Thay đổi cách quản lý rừng

TRẦN HỮU 09/10/2017 09:11

Nhiều diện tích rừng được quy hoạch chi tiết, đổi chủ, quản lý tổng hợp với hy vọng sẽ bảo vệ hiệu quả “lá phổi xanh” đại ngàn, tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”.

Tuần tra rừng trong lưu vực lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2. Ảnh: TR.H
Tuần tra rừng trong lưu vực lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2. Ảnh: TR.H

Cộng đồng quản lý

Hai năm nay, cộng đồng dân cư xã Phước Xuân (Phước Sơn) rất phấn khởi khi được giao nhiệm vụ giữ rừng tự nhiên. Với nguồn lực tài trợ khá dồi dào (7,2 tỷ đồng), tại huyện Phước Sơn, dự án bảo vệ và quản lý tổng hợp các hệ sinh thái rừng (KFW 10) do Ngân hàng Tái thiết Đức tài trợ giao cho 3 cộng đồng dân cư tại 2 xã Phước Xuân và Phước Hiệp quản lý với tổng diện tích hơn 3.846ha. Theo đánh giá của Phòng NN&PTNT huyện Phước Sơn, dự án này thực hiện khá bài bản, cộng đồng dân cư được giao đất giao rừng, được hưởng quyền lợi cụ thể kèm theo trách nhiệm pháp lý rõ ràng. Mảnh rừng được giao đã được số hóa, cắm mốc thực địa cụ thể nên nhiều năm nay không xảy ra chuyện xâm hại rừng tại đây. Theo Sở NN&PTNT, từ dự án KFW 10, toàn tỉnh đã cấp giấy quyền sử dụng đất và giao rừng tự nhiên sản xuất cho 9 cộng đồng dân cư thôn quản lý với diện tích gần 5.700ha. Dự án này thực hiện rất thành công, người dân phấn khởi và hưởng lợi từ rừng.

Cũng qua dự án KFW 10, các huyện Nam Giang, Bắc Trà My thiết lập được nhiều mô hình quản lý cộng đồng với diện tích hàng nghìn héc ta rừng tự nhiên. Mặt khác từ đầu năm đến nay, Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên khởi động dự án “Giám sát đa dạng sinh học ở các khu rừng đặc dụng tại Quảng Nam” nhằm nâng cao sự hiểu biết của người dân về hậu quả từ áp lực con người đến quần thể tự nhiên các loài thú và chim; phân tích thực trạng và chiều hướng thay đổi của các hệ sinh thái rừng. Nhiều năm nay, Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh thực hiện nhiều dự án bảo tồn đa dạng sinh học ngắn hạn và dài hạn giúp người dân và chính quyền địa phương có rừng nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ rừng và phát triển vùng đệm ở các khu bảo tồn thiên nhiên của tỉnh này. Trong đó, dự án “Khẩn cấp bảo tồn voi và nâng cao năng lực kiểm soát, buôn bán ngà voi ở Việt Nam đến năm 2020” và triển khai “Tuần lễ bảo tồn voi” tại huyện Nông Sơn đã có những tác động lớn tới nhận thức của người dân trong việc bảo vệ rừng và các loài động vật hoang dã. Động thái gần đây của ngành nông nghiệp là tiếp tục rà soát quỹ đất trống, bóc tách diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu chuyển sang đất sản xuất cho người dân; gắn công tác bảo vệ rừng với hoạt động phát triển sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó từng bước giải quyết áp lực phụ thuộc vào rừng của cư dân bản địa. Theo Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, ngoài  xây dựng kế hoạch và thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát theo từng thời gian cụ thể, đơn vị còn lập các trạm chốt chặn tại khu vực vùng lõi nên đã giảm rõ rệt việc xâm hại khu bảo tồn.

Ưu tiên rừng cho khu bảo tồn

Sau khi Sở NN&PTNT đề xuất, UBND tỉnh đồng ý chủ trương chuyển hơn 9.000ha rừng do kiểm lâm quản lý sang Ban quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi cùng UBND xã để tổ chức giao khoán bảo vệ theo chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Trong đó, chuyển 5.513ha do Hạt Kiểm lâm Trung Quảng Nam quản lý sang Ban quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi; chuyển 3.527ha do các hạt kiểm lâm Trung Quảng Nam, Bắc Quảng Nam, Bắc Trà My quản lý sang UBND các xã  Duy Sơn (Duy Xuyên); Đại Sơn, Đại Quang, Đại Đồng, Đại Lãnh (Đại Lộc); Trà Giác (Bắc Trà My). Tính đến thời điểm này, các hạt kiểm lâm sắp hoàn thành công tác bàn giao hiện trường, hồ sơ, sổ sách cho các địa phương, đơn vị theo đúng quy định.

Một tín hiệu mới là Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh vừa được Bộ NN&PTNT thống nhất chủ trương lập hồ sơ “nâng hạng” thành Vườn quốc gia Sông Thanh. Để chuẩn bị thành lập vườn quốc gia, tỉnh đang nghiên cứu tính khả thi của việc bổ sung một phần khu vực rừng lim xanh (khoảng 1.000ha) và rừng Cây di sản pơmu (rộng 7.000ha) thành hai tiểu khu của vườn quốc gia để công tác bảo tồn đa dạng sinh học được thực hiện nghiêm ngặt. Thời gian qua, dự án môi trường trọng điểm và sáng kiến hành lang bảo tồn đa dạng sinh học (dự án CEP - BCI tỉnh Quảng Nam) đã có nhiều hợp phần bảo tồn rừng đặc dụng Sông Thanh. Điều quan trọng, chính quyền các địa phương, cộng đồng dân cư đã xác định rõ ràng đường ranh giới giữa khu bảo tồn và ranh giới các thôn trong xã nhằm xây dựng kế hoạch phát triển rừng bền vững, liên kết quản lý tài nguyên rừng, làm cơ sở để hoàn chỉnh hồ sơ về ranh giới và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho khu bảo tồn. Đến nay, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh giao khoán cho 125 nhóm hộ và 231 hộ với diện tích hơn 41.000ha, đồng thời cũng đã thực hiện việc hỗ trợ đầu tư phát triển cộng đồng vùng đệm cho 24 cộng đồng thôn.

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU