Trả nợ rừng
Nhìn từ con số, thì Quảng Nam đã gần cán đích chỉ tiêu diện tích trồng rừng thay thế (TRTT) bắt buộc đối với các dự án, công trình xây dựng chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đặc biệt các nhà máy thủy điện. Vậy nhưng, thực tiễn kiểu TRTT chạy theo chỉ tiêu, kế hoạch hàng năm đã bộc lộ không ít bất cập, thiếu đồng bộ. Trách nhiệm của TRTT không chỉ trồng bù lại diện tích đã mất mà cần có thời gian dài “nuôi rừng” đáp ứng đa dạng sinh học. Các đợt giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh vừa qua đã chỉ ra nhiều “khoảng trống” trong TRTT các dự án thủy điện.
Ở các lưu vực hồ thủy điện, rừng trồng thay thế hơn 4 năm tuổi phát triển rất nhanh.Ảnh: TRẦN HỮU |
RỪNG THẬT
Quanh các lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2, Đắc Mi, Sông Bung... nhiều chủng loại cây trồng hơn 4 năm tuổi với chức năng phòng hộ phát triển rất nhanh. Hàng trăm diện tích TRTT này nếu được chăm sóc, bảo vệ tốt sẽ đóng góp rất lớn vào đa dạng sinh học.
“Có một cây là có rừng”
Tổng diện tích TRTT tính đến ngày 20.8.2017 là hơn 1.899ha (đạt 93,31% so với diện tích đã được UBND tỉnh phê duyệt phương án trồng rừng). Diện tích còn lại chưa trồng: 136ha (chiếm 6,69% so với tổng diện tích đã được phê duyệt). Nguyên nhân diện tích còn lại chưa trồng là vì diện tích trên chuyển mục đích sử dụng vào cuối năm 2016 và đầu năm 2017, do đó chuyển sang kế hoạch 2017 thực hiện. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 17 dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng mà chủ dự án không có điều kiện tự tổ chức TRTT với tổng diện tích là 257,7ha và được UBND tỉnh cho phép nộp tiền về Quỹ Bảo vệ phát triển rừng cấp tỉnh. UBND tỉnh thống nhất giao cho 11 đơn vị triển khai thực hiện TRTT với tổng diện tích 245ha/tổng diện tích chuyển đổi 229,31ha. (Nguồn: Sở NN-PTNT) |
Chúng tôi trở lại xã Trà Bui (Bắc Trà My) lần này, không theo đường bộ vòng quanh mà đi bằng thuyền máy. Dưới chân núi, rừng sao đen do Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh trồng 4 năm tuổi cao hơn đầu người. Ban quản lý Dự án thủy điện 3 là chủ đầu tư nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 có trách nhiệm TRTT quy mô 400ha (bao gồm trồng mới, khoanh nuôi trồng bổ sung), song đến thời điểm này mới triển khai thực hiện 340ha. Theo Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh, trồng rừng phòng hộ một loại cây sao đen, trên trạng thái rừng 1b, với mật độ 1.333 cây/ha, tỷ lệ cây sống đạt gần 94%, với mức đầu tư hơn 78,2 triệu đồng/ha. Còn với hình thức khoanh nuôi có trồng bổ sung phát tuyến dọn bì thực vật ở nơi không có cây tái sinh, loại rừng phòng hộ trạng thái 1c, mật độ trồng cây thưa thớt hơn (500 cây/ha) với mức đầu tư gần 45 triệu đồng/ha. Phó Giám đốc phụ trách Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh - ông Nguyễn Vĩnh Hiền cho biết, cây TRTT phát triển, sinh trưởng tốt, sau 10 năm sẽ bù đắp được diện tích rừng bị mất do chuyển mục đích sử dụng đất rừng của công trình thủy điện, góp phần liên kết các khu rừng đặc dụng, phòng hộ hiện có, phát huy hiệu quả bảo vệ nguồn nước, làm giàu đa dang sinh học. Kiểm tra thực địa TRTT ở xã Trà Bui, đoàn giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh có chung nhận định, ở khu vực gần với mặt nước lòng hồ, cây trồng với mật độ dày đặc, rất bài bản nhưng càng lên cao thì thưa thớt dần.
Ngược lên vùng cao các xã Cà Dy, La Dêê, thị trấn Thạnh Mỹ (Nam Giang), nơi Nhà máy thủy điện Sông Bung 2 có trách nhiệm trồng rừng sản xuất thay thế với diện tích hơn 104ha. Hai loại cây trồng chủ yếu là lát hoa và bời lời đỏ. Rừng nơi đây hơn 3 năm tuổi, với mức đầu tư hơn 100 triệu đồng/ha/10 năm (theo quy trình 1 năm trồng, 4 năm chăm sóc và 5 năm bảo vệ). Còn Nhà máy thủy điện Sông Bung 4 trồng hơn 120ha rừng đặc dụng thay thế ở xã Ta Bhing, La Dêê, chủng loại cây đa dạng hơn ở huyện Bắc Trà My gồm lim xanh, lát hoa, chò và sao đen. Địa điểm trồng nằm sâu trong rừng. Để tránh tình trạng trâu bò chăn thả rông giẫm đạp hư hỏng, nhiều khu vực đơn vị thi công “cấm cửa rừng”. Bên cạnh đó, Nhà máy thủy điện Sông Bung 4 trồng thêm 141,5ha rừng phòng hộ thay thế diện tích đất rừng đã chuyển đổi mục đích sử dụng. Tại gói thầu gần 60ha, hiện Công ty TNHH Nguyên Phú đã tiếp tục thay thế Công ty CP Đầu tư thủy điện Sông Tiên nhận chăm sóc cây 3 năm tuổi với tỷ lệ cây sống đạt 85%. Riêng gói thầu hơn 82ha, chủ đầu tư đã thực hiện trồng và chăm sóc, đang lập các thủ tục bàn giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung quản lý, bảo vệ. Báo cáo của UBND huyện Nam Giang cho biết, hai nhà máy thủy điện Sông Bung 2 và Sông Bung 4 trồng rừng phòng hộ thay thế với tổng diện tích 434,6ha. Theo đánh giá của địa phương, TRTT với 3 loại rừng đặc dụng, phòng hộ và sản xuất đạt tỷ lệ cây sống khá cao từ 85% trở lên. Cây lim xanh phát triển tốt, ngược lại cây lát hoa, chò thường bị động vật ăn lá, ngọn.
Rà soát quỹ đất trống
Những khoảnh rừng tại xã Trà Bui (Bắc Trà My), Cà Dy (Nam Giang) hay trồng quanh khu vực rừng phòng hộ Đắc Mi (Phước Sơn) mà đoàn giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh đến khảo sát hiện ở chu kỳ chăm sóc, đang chuẩn bị bàn giao quyền quản lý, bảo vệ về cho các chủ rừng. Nhiều nơi đã thành rừng với độ che phủ cao và xác lập tính pháp lý, hạn chế đáng kể trồng rừng chồng lấn, hoặc tranh chấp đất trồng với người dân. Bà Phạm Thị Như - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang thông tin, địa phương đã hoàn thành 100% diện tích TRTT từ các dự án thủy điện tỉnh giao. Các đơn vị thi công tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chăm sóc rừng theo hồ sơ thiết kế dưới sự giám sát của các đơn vị chủ rừng, ban quản lý trồng rừng thay thế huyện, các đơn vị tư vấn giám sát.
Theo Phó Giám đốc phụ trách Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh Nguyễn Vĩnh Hiền, lưu vực lòng hồ thủy điện Sông Tranh thuộc địa bàn 2 xã Trà Bui, Trà Giác (Bắc Trà My) thống kê có 2.377ha quỹ đất chưa có rừng, đất trống. “Đơn vị kiến nghị UBND huyện chỉ đạo hai xã nêu trên vận động nhân dân đăng ký, tham gia TRTT để nâng cao diện tích rừng phòng hộ trên địa bàn; tạo thu nhập ổn định, lâu dài từ chi phí nhân công trồng, chăm sóc bảo vệ rừng theo dự án và chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng” - ông Hiền đề xuất. Thời gian qua, để tìm quỹ đất TRTT, chủ đầu tư các nhà máy thủy điện cùng với địa phương có cuộc rà soát, kiểm kê rừng và đất lâm nghiệp với quy mô lớn. Vì vậy mà diện tích đã trồng rừng không bị chồng lấn với các loại rừng đã quy hoạch. Từ năm 2012 đến nay, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng trung ương và cấp tỉnh đã ký kết 29 hợp đồng ủy thác với các đơn vị có sử dụng dịch vụ môi trường rừng để sản xuất kinh doanh thủy điện, nước sạch, dịch vụ du lịch. Trong đó, có 22 đơn vị sản xuất thủy điện ký hợp đồng ủy thác để có nguồn TRTT. Tính đến cuối tháng 7.2017, tổng chi ủy thác tiền dịch vụ môi trường rừng đạt 298 tỷ đồng.
CẦN CƠ CHẾ GIÁM SÁT
Để đảm bảo cho hàng nghìn héc ta rừng thay thế trở thành vành đai xanh đầu nguồn, ngay từ bây giờ chính quyền địa phương các cấp, chủ rừng cần xác lập một cơ chế giám sát chặt chẽ, trói buộc trách nhiệm đi đôi với giải quyết thỏa đáng quyền lợi.
Mật độ cây sống ở rừng thay thế rất cao. |
Giúp dân hưởng lợi
Theo ông Đặng Tấn Giản - Phó Trưởng ban Dân tộc UBND tỉnh, trồng rừng thay thế (TRTT) phải giải quyết hài hòa lợi ích, tránh xung đột với phát triển sinh kế. Theo chính quyền huyện Bắc Trà My, phải để người dân nhận chăm sóc, bảo vệ rừng sau khi trồng. Khi họ được hưởng lợi thì sẽ bảo vệ rừng có trách nhiệm hơn. Quy hoạch TRTT cần phối hợp nhịp nhàng với địa phương, hạn chế thấp nhất tình trạng quy hoạch chồng lấn. Sai lầm đã trả giá đắt là quy hoạch trước đây đã đẩy người dân tái định cư ở xã Trà Bui là vào rừng phòng hộ sinh sống. Còn bà Phạm Thị Như - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang đề nghị, đối với rừng sản xuất thay thế rừng chuyển đổi mục đích sử dụng phục vụ dự án thủy điện Sông Bung 2 nên tăng thêm 1 lần chăm sóc thành 3 lần/năm thay vì 2 lần/năm như hiện nay.
Kinh nghiệm TRTT thành công ở các tỉnh phía Bắc cho thấy, khái niệm TRTT được hiểu thông thoáng hơn. Nghĩa là không chỉ tập trung hoặc quy định bắt buộc phải trồng rừng mới, kinh phí TRTT được sử dụng để thuê khoán cộng đồng, hộ gia đình quản lý, bảo vệ các khu vực rừng tái sinh, trồng dặm, tăng cường phục hồi diện tích rừng tự nhiên. Nói cách khác, TRTT cần được xác định như một trong các hoạt động lâm nghiệp quan trọng, được lồng ghép vào các kế hoạch bảo vệ phát triển rừng, hỗ trợ tích cực cho việc thực hiện các mục tiêu bảo vệ diện tích rừng hiện có, nâng cao độ che phủ rừng, cải thiện chất lượng rừng. Cần quy định rõ hơn về vai trò, quyền lợi và trách nhiệm của Quỹ Bảo vệ phát triển rừng với TRTT và chế tài xử lý đối với chủ dự án cố tình chây ỳ hoặc không TRTT.
Ràng buộc trách nhiệm chủ đầu tư
Ông Phạm Phú - Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ phát triển rừng tỉnh cho rằng, đối với các dự án đầu tư có chuyển đổi rừng, nếu chưa xây dựng được phương án TRTT thì chưa được khởi công nhằm tránh tình trạng như hiện nay nhiều chủ dự án viện cớ khó khăn trong kinh doanh xin nợ tiền TRTT, hoặc một số dự án đã bán lại cho các chủ đầu tư khác gây khó khăn cho việc thu tiền TRTT. Từ việc nợ hơn 6 tỷ đồng tiền TRTT của nhà máy thủy điện Sông Tranh 2, nhiều ý kiến đề nghị cần có chế tài xử lý đối với chủ dự án cố tình chây ỳ việc nộp tiền TRTT; có hướng dẫn về trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng, sử dụng rừng trồng và cơ chế hưởng lợi cũng như chia sẻ lợi ích với diện tích TRTT khi đến độ tuổi khai thác. Đoàn giám sát Ban Dân tộc HĐND tỉnh lưu ý, việc TRTT phải theo hồ sơ thiết kế, yêu cầu chủ đầu tư tính toán bổ sung thay thế cây trồng chết để đảm bảo mật độ. Các đơn vị chủ rừng, ban quản lý TRTT huyện, các đơn vị tư vấn giám sát chặt chẽ việc TRTT.
Nhiều năm gần đây, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh cho ra đời hàng loạt chính sách phát triển kinh tế - xã hội miền núi, trong đó tập trung vào giải pháp giúp người dân cải thiện sinh kế, lấy rừng nuôi rừng. Ông Nguyễn Nhuần - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho rằng, với đồng bào dân tộc thiểu số tái định cư ở vùng xã Trà Giác, Trà Bui, ngành nông nghiệp gấp rút bóc tách diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu chuyển đổi thành đất sản xuất, cấp cho dân. Điều cốt lõi phải rà soát, phân loại chi tiết 3 loại rừng (đặc dụng, phòng hộ và sản xuất), hạn chế tối đa nạn xâm lấn đất rừng dai dẳng. Mặt khác, cần chia sẻ thông tin TRTT cho địa phương để tăng cường sự tham gia, giám sát TRTT, quy định trách nhiệm cụ thể của chủ đầu tư. Theo ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, người dân không trực tiếp thi công TRTT thời gian qua do chi phối bởi Luật Đấu thầu. Tuy nhiên, sau thời gian trồng, người dân địa phương sẽ là đối tượng được hỗ trợ chăm sóc, bảo vệ rừng, cùng với hưởng lợi từ dịch vụ chi trả môi trường rừng.
KHÓ THAY THẾ ĐA DẠNG SINH HỌC
Nhiều chủ đầu tư chậm “trả nợ rừng”, đồng bào dân tộc thiểu số chưa hưởng lợi, thiếu cơ chế giám sát trong và sau khi trồng rừng thay thế (TRTT), chủng loại cây trồng còn nghèo nàn... là những rào cản lớn khi triển TRTT tại các địa phương miền núi.
Đoàn giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh kiểm tra rừng cây sao đen tại xã Trà Bui.Ảnh: TRẦN HỮU |
Trồng mới hay trồng dặm?
Tại xã Tam Lãnh (Phú Ninh), Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu trồng cây sao đen để hoàn rừng rất thưa thớt, nếu không muốn nói trồng chiếu lệ. Nhiều diện tích đã lấy quặng xong rồi bỏ hoang nhiều năm trời chưa hoàn thổ, TRTT do doanh nghiệp chưa bàn giao về cho địa phương quản lý. Hiện còn hơn 22ha doanh nghiệp này chưa phục hồi môi trường, trồng lại cây. Chủng loại cây trồng với chức năng phòng hộ ở các nơi cũng rất “tùy hứng” dù tương đồng về thổ nhưỡng, khí hậu. Tại huyện Bắc Trà My, chỉ trồng duy nhất loại cây sao đen, trong khi tại huyện Nam Giang thì lát hoa, sao đen, lim xanh, chò. Ông Đỗ Tài - Bí thư Huyện ủy Đông Giang băn khoăn, địa phương rất đắn đo so sánh lợi - hại khi trồng mới hay khoanh nuôi có trồng bổ sung (trồng dặm). Thực tế trạng thái rừng 1c trồng mới cây phát triển nhanh, trong khi nhiều nơi thực bì lên nhanh phủ ngang cây trồng dặm. Ông Nguyễn Đình Tiên - Phó Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh lo ngại việc Bắc Trà My trồng duy nhất cây sao đen mà không trồng thêm các cây lim, huỷnh, chò... Trồng mỗi cây sao đen dự báo 10 năm sau sẽ gây áp lực lớn cho công tác bảo vệ rừng. “Muốn đa dạng hệ sinh thái rừng, phải trồng hỗn loài” - ông Tiên nêu ý kiến.
Ông Phạm Phú - Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ phát triển rừng tỉnh thừa nhận, một số khu vực thiết kế trồng rừng có thực bì phát triển nhanh, thiết kế chăm sóc rừng trồng chỉ thực hiện 2 lần/năm đối với 2 năm đầu chưa khắc phục tình trạng xâm lấn của thực bì, dẫn đến cây còi cọc, chậm phát triển. Từ năm 2015 theo quy định trồng rừng phải qua hình thức đấu thầu ảnh hưởng đến tiến độ TRTT (trước năm 2015 hầu hết công trình lâm sinh được chỉ định thầu). Còn theo ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh, quan sát hiện trạng rừng không bền vững bởi đất rừng phòng hộ nhưng dân trồng keo, canh tác lúa. Thiếu sinh kế lâu dài sẽ đe dọa đến mục tiêu, chỉ tiêu nâng cao độ che phủ rừng. Tại xã Trà Bui, chúng tôi ghi nhận, thảm thực bì được phát dọn rất sạch để TRTT. Có một số loài cây rừng góp phần vào đa dạng sinh học cũng bị chặt ngang. Ông Đặng Tấn Giản - Phó Trưởng ban Dân tộc UBND tỉnh cho rằng, TRTT hiện nay chưa đánh giá toàn diện kinh tế - xã hội, tác động môi trường, người dân hưởng lợi như thế nào. “Tại sao cây rừng đang sống phải chặt la liệt để TRTT. Các cây trồng mới chắc gì đa dạng sinh học bằng cây tự nhiên. Đồng bào bị hạn chế không gian sinh kế, số phận của rừng trồng rồi sẽ về đâu?” - ông Giản băn khoăn.
Phát nhầm đất nương rẫy người dân
Khảo sát thực địa TRTT ở các địa phương cho thấy, đơn vị tư vấn thiết kế điều tra, khảo sát các yếu tố tự nhiên ngoài hiện trường trồng rừng chưa chính xác, có nhiều lô thiết kế trồng rừng trên đất nương rẫy của người dân. Một số loài cây bố trí không phù hợp với thổ nhưỡng nên tỷ lệ sống rất thấp như các cây bời lời đỏ, chò chỉ, lim xanh. Khâu ghi chép nhật ký giám sát quá trình TRTT không đầy đủ. Việc tập hợp hồ sơ, chứng từ để thanh quyết toán đối với công trình trồng rừng, chăm sóc rừng hoàn thành chậm trễ. Chính quyền một số huyện miền núi chia sẻ bất cập, khó khăn trong xây dựng kế hoạch, hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí, thể chế và tổ chức thực hiện, cho đến nghiệm thu, giám sát. “Nhập nhằng” giữa nguồn chi ngân sách và ủy thác cho TRTT. Ông Nguyễn Nhuần - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My phân trần, sở dĩ còn 60ha trên địa bàn chưa triển khai TRTT do chồng lấn với đất nương rẫy cũ của đồng bào thôn 6 xã Trà Bui. Kế hoạch trồng rừng của huyện là 400ha, hiện mới thực hiện 340ha. Năm 2013, trong quá trình thi công xử lý thực bì nhân dân thôn 6 đã đồng loạt ngăn cản không cho TRTT. Với diện tích này, năm 2016 UBND tỉnh đã có quyết định điều chỉnh sang trồng ở khu vực khác.
Nhiều chủ đầu tư dự án thủy điện chưa chủ động trong xây dựng phương án TRTT cũng như thực hiện nộp ngân sách TRTT. Một số dự án đã nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ phát triển rừng cấp tỉnh nhưng đơn vị này còn để vốn tồn đọng, chưa chủ động tham mưu cho UBND tỉnh trong việc quản lý, điều phối tiền để triển khai kế hoạch TRTT đúng tiến độ. Hiện nay, còn 4 đơn vị chậm nộp tiền TRTT, trong số đó, Ban quản lý dự án thủy điện 3 - chủ đầu tư của nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 còn nợ hơn 6 tỷ đồng. Đến thời điểm này, số tiền TRTT chưa giải ngân được lên đến hơn 57,4 tỷ đồng. Theo Quỹ Bảo vệ phát triển rừng tỉnh, chưa giải ngân là do UBND tỉnh vừa có văn bản phân bổ kế hoạch TRTT năm 2017 cho các đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện trồng rừng. Hiện các chủ đầu tư khẩn trương phối hợp tư vấn lập hồ sơ thiết kế, dự toán, phê duyệt kế hoạch đấu thầu, tổ chức đấu thầu, ký kết hợp đồng. Mặt khác chưa giải ngân thuộc các hạng mục trồng rừng 1 năm, chăm sóc khoanh nuôi do một số diện tích qua kiểm tra, nghiệm thu tỷ lệ cây sống đạt thấp. Ông Phạm Phú - Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ phát triển rừng tỉnh cho rằng, vướng mắc do các văn bản hướng dẫn chưa có chế tài cụ thể đối với đơn vị chây ỳ trong nghĩa vụ “trả nợ rừng”.
Theo đoàn giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh, triển khai TRTT gặp vướng mắc do khả năng đảm bảo quỹ đất lâm nghiệp tại các địa phương khá thấp, đặc biệt là sau khi Bộ NN-PTNT ban hành Thông tư 26/2015/TT-BNN-PTNT yêu cầu ưu tiên TRTT trên diện tích đất trống quy hoạch rừng phòng hộ hoặc rừng đặc dụng. Trong khi đó, diện tích đất được quy hoạch là đất trống thì phần lớn đã bị người dân lấn chiếm, sử dụng canh tác lâu năm. Rắc rối ở chỗ: nếu thu hồi sẽ có khả năng xảy ra tranh chấp, ảnh hưởng tiến độ TRTT. Bên cạnh đó, các văn bản hiện hành chưa quy định cụ thể về trách nhiệm quản lý rừng sau đầu tư, cơ chế hưởng lợi từ diện tích rừng trồng. “Chủ đầu tư thuê đơn vị tư vấn, thi công ở đâu vào trồng, chăm sóc, trong khi người dân sở tại thì đứng ngoài cuộc. Đơn vị thi công trồng xong rồi bỏ về làm sao hiệu quả được” - ông Nhuần phân tích.
Thực hiện chuyên đề: TRẦN HỮU