Nỗ lực giữ rừng phòng hộ ven biển
Vùng tây của tỉnh, chủ trương “đóng cửa rừng” tự nhiên được thực hiện nghiêm túc, với quy hoạch khá chi tiết. Ngược lại ở vùng đông, không gian cho rừng phòng hộ ngày càng bị thu hẹp, nhường chỗ cho các dự án phát triển kinh tế.
Trồng dừa nước bảo vệ đất tại xã Cẩm Thanh (Hội An). Ảnh: H.P |
Có dự án là mất rừng
Chừng 10 năm trước, khi thu hút các dự án phát triển du lịch, dịch vụ thương mại, chính quyền TP.Hội An rất “phóng khoáng” với nhà đầu tư, mà thiếu những điều kiện mang tính ràng buộc để bảo vệ vành đai xanh rừng phòng hộ ven biển. Một dãy tòa nhà cao tầng, resort nằm sát mép biển hình thành. Vì thiếu tầm nhìn quy hoạch lẫn quy định trong xây dựng trước đây mà nhiều khu rừng đã vĩnh viễn bị xóa sổ. Và gần đây nhất là các dự án lớn đầu tư vào vùng ven biển qua các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành đã làm giảm đáng kể diện tích rừng phòng hộ.
Tại xã Bình Dương (Thăng Bình), thời gian qua có hàng loạt dự án đầu tư ở vùng ven biển như khu nghỉ dưỡng Nam Hội An, khu phức hợp dịch vụ nghỉ dưỡng Bình Dương, khu phức hợp nghỉ dưỡng Vinpearl, các khu tái định cư ven biển, đường giao thông ven biển... Dự án “xí phần” đồng nghĩa với rừng phòng hộ bị mất đi. Tương tự, tại xã Bình Minh (Thăng Bình), khi giao đất cho khu phức hợp nghỉ dưỡng Vinpearl, khu nghỉ dưỡng phức hợp quốc tế An Thịnh - PPC, khu dân cư xã Bình Minh, khu đô thị Việt Nhật, khu liên hợp dịch vụ thể thao cao cấp và vui chơi giải trí, dự án MB LAND, trong trường hợp lấy đất theo chỉ giới xây dựng, thì hơn 176ha sẽ đưa ra khỏi rừng phòng hộ. Trong trường hợp lấy theo ranh giới giao đất, thì diện tích đất rừng phòng hộ giao cho các dự án trên là hơn 203ha. Còn tại xã Bình Hải, hơn 174ha đất quy hoạch cho rừng phòng hộ trước đây sẽ giao cho các dự án gồm khu thương mại, khách sạn Quảng Nam, khu đô thị ven biển Bình Hải 1, khu liên hợp dịch vụ thể thao cao cấp và vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng Nam Quảng Nam, khu biệt thự nghỉ dưỡng khách sạn thương mại dịch vụ Thăng Bình, khu vui chơi giải trí du lịch Bình Hải, khu biệt thự nghỉ dưỡng khách sạn Phú An, khu đô thị ven biển Bình Hải 2.
Ở các xã Tam Tiến, Tam Hòa, Tam Hải, Tam Quang (Núi Thành), tuy các dự án phát triển du lịch chưa rầm rộ như các huyện Thăng Bình, Duy Xuyên nhưng diện tích rừng phòng hộ giảm mạnh do hậu quả của phong trào nuôi tôm lót bạt trên cát và tình trạng tùy tiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng không tuân thủ theo quy hoạch. Qua rà soát, diện tích rừng phòng hộ huyện Núi Thành giảm hơn 15ha. Theo báo cáo của Phân viện Điều tra, quy hoạch rừng Trung Trung Bộ (thuộc Viện Điều tra quy hoạch rừng), riêng huyện Thăng Bình diện tích rừng phòng hộ giảm ít nhất 370ha, trong khi diện tích rừng sản xuất chỉ bị thu hẹp 181ha.
Kiểm soát quy hoạch
Theo Phân viện Điều tra, quy hoạch rừng Trung Trung Bộ, qua rà soát một số khu vực đã giao đất cho nhà đầu tư cho thấy nếu lấy đường ranh giới giao đất cho các đơn vị làm căn cứ rà soát rừng phòng hộ thì độ rộng của đai rừng phòng hộ ở một số vị trí giáp biển chỉ đạt 10 - 15m và khoảng cách giữa mực nước triều trung bình đến ranh giới giao đất cho các đơn vị chỉ đạt 50 - 60m. Theo ông Nguyễn Văn Tám - Phó Phân viện trưởng Phân viện Điều tra, quy hoạch rừng Trung Trung Bộ, hiện Khu kinh tế mở Chu Lai quản lý nhiều diện tích rừng ở các địa phương ven biển, cơ quan này cũng định vị được bản đồ quy hoạch dạng số. Tuy nhiên giữa các loại bản đồ không có sự thống nhất về hệ thống đường giao thông cũng như các khu quy hoạch dự kiến. Một thực tế khác, qua khảo sát, đã cho thấy diện tích quy hoạch rừng phòng hộ có sự chồng lấn với quy hoạch của Khu kinh tế mở Chu Lai.
Đầu năm 2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 120/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020. Theo đó, quy hoạch 400.821ha rừng phòng hộ và rừng đặc dụng khu vực phía tây và 3.638ha rừng phòng hộ ven biển nhằm phát huy vai trò, chức năng của rừng phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ các công trình thủy điện, thủy lợi, cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt, hạn chế những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu như sạt lở bờ sông, bờ biển, chắn gió, chắn cát, tạo cảnh quan ở các đô thị, các khu công nghiệp, các khu du lịch sinh thái. Ngành nông nghiệp cũng thừa nhận, trước đây do nhiều nguyên nhân khác nhau đã phạm sai lầm khi quy hoạch vùng ven biển. Nhà đầu tư thì mạnh ai nấy làm, xây dựng hàng loạt dự án sát mép biển, trong khi đúng ra, toàn bộ khu vực ven biển phải chừa trống ít nhất 100m trục dọc, tạo một vành đai xanh bằng trồng rừng giữ đất sát mép biển, phía sau rừng phòng hộ mới cho thực hiện các dự án. Thực tế, chính quyền tỉnh, các địa phương đã cho doanh nghiệp, nhà đầu tư thuê đất ven biển xây dựng công trình kiên cố, nhưng chưa tính toán giữ lại rừng phòng hộ bao nhiêu là hợp lý.
Nhiều năm nay, chính quyền TP.Hội An đã chấp nhận bỏ tiền mua lại các diện tích rừng sản xuất trong dân để triển khai trồng và phục hồi diện tích rừng phòng hộ đã mất. Nhưng khi nguồn ngân sách eo hẹp thì không dễ gì thực hiện được mục tiêu trồng rừng khép kín. Hiện nay, các địa phương ven biển đang rà soát, chuyển đổi những diện tích đất ven biển quy hoạch trồng rừng sản xuất hoặc thuộc các loại đất khác mà đang bị xói lở hoặc bị ảnh hưởng của cát bay, cát di động nghiêm trọng, để quy hoạch trồng rừng phòng hộ ven biển. Cạnh đó, chuyển các công trình xây dựng có ảnh hưởng hoặc nguy cơ ảnh hưởng đến chức năng phòng hộ của rừng ven biển ra khỏi khu vực quy hoạch rừng phòng hộ ven biển xung yếu và rất xung yếu, hành lang bảo vệ bờ biển. Còn với diện tích đất quy hoạch để bảo vệ và phát triển rừng ven biển nhưng người sử dụng đất tự ý chuyển đổi sai mục đích và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà tiếp tục vi phạm thì Nhà nước sẽ thu hồi đất.
HỮU PHÚC