Dự án trồng cây cao su ở Đông Giang: Hàng trăm héc ta bị bỏ hoang
Theo phản ánh của người dân các địa phương trên địa bàn huyện Đông Giang, thời gian qua, trong khi bà con thiếu đất sản xuất thì chủ đầu tư dự án trồng cây cao su bỏ bê trách nhiệm chăm sóc, trồng mới khiến nhiều diện tích đất đang bị hoang hóa. Trong khi chính quyền địa phương chưa có hướng giải quyết dứt điểm, ở nhiều vùng dự án đã xuất hiện tình trạng người dân “tác động” để trồng keo.
Do nhiều diện tích đất bị hoang hóa, nên đã xuất hiện tình trạng người dân xâm chiếm đất dự án để trồng keo. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
“Vắng bóng” chủ đầu tư!
Chủ tịch UBND xã Ba (huyện Đông Giang) - ông Nguyễn Xuân Nghiêm lo lắng khi chúng tôi đặt vấn đề về tình trạng nhiều diện tích đất trồng cao su bị bỏ hoang khi triển khai dự án của Công ty CP Công nghiệp cao su Quảng Nam trong thời gian gần đây. Ông Nghiêm cho hay, khi sự việc xảy ra, mặc dù chính quyền địa phương đã nhiều lần tìm cách liên hệ để bàn hướng giải quyết nhưng phía công ty thiếu hợp tác khiến sự việc trở nên khó khăn. Đó là chưa kể, khoảng vài năm trở lại đây, trụ sở của công ty đặt tại xã Ba không có người hiện diện, khiến dư luận đặt nghi vấn: Phải chăng chủ đầu tư dự án đã… “chạy làng”? Bởi trên thực tế, từ hơn 3 năm nay, nhiều diện tích cao su trên địa bàn xã Ba đã không có người chịu trách nhiệm trông nom, chăm sóc, trong khi diện tích đất trong phạm vi dự án chưa trồng hoặc đã trồng nhưng không lên cây, phía công ty cũng chưa có phương án sử dụng tiếp theo. “Xuất phát từ việc lo ngại tính hiệu quả kinh tế của cây cao su, khiến nhiều người dân địa phương không an tâm về dự án. Vì thế, trước mắt chúng tôi yêu cầu công ty đánh giá lại chất lượng mủ cao su, cũng như có lộ trình giao đất cho địa phương tại một số diện tích không trồng được cao su để địa phương có hướng chuyển đổi cây trồng khác phù hợp và đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn” - ông Nghiêm nói.
Chiều 1.11, trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam qua điện thoại, ông Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Công ty CP Công nghiệp cao su Quảng Nam cho biết, quan điểm của công ty là tạo điều kiện để người dân canh tác tạm thời tại một số diện tích mà công ty chưa triển khai trồng cây cao su, để người dân địa phương có thêm nguồn thu nhập phát triển kinh tế. Liên quan đến những phản ánh của người dân và chính quyền địa phương huyện Đông Giang về việc Công ty CP Công nghiệp cao su Quảng Nam không quan tâm chăm sóc cao su, cũng như có nguy cơ “chạy làng” dự án khi trong thời gian dài không có người của công ty ở vùng dự án, ông Tuấn cho rằng, công việc chăm sóc cao su là theo thời vụ chứ không phải liên tục, vì thế, việc chăm sóc cũng được dàn trải theo từng thời điểm phù hợp. Bên cạnh đó, do thời gian qua giá cao su biến động nên công ty không đủ nguồn lực để “nuôi” bộ máy, do vậy đã tinh giản và chỉ giữ lại cán bộ địa chính cùng nhân viên bảo vệ của công ty. Cũng theo ông Tuấn, cho đến thời điểm này, phía công ty đã làm các công văn, thủ tục để bàn giao 31,347ha diện tích đất chồng lấn theo Nghị định 99 của Chính phủ, cùng 37,6ha diện tích rừng chưa tác động cho địa phương theo trình tự của pháp luật. |
Theo số liệu thống kê, xã Ba hiện có 673ha diện tích đất dự án cao su được cấp phép. Trong đó, có hơn 454ha diện tích đất đã được Công ty CP Công nghiệp cao su Quảng Nam trồng cao su và hơn 50ha diện tích chưa trồng. Ông Dương Phú Đức, người dân ở thôn 3 (xã Ba) cho hay, trước đây khi chủ trương thực hiện dự án trồng cây cao su được triển khai, nhiều người dân địa phương đã hưởng ứng giao đất, sau đó nhận được khoản tiền bồi thường từ nhà đầu tư. Như gia đình ông Đức, năm 2010 giao 1,8ha đất cho nhà đầu tư (nhận bồi thường hơn 14 triệu đồng) vì nghĩ rằng dự án sẽ mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, sau vài năm triển khai, dự án không những không đem lại hiệu quả trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương, mà còn khiến người dân mất đất sản xuất. “Nếu công ty không làm nữa thì nên giao lại đất cho người dân và người dân sẵn sàng hoàn trả số tiền mà công ty đã bồi thường trước đó” - ông Đức nói.
Còn tại xã A Ting, theo xác nhận của Chủ tịch UBND xã - ông Pơloong Nhong, mặc dù đã được người dân bàn giao đất từ gần 8 năm nay, nhưng phía chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện việc trồng cao su, khiến hơn 64ha diện tích đất bị bỏ hoang. “Người dân địa phương mong muốn công ty nếu không đảm bảo thực hiện dự án, nên bàn giao đất lại để họ có đất sản xuất. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có thông tin cụ thể để người dân an tâm” - ông Nhong chia sẻ.
Kiến nghị thu hồi đất
Liên quan đến những vướng mắc trong việc xử lý diện tích đất bỏ hoang của dự án cao su tại địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang - Hồ Quang Minh cho hay, chính quyền địa phương đã có văn bản báo cáo cụ thể với UBND tỉnh nêu lên một số tồn tại cần sớm được giải quyết. Theo ông Minh, nhiều năm gần đây, khi giá mủ cao su biến động dẫn đến việc Công ty CP Công nghiệp cao su Quảng Nam không quan tâm đến việc trồng mới cây cao su đối với diện tích hơn 911ha được UBND tỉnh giao, mà chủ yếu chăm sóc số diện tích hơn 588ha đã trồng trước đó để cầm chừng giữ đất, khiến nhiều diện tích đất bị hoang hóa. Do vậy, UBND huyện Đông Giang kiến nghị tỉnh cần có chủ trương tạm dừng việc mở rộng diện tích trồng mới cây cao su đối với Công ty CP Công nghiệp cao su Quảng Nam, đồng thời chỉ cho phép công ty tiếp tục chăm sóc diện tích đã trồng trước đó. “Ngoài ra, chúng tôi cũng đề nghị thu hồi gần 323ha diện tích đất đã giao nhưng công ty chưa triển khai dự án, để địa phương có phương án giao lại cho người dân canh tác. Đồng thời cần đánh giá lại năng lực của Công ty CP Công nghiệp cao su Quảng Nam đối với dự án trồng cây cao su trên địa bàn huyện, từ đó có giải pháp phát triển cây cao su hoặc lựa chọn nhà đầu tư khác để đầu tư phát triển các dự án có giá trị kinh tế cao hơn” - ông Minh nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trước đây UBND tỉnh và Ban Thường vụ Huyện ủy Đông Giang thống nhất chủ trương quy hoạch trồng cây cao su trên địa bàn huyện với tổng diện tích 13.303ha, triển khai trong giai đoạn 2008 - 2021. Trong đó, giai đoạn 1 thực hiện 4.115ha, tại các xã Ba, Tư và A Ting; giai đoạn 2 diện tích 9.188ha, ở các xã A Ting, Jơ Ngây, Sông Kôn, Tà Lu, Za Hung, Arooih, Ma Cooih, Kà Dăng và thị trấn P’rao. Sau đó, Công ty CP Công nghiệp cao su Quảng Nam thực hiện bồi thường cho người dân ở các xã trong giai đoạn 1 với diện tích 932ha. UBND tỉnh cũng đã giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho công ty trên tổng diện tích 911,48ha. Trong giai đoạn 2009 - 2012, công ty đã trồng 588,744ha; từ đó đến nay không trồng thêm cao su mà chỉ chăm sóc và trồng bổ sung các cây kém chất lượng, cây trồng sai kỹ thuật trong giai đoạn đầu. “Qua báo cáo, thời gian gần đây, do công ty quản lý không chặt chẽ diện tích đất đã được giao, bỏ hoang hóa đất, cũng như không chăm sóc cây cao su đã trồng,… nên dẫn đến tình trạng một số hộ dân đến phát dọn, xâm lấn diện tích đất dự án, chủ yếu ở các thôn của xã Ba, với diện tích gần 21ha. Trước tình hình đó, chúng tôi cũng đã chỉ đạo các địa phương và kiểm lâm tiếp tục theo dõi, vận động và tuyên truyền người dân không lấn chiếm đất, cũng như chặt phá cây cao su của dự án nhằm tránh xảy ra hậu quả phức tạp sau này” - ông Minh nói.
ALĂNG NGƯỚC