Chậm cấp bìa đỏ đất lâm nghiệp
Ở nhiều địa phương trong tỉnh, việc cấp giấy chứng chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp (gọi tắt bìa đỏ) không đảm bảo tiến độ đề ra. Đáng nói, do sai sót giữa hồ sơ và thực địa, nhiều địa phương “ngâm” bìa đỏ thời gian dài.
Tại các huyện Tiên Phước, Đại Lộc... có thực trạng chính quyền xã “giữ hộ” bìa đỏ của nhân dân. Nguyên nhân chủ yếu là số lượng bìa đỏ cấp có sự chênh lệch số liệu so với thực địa, đối chiếu bản đồ hiện trạng 3 loại rừng, phát hiện có sự chồng lấn lên đất rừng phòng hộ do các ban quản lý, các doanh nghiệp đang quản lý. Tại huyện Đại Lộc, trước đây bìa đỏ được cấp có một số diện tích đất chồng lấn với những khu vực mồ mả của dân có từ lâu đời, cần được bóc tách ra khỏi diện tích đất rừng sản xuất để tránh khiếu kiện, tranh chấp, gây mất an ninh trật tự tại địa phương.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên - môi trường, đến nay toàn tỉnh đã cấp được 55.847 bìa đỏ, đạt tỷ lệ 41,1% khối lượng được duyệt (trong đó cấp mới 52.656 bìa đỏ và cấp đổi 3.191 bìa đỏ). TP.Tam Kỳ, Hội An và thị xã Điện Bàn tuy đã hoàn thành công tác đo đạc địa chính nhưng đất lâm nghiệp của TP.Hội An thuộc rừng đặc dụng, đất lâm nghiệp của TP.Tam Kỳ và thị xã Điện Bàn thuộc các khu quy hoạch nên các địa phương này không tổ chức lập hồ sơ xét cấp bìa đỏ. Ở khu vực miền núi, phần lớn diện tích đất lâm nghiệp nằm ở địa hình phức tạp, hầu hết lô, thửa không có bờ, không có ranh giới rõ ràng. Việc xác định ranh giới hoàn toàn phụ thuộc vào chính quyền địa phương và người sử dụng đất; diện tích sử dụng đất lâm nghiệp manh mún, nhỏ lẻ. Phần lớn công việc xác định, xác lập hồ sơ ranh giới, mốc giới thửa đất lâm nghiệp đều khoán trắng cho đơn vị thi công.
Ông Lưu Văn Ba - Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất (thuộc Sở Tài nguyên - môi trường) cho biết, ở một số địa phương ranh giới quản lý rừng giữa thực tế và trong hồ sơ không thống nhất với nhau. Quy hoạch 3 loại rừng đã được tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 48/2007/QĐ-UBND ngày 30.10.2007 nhưng việc quy hoạch 3 loại rừng mới đến khoảnh, tiểu khu nên một số vị trí chưa phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, làm trở ngại cho thực hiện dự án. Một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số không có chứng minh nhân dân, hoặc hộ khẩu gây khó cho công tác đăng ký, kê khai lập hồ sơ địa chính đất lâm nghiệp. Ông Nguyễn Viễn - Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường thừa nhận, số lượng hồ sơ được lập chưa được xử lý để cấp bìa đỏ còn nhiều. Có tình trạng một số địa phương đã ký bìa đỏ nhưng không cấp phát đến người sử dụng, có trường hợp đã hoàn thành thủ tục nhưng không trình ký nên nhiều năm đã biến động, thông tin thửa đất thay đổi. “Phải khẩn trương cắm mốc ranh giới giữa các chủ rừng để quản lý đất lâm nghiệp chặt chẽ hơn. Tiếp tục giao đất giao rừng cho hộ và cộng đồng dân cư; hoàn thiện hồ sơ địa chính đất lâm nghiệp tỷ lệ 1/10.000 hiện có theo hướng chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính đất lâm nghiệp” - ông Viễn nêu giải pháp.
TRẦN NGUYỄN