Hiến kế phát triển kinh tế rừng

TRẦN HỮU 01/05/2017 08:58

Một cuộc hội thảo về sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp chất lượng cao, trồng rừng gỗ lớn và cấp chứng chỉ rừng đạt tiêu chuẩn quốc tế do UBND tỉnh tổ chức vừa qua thể hiện quyết tâm tái cơ cấu mạnh mẽ ngành lâm nghiệp, nâng cao giá trị kinh tế của gỗ rừng trồng sản xuất.

Quảng Nam sẽ là vùng cung cấp nguyên liệu gỗ phục vụ chế biến, xuất khẩu quy mô lớn.Ảnh: TRẦN HỮU
Quảng Nam sẽ là vùng cung cấp nguyên liệu gỗ phục vụ chế biến, xuất khẩu quy mô lớn.Ảnh: TRẦN HỮU

Được đánh giá là vùng đất hội đủ các yếu tố để đưa giá trị ngành lâm nghiệp chiếm vị trí chủ lực trong cơ cấu kinh tế ở các huyện miền núi, song nhiều năm qua việc hình thành vùng nguyên liệu gỗ lớn, đạt chứng chỉ quốc tế (FSC) vẫn chưa được hiện thực hóa. Chất lượng giống cây trồng vừa thiếu vừa không đảm bảo, tạo trở ngại cho kinh tế lâm nghiệp. Nhiều ý kiến chia sẻ từ các chủ rừng, doanh nghiệp trồng và chế biến gỗ... sẽ là bài học thực tiễn để Quảng Nam thực sự trở thành tỉnh mạnh về rừng.

“Ăn xổi ở thì”

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, diện tích rừng sản xuất giao cho các doanh nghiệp nhà nước 16.000ha (chiếm 5,8%);  còn lại 93,2% tổng diện tích rừng trồng là do người dân quản lý. Giai đoạn từ 2012 - 2016, toàn tỉnh trồng hơn 64.343ha rừng sản xuất (bình quân mỗi năm trồng hơn 12.869ha) thông qua các chương trình, dự án WB3, dự án bảo vệ và phát triển rừng, dự án hành lang đa dạng sinh học tiểu vùng sông Mê Kông (BCC), dự án dự trữ carbon và bảo tồn đa dạng sinh học (CarBi) và người dân có đất trồng rừng sản xuất đã tự bỏ vốn đầu tư. Đến nay, toàn tỉnh có 175 đơn vị, cá nhân, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp. Trong đó chỉ có 43 cơ sở có giấy phép đăng ký kinh doanh, 132 cơ sở không đăng ký kinh doanh (chủ yếu là các hộ, cá nhân sản xuất nhỏ lẻ, theo mùa vụ phục vụ nhu cầu gia đình và tại địa phương).

Phần lớn địa phương trồng rừng gỗ nhỏ với chu kỳ 5 - 7 năm là khai thác, trong khi đó rất ít chu kỳ trồng kéo dài hơn 10 năm. Rừng gỗ lớn vốn đã ít, đạt chứng chỉ quốc tế FSC lại càng khan hiếm hơn. Năm nay, xã Tiên Lãnh (Tiên Phước) đăng ký kiểm tra để cấp chứng chỉ FSC hơn 750ha; 70 hộ dân xã Hiệp Thuận (Hiệp Đức) đăng ký hơn 217ha. Năng suất rừng bình quân 60 - 70m3/ha. Phần lớn sản phẩm gỗ khai thác chủ yếu cung cấp cho các nhà máy chế biến dăm gỗ, các cơ sở chế biến hàng mộc thủ công, mỹ nghệ và nhà máy chế biến gỗ. Nhiều diện tích rừng trồng của tỉnh là do người dân bỏ vốn  trồng và quản lý; trong khi đa số người dân có tâm lý muốn thu hồi lại vốn nhanh nên thường trồng rừng đầu tư thấp, có chu kỳ ngắn để bán gỗ nguyên liệu. Còn về giống, đến nay chưa có đề án phát triển giống cây lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh; chưa đầu tư đúng mức cho sản xuất giống bằng công nghệ nuôi cấy mô.

Là một doanh nghiệp trồng và chế biến gỗ, nhưng Công ty CP Lâm đặc sản xuất khẩu Quảng Nam từng nhập khẩu từ Malaysia với giá 145 - 150 USD/m3 gỗ nguyên liệu. Hiện nay, công ty đã chủ động được nguồn gỗ FSC nguyên liệu phục vụ cho chế biến đồ gỗ. Để có nguồn nguyên liệu sản xuất, doanh nghiệp còn mua gỗ không chứng chỉ FSC từ các xưởng chế biến và hộ dân trong và ngoài địa bàn tỉnh. Theo doanh nghiệp này, trước đây đơn vị có nguồn nguyên liệu khá ổn định từ mua gỗ keo các dự án trồng rừng của Nhà nước như các Chương trình 327, 661, 2780... với độ tuổi 10 - 12 năm. Vậy nhưng gần đây, sự bùng phát của nhiều nhà máy dăm trong tỉnh và các địa phương lân cận trong khi các nhà máy đó không đầu tư vùng nguyên liệu đã làm cho nguyên liệu gỗ dành sản xuất hàng mộc ngày càng khan hiếm, chất lượng gỗ kém hơn.

Nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ đều thừa nhận khó khăn khi mua gỗ không rõ nguồn gốc xuất xứ. Gỗ được khai thác sau 4 - 5 năm trồng và được trồng với mật độ dày, nên phục vụ cho chế biến đồ gỗ rất ít, gỗ kém chất lượng. Chia sẻ kinh nghiệm với Quảng Nam, ngành lâm nghiệp các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Thái Nguyên đúc kết: chính tư duy “ăn xổi ở thì” khiến các doanh nghiệp chế biến gỗ... thua ngay trên sân nhà. Thiếu nguồn nguyên liệu gỗ lớn nên buộc phải nhập khẩu từ nước ngoài với giá cao.

Đi tìm lời giải

Nhận diện được rào cản của phát triển, thời gian qua, ngành lâm nghiệp đã tái cơ cấu mạnh mẽ kinh tế rừng. Một số địa phương miền núi, trung du đã sàng lọc và đưa vào các bộ giống cây có chất lượng cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của từng vùng để cải thiện chất lượng nguyên liệu gỗ cho chế biến đồ mộc, đảm bảo ít nhất có đường kính từ 30cm trở lên. Trước mắt, vận động khuyến khích người dân kéo dài chu kỳ trồng rừng như các nước Malaysia, Indonesia. Đại diện lãnh đạo Công ty CP Lâm đặc sản xuất khẩu Quảng Nam đề xuất, Nhà nước cần ban hành chủ trương để các ngân hàng có chính sách cho vay vốn ưu đãi, dài hạn phù hợp với yêu cầu trồng rừng (thời gian kéo dài 10 - 12 năm) để lấy gỗ nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến đồ gỗ. Bất cập là công ty này phải vay vốn ngắn hạn 9 tháng của các ngân hàng thương mại để đầu tư cho chu kỳ 7 - 10 năm trồng rừng. Điều quan trọng, Chính phủ có cơ chế thông thoáng hơn đối với phát triển rừng trồng gỗ lớn, các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm hoặc các tổ chức phi chính phủ có các loại hình bảo hiểm rủi ro thiên tai để doanh nghiệp và hộ dân trồng rừng keo gỗ lớn được tham gia nhằm tạo sự yên tâm trong đầu tư lâu dài. Được biết, đến nay chỉ có mỗi dự án trồng rừng do Ngân hàng Thế giới tài trợ cho 15.000 lượt hộ trên địa bàn các huyện Bắc Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức và Quế Sơn được vay vốn ưu đãi trồng hơn 18.596ha rừng giai đoạn 2005 - 2015.

Các địa phương miền núi bắt đầu đầu tư cánh rừng gỗ lớn, đáp ứng nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu.
Các địa phương miền núi bắt đầu đầu tư cánh rừng gỗ lớn, đáp ứng nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu.

Đề cập giải pháp đột phá tìm giống lâm nghiệp phù hợp, Viện Nghiên cứu và phát triển lâm nghiệp (Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên) cho rằng, Quảng Nam cần nhất quán chỉ đạo đưa chỉ tiêu tăng năng suất rừng trồng từ 50 lên 70m3/ha/chu kỳ 7 năm trở lên và tăng tỷ lệ sử dụng giống tốt hơn 30% trong tổng diện tích trồng rừng. Với những diện tích trồng rừng bằng vốn ngân sách nhà nước, tỉnh cần yêu cầu sử dụng 100% giống có nguồn gốc rõ ràng để trồng rừng thì mới được thanh toán. Đối với những diện tích trồng rừng do người dân tự bỏ vốn, tỉnh khuyến khích các hộ sử dụng giống có chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng vào phục vụ trồng rừng. Sở NN&PTNT cần định hướng xây dựng và phát triển các mô hình điểm về trồng rừng thâm canh sử dụng giống tốt, phù hợp với từng tiểu vùng sinh thái trên địa bàn tỉnh. Việc xây dựng mô hình trình diễn này được thông qua liên kết, hợp tác giữa các cơ quan, đơn vị nghiên cứu khoa học với chính quyền địa phương và người dân để xã hội hóa nguồn vốn trồng rừng. Cạnh đó, ưu tiên phát triển nguồn giống tại địa phương, đặc biệt khai thác sử dụng tốt các cơ sở nuôi cấy mô hiện có của tỉnh để sản xuất giống cung cấp cho tỉnh nhằm giảm giá thành và nâng cao chất lượng giống, hạn chế tối đa việc mua cây giống ngoại tỉnh, tránh ảnh hưởng đến chất lượng cây trồng trong quá trình vận chuyển.

Theo ông Lê Minh Hưng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, giải pháp căn cơ là tỉnh sẽ đẩy nhanh liên doanh, liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp và hộ gia đình trồng rừng tạo chuỗi sản xuất - kinh doanh khép kín nhằm nâng cao hiệu quả và đảm bảo sản xuất ổn định, bền vững. Theo đó xây dựng kế hoạch, chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn theo quy hoạch, Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2011 - 2020 đã được phê duyệt. “Quảng Nam cần có cơ chế tạo điều kiện thu hút đầu tư, liên kết đầu tư trồng rừng gỗ lớn, phát triển rừng bền vững gắn với cấp chứng chỉ rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC. Nhân rộng các mô hình kinh tế hợp tác trong lâm nghiệp; thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi về mặt pháp lý để nông dân, hộ gia đình góp cùng doanh nghiệp tổ chức sản xuất lâm nghiệp quy mô lớn theo mô hình “cánh đồng lớn” - ông Hưng nêu giải pháp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu ngành nông nghiệp tái cơ cấu mạnh mẽ, từng bước chuyển đổi từ trồng rừng gỗ nhỏ (nguyên liệu giấy, băm dăm) sang trồng rừng gỗ lớn, rừng được cấp chứng chỉ quốc tế FSC. Tăng cường quản lý, kiểm tra, đánh giá, giám sát chặt chẽ các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân sản xuất kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp, dược liệu trên địa bàn theo quy định. Chấm dứt tình trạng sử dụng nguồn giống kém chất lượng, không có nguồn gốc để gieo ươm và đưa vào trồng rừng...

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU