, trước tết đơn vị đã chỉ đạo các trạm quản lý, bảo vệ rừng trực thuộc, các nhóm trưởng không được chủ quan, lơ là với nhiệm vụ giữ rừng. Lâm phận nào để xảy ra phá rừng thì sẽ xử lý nặng người đứng đầu quản lý lâm phận đó” - ông Tình nói.

Lực lượng chức năng đang dùng điện thoại định vị vị trí tuần tra rừng tại vùng Bà Nà – Núi Chúa, khu vực giáp ranh giữa huyện Đông Giang (Quảng Nam) và huyện Hòa Vang (Đà Nẵng).
Lực lượng chức năng dùng điện thoại định vị vị trí tuần tra rừng tại vùng Bà Nà - Núi Chúa, khu vực giáp ranh giữa huyện Đông Giang và huyện Hòa Vang (Đà Nẵng). Ảnh: TRẦN HỮU

Tại thôn Láy (xã Tư, Đông Giang), một nhóm bảo vệ rừng hơn 20 người là đồng bào dân tộc Cơ Tu do ông Trương Cara Den làm nhóm trưởng dẫn đầu vào kiểm tra rừng ngày giáp tết. Xã Tư có 5 thôn với 29 hộ nhận khoán bảo vệ rừng theo chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Theo ông Den, thực hiện chỉ đạo của cấp trên, trước ngày 28 Tết Âm lịch, Đội quản lý bảo vệ rừng số 1 thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Kôn đã huy động hàng trăm người dân của các nhóm vào các điểm nghi vấn phá rừng nhưng tất cả đều yên ổn. Bình quân mỗi nhóm có 12 hộ tham gia giữ rừng. Tất cả ngày giờ xuất phát hay kết thúc ngày tuần tra đều được Trạm quản lý bảo vệ rừng số 1 giám sát, theo dõi. Máy tính bảng ipad được giao cho nhóm hộ sẽ cập nhật, truyền dữ liệu cơ sở tuần tra về máy chủ nên chủ rừng theo dõi rất chặt chẽ.

Ông Hồ Văn Minh - Hạt trưởng, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Kôn cho rằng, nhóm hộ nhận khoán bảo vệ rừng là “tai mắt” quan trọng nhất của kiểm lâm. Nếu không có lực lượng này, dù có huy động kiểm lâm nhiều cỡ nào cũng không kiểm soát xuể địa bàn. “Chính nhóm hộ và công nghệ vệ tinh giám sát giữ rừng đã giúp cho các công tác giữ từng thời gian qua rất hiệu quả” - ông Minh khẳng định. 

Nhóm trưởng bảo vệ rừng ở xã Tư dùng ipad chụp hình kiểm tra quân số khi tuần tra, truy quét rừng.
Nhóm trưởng bảo vệ rừng ở xã Tư dùng ipad chụp hình kiểm tra quân số khi tuần tra, truy quét rừng. Ảnh: TRẦN HỮU

Theo kế hoạch của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, chiến dịch cao điểm kiểm tra, truy quét rừng dịp tết đến ngày 31.3 sẽ kết thúc.

Chống người thi hành bảo vệ rừng

Ông Phan Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh vừa ký văn bản gửi UBND huyện Hiệp Đức và Công an huyện Hiệp Đức về đề nghị xử lý hình sự hành vi chống người thi hành công vụ. Theo nội dung văn bản, ngày 29.1, Hạt Kiểm lâm Phước Sơn - Hiệp Đức kiểm tra, truy quét tại khu vực xã Phước Trà (huyện Hiệp Đức). Khoảng 18 giờ 30 phút cùng ngày, tổ công tác kiểm tra phát hiện tại khu vực thôn 5, xã Phước Trà có 2 phách gỗ được cất giấu bên rừng keo. Trong quá trình kiểm tra có đối tượng tên Thảo cùng với vợ (trú tại thôn 5, xã Phước Trà) và một số đối tượng khác không rõ họ tên đến tại hiện trường. Đối tượng tên Thảo nhận gỗ là của mình và xin xỏ tổ công tác; khi tổ công tác không giải quyết thì vợ của Thảo và một số đối tượng đem rựa, rìu, máy cưa đến và đối tượng Thảo dùng rựa, rìu, máy cưa phá hủy 2 phách gỗ nói trên.

Các đối tượng còn có hành vi manh động, côn đồ, dùng rìu, rựa, gậy, nhị khúc tấn công các thành viên của tổ công tác. Đến khi Hạt Kiểm lâm Phước Sơn - Hiệp Đức và Công an huyện Hiệp Đức tăng cường lực lượng đến hỗ trợ thì các đối tượng mới bỏ đi. Tang vật thu giữ gồm 2 phách gỗ xoan đào, khối lượng là 0,948m3 (đã bị các đối tượng dùng cưa lốc phá hủy). Hành vi của các đối tượng rất manh động, mang tính côn đồ, coi thường pháp luật, gây ảnh hưởng đến an toàn tính mạng của lực lượng kiểm lâm và tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

Để triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 147/KH-UBND ngày 10.1.2018 của UBND tỉnh và các kế hoạch của địa phương về kiểm tra, truy quét, xử lý vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, Chi cục Kiểm lâm kính đề nghị UBND huyện Hiệp Đức và Công an huyện Hiệp Đức quan tâm chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm để răn đe, giáo dục và phòng ngừa các hậu quả xấu có thể xảy ra; đồng thời đề nghị Công an huyện Hiệp Đức tăng cường hỗ trợ kịp thời cho lực lượng kiểm lâm trong quá trình triển khai kế hoạch kiểm tra, kiểm soát, truy quét lâm sản trên địa bàn. (TR.H)

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU