Bảo vệ rừng xuyên biên giới

TRẦN HỮU 26/05/2017 08:22

Công cuộc gìn giữ sự đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng ở Quảng Nam không chỉ có đóng góp của người dân mà còn có sự chung tay của cộng đồng quốc tế..

Giữ rừng bản địa

Thời gian qua, nhờ sự điều chỉnh cơ chế chính sách, hành lang pháp lý đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân bảo vệ rừng (BVR). Theo báo cáo của Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Kôn, cuộc sống người dân miền núi dần cải thiện từ khi được hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Rõ nhất là tại 2 thôn An Điềm và Yều (xã Đại Hưng, Đại Lộc) có 11 nhóm hộ (107 hộ) nhận khoán BVR hơn 2.300ha. Bình quân mỗi hộ nhận gần 4 triệu đồng/năm. Còn tại 8 xã của huyện Đông Giang có tổng cộng 161 nhóm hộ (2.222 hộ) nhận 12.212ha rừng.

Từ năm 2017, lực lượng kiểm lâm Quảng Nam và tỉnh Sê Kông tổ chức tuần tra rừng chung trên tuyến biên giới Việt - Lào. Ảnh: T.H
Từ năm 2017, lực lượng kiểm lâm Quảng Nam và tỉnh Sê Kông tổ chức tuần tra rừng chung trên tuyến biên giới Việt - Lào. Ảnh: T.H

Các nhóm hộ có quy chế hoạt động, tuần tra truy quét chung. Chính sách chi trả DVMTR góp phần bảo tồn đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng, giúp người dân hưởng lợi từ rừng mà không xâm hại đến rừng. Từ điểm nóng phá rừng dai dẳng, gần đây số vụ vi phạm lâm luật ở rừng phòng hộ Sông Kôn giảm mạnh. Tại huyện Nam Trà My, nhiều năm nay lực lượng kiểm lâm đã xây dựng hơn 40 đội quần chúng giữ rừng. Theo Hạt Kiểm lâm huyện Nam Trà My, thời gian qua đã giao cho 647 hộ nhận khoán bảo vệ khoảng 12.184ha rừng tự nhiên; giao khoán 6.184ha rừng phòng hộ cho các hộ dân khoanh nuôi, bảo vệ; giao khoán 14.573ha rừng đặc dụng cho 37 nhóm hộ quản lý bảo vệ.  Rừng phòng hộ sông Tranh đã trở nên bình yên hơn trước đây rất nhiều nhờ người dân giữ rừng có trách nhiệm.

Trong khi đó, tại vùng cao xã Tr’Hy (Tây Giang), chính quyền sở tại đã đưa ra sáng kiến vận động đồng bào Cơ Tu tự nguyện nộp lại cưa lốc - một loại công cụ được mệnh danh là “sát thủ” của rừng xanh. Đến nay hàng trăm cưa lốc của dân giao nộp cho già làng, trưởng thôn theo tinh thần tự nguyện. Theo xác nhận của chính quyền địa phương, chỉ lúc nào hộ gia đình cần gỗ để làm nhà ở, hay gươl truyền thống, gia đình có đơn gửi lên làng, làng gửi lên xã, xã chuyển lên cơ quan kiểm lâm và UBND huyện mới xem xét chấp thuận. Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang Lê Hoàng Linh cho biết, từ năm 2009, để siết chặt tình trạng khai thác rừng trái phép, UBND huyện đã quy định rõ về việc khai thác gỗ. Theo đó, địa phương vận động, tuyên truyền người dân giao nộp cưa lốc nhằm ngăn ngừa nạn chặt phá rừng tự phát. Cũng theo ông Linh, từ ngày công nhận rừng pơ mu là Cây di sản Việt Nam, thông qua các kênh tuyên truyền, đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương đã thay đổi nhận thức, biết tập hợp thành sức mạnh cộng đồng đấu tranh với các hành vi xâm hại tài nguyên rừng.

Phối hợp giữ rừng vùng biên

Sau vụ phá rừng pơ mu tại huyện Nam Giang (khu vực biên giới giáp tỉnh Sê Kông - Lào), tháng 3.2017, lực lượng kiểm lâm Quảng Nam và tỉnh Sê Kông đã ký biên bản ghi nhớ về phối hợp trong quản lý, BVR và quản lý lâm sản vùng giáp ranh giữa hai tỉnh giai đoạn 2017 - 2020. Cụ thể, hai bên thống nhất nâng cao vai trò, trách nhiệm của các chủ rừng, chính quyền địa phương và người dân vùng biên giới trong công tác quản lý, BVR, phòng cháy chữa cháy rừng. Chi cục Thanh tra lâm nghiệp tỉnh Sê Kông và Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam chỉ đạo các đơn vị trực thuộc duy trì hoạt động tuần tra chung tại vùng giáp ranh 2 địa phương, đồng thời phối hợp tổ chức các hội thảo, tập huấn cho lực lượng quản lý, BVR.

Nhiều năm qua, Quỹ Bảo vệ thiên nhiên quốc tế (WWF) đã tích cực giúp các địa phương nằm trên tuyến biên giới Việt - Lào nâng cao năng lực giữ rừng thông qua dự án dự trữ các bon và bảo tồn đa dạng sinh học (CarBi). Đây là dự án bảo vệ rừng xuyên biên giới quy mô nhất của WWF tại tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng. Với sự hỗ trợ của Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), CarBi được điều phối và triển khai bởi Chính phủ hai nước Lào và Việt Nam, các tổ chức phát triển và nhà tài trợ, chính quyền và cộng đồng địa phương. Dự án nhằm ngăn chặn nạn phá rừng thông qua hoạt động bảo vệ và sử dụng tài nguyên rừng một cách bền vững, đồng thời bảo tồn tính đa dạng loài độc đáo của vùng Trung Trường Sơn. Dự án CarBi triển khai hoạt động giám sát đa dạng sinh học sâu rộng bằng máy bẫy ảnh cảm biến nhiệt với sự hợp tác của Viện Nghiên cứu vườn thú và động thực vật hoang dã Leibniz (Đức). Sau một thời gian đầu tư, dự án đã tái phát hiện sao la - một trong những loài động vật quý hiếm nhất thế giới tại Việt Nam. Các cuộc điều tra đa dạng sinh học cũng phát hiện một loài rắn mới, gấu đen và thỏ vằn Trường Sơn.

Theo báo cáo của WWF tại Quảng Nam, đến nay dự án đã phá hủy hơn 100 nghìn bẫy thú, 1.800 lán khai thác gỗ trái phép trong rừng. Điều quan trọng, thông qua nguồn tài trợ của dự án đã giải quyết việc làm cho người dân bản địa, giảm áp lực phụ thuộc vào rừng; giải quyết hài hòa mối quan hệ phát triển và bảo tồn đa dạng sinh học rừng. Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phan Tuấn nhận xét: “Thông qua phương pháp làm việc khoa học, dự án đã điều tra đa dạng sinh học, phục hồi rừng và thu hút người dân tham gia bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần nâng cao và đa dạng hóa nguồn sinh kế. Thêm vào đó, dự án góp phần kiểm soát buôn bán gỗ và động vật hoang dã bất hợp pháp ở vanh đai biên giới 2 nước”.

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU