Quản trị rừng hiệu quả

TRẦN HỮU 30/06/2017 08:31

Làm thế nào để bảo vệ, phát triển và quản trị rừng hiệu quả vẫn là câu hỏi khó với ngành lâm nghiệp hiện nay.

Ngành công nghiệp sản xuất, chế biến gỗ xuất khẩu trong tỉnh đang đứng trước thách thức về kiểm soát nguồn gốc lâm sản. Ảnh: T.H
Ngành công nghiệp sản xuất, chế biến gỗ xuất khẩu trong tỉnh đang đứng trước thách thức về kiểm soát nguồn gốc lâm sản. Ảnh: T.H

Thách thức

Theo Quyết định số 607/QĐ-BNN-TCLN ngày 3.3.2017 của Bộ NN&PTNT phê duyệt kết quả điều tra, kiểm kê rừng tại 19 tỉnh năm 2015 - 2016 thuộc dự án “Tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013 - 2016”, Quảng Nam có tổng diện tích đất lâm nghiệp hơn 738.822ha. Trong đó, diện tích đất có rừng 545.047ha (rừng tự nhiên 443.081ha), độ che phủ rừng 56,1%. Trên địa bàn tỉnh có 29.272ha rừng trồng theo dự án 327, 661. Rừng trồng đạt tiêu chuẩn chứng chỉ quốc tế - FSC chỉ trên dưới 2.000ha. Nhiều năm qua, các huyện miền núi chưa có chiến lược rõ ràng trong phát triển rừng gỗ lớn, rừng trồng theo chuẩn quốc tế nên các doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ gặp khó khăn trong việc tìm nguyên liệu đầu vào. Trong khi đó, xu hướng của quốc tế là kiểm soát nghiêm ngặt nguồn gốc xuất xứ của lâm sản. Các sản phẩm xuất khẩu chế biến gỗ qua nước thứ 2 trở lên đều phải đáp ứng quy định của các luật lệ thương mại quốc tế. Thực tế nguồn gỗ của tỉnh xuất bán nhiều cho các doanh nghiệp tại tỉnh Bình Định (nơi có nhiều nhà máy chế biến gỗ nhất trong số các tỉnh miền Trung). Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Bình Định (FPA) cho biết, các công ty có vốn FDI và thương nhân đầu tư các nhà máy, cơ sở thu mua nguyên liệu gỗ ở hầu khắp các vùng nguyên liệu gỗ lớn để xuất khẩu sang Trung Quốc nên doanh nghiệp trong nước khó có thể cạnh tranh nổi.

Các chuyên gia của Quỹ Bảo tồn thiên nhiên quốc tế - WWF nhận định, nếu được ký kết hiệp định đối tác tự nguyện giữa Việt Nam với EU về FLEGT (tăng cường thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản) sẽ là cơ hội để doanh nghiệp chế biến xuất khẩu sản phẩm từ rừng của Việt Nam cũng như tỉnh Quảng Nam cạnh tranh bình đẳng, minh bạch trên thị trường. Với những doanh nghiệp có uy tín, sử dụng nguồn gốc gỗ hợp pháp khi xuất khẩu qua thị trường châu Âu sẽ rất dễ dàng. Nhưng ngược lại nếu doanh nghiệp làm ăn thiếu minh bạch sẽ là rào cản lớn. Theo Sở Công Thương, trước mắt, Quảng Nam vẫn đang đối mặt với những khó khăn trong việc đảm bảo nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, nghĩa là yêu cầu 100% gỗ xuất khẩu vào các thị trường Mỹ, Nhật và EU phải là gỗ hợp pháp. Nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ nhận thấy rào cản khi mua gỗ không rõ nguồn gốc xuất xứ. Gỗ trên địa bàn tỉnh phần lớn khai thác sau 4 - 5 năm trồng và được trồng với mật độ dày, nên phục vụ cho chế biến đồ gỗ rất ít. Nhiều lô hàng về sản phẩm gỗ xuất khẩu buộc phải trả về nước do thiếu minh bạch trong sử dụng nguồn gốc lâm sản.

Nâng cao năng lực quản trị

Từ đầu năm 2017, ngành kiểm lâm xây dựng kế hoạch, chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn. Nhiều doanh nghiệp trong tỉnh và ngoài tỉnh đã đến liên kết đầu tư trồng rừng gỗ lớn với người dân các huyện Hiệp Đức, Bắc Trà My, Nông Sơn, Tiên Phước. Phát triển rừng bền vững gắn với cấp chứng chỉ rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC. Tái cơ cấu ngành lâm nghiệp chuyển đổi từ trồng rừng gỗ nhỏ (nguyên liệu giấy, băm dăm) sang trồng rừng gỗ lớn. Tăng cường quản lý, kiểm tra, đánh giá, giám sát chặt chẽ các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân sản xuất kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp, dược liệu trên địa bàn theo quy định. Chấm dứt tình trạng sử dụng nguồn giống kém chất lượng, không có nguồn gốc để gieo ươm và đưa vào trồng rừng. Mặt khác, cải thiện hệ thống quản lý khai thác gỗ gắn liền với FLEGT.

Các địa phương miền núi đang tích cực điều tra hiện trạng rừng cộng đồng, xác định tăng trưởng và trữ lượng có thể khai thác được hàng năm. Thêm vào đó, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về tài nguyên rừng phân theo địa phương và các chủ rừng, kế hoạch giám sát, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng theo từng năm. Chính quyền gấp rút cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp cho người dân đối với những hộ có rừng, nương rẫy đã khai hoang từ lâu để hợp thức hóa thủ tục về đất đai, tránh tình trạng tranh chấp kéo dài giữa các hộ. Tuy nhiên, theo ông Lê Minh Hưng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Quảng Nam nên nghiên cứu hỗ trợ cho vay vốn lãi suất thấp trong thời gian dài để xây dựng mô hình trồng rừng, trồng cây dược liệu dưới tán rừng tự nhiên. Nhà nước bỏ tiền mua giống làm mô hình điểm, khuyến khích các công ty lâm nghiệp và chủ rừng quy mô lớn thử nghiệm và nhân rộng trồng rừng gỗ lớn để người dân thấy rõ hiệu quả và tự nhân rộng. Giải pháp căn cơ tiến tới miễn hoặc giảm tiền thuê đất và thuế sử dụng đất đối những diện tích trồng rừng gỗ lớn, chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ lớn; thí điểm chính sách bảo hiểm đối với rừng trồng kinh doanh gỗ lớn để người trồng rừng yên tâm đầu tư kinh doanh. Đặc biệt, cần sửa đổi các chính sách hiện hành về vay vốn tín dụng ưu đãi, thuận tiện cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân vay vốn đầu tư trồng rừng sản xuất gỗ lớn...

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, ngành kiểm lâm cần tiếp tục đẩy mạnh công tác giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp. Khuyến khích và hỗ trợ trồng rừng theo hướng tập trung, thâm canh, trồng rừng cây bản địa, gỗ lớn, ưu tiên phát triển nguồn giống cây trồng lâm nghiệp và cây dược liệu có chất lượng cao phục vụ công tác phát triển rừng nhằm nâng cao năng suất, giá trị rừng trồng.

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU