Bảo vệ rừng và động vật hoang dã tại Trung Trường Sơn: Hiệu quả nhờ liên kết
(QNO) - Ngày 20.4, tại TP.Huế, Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) tổng kết thành tựu và kinh nghiệm thực hiện chương trình bảo tồn rừng và các loài động vật hoang dã tại Trung Trường Sơn, sau 6 năm triển khai.
Quang cảnh buổi tổng kết diễn ra tại Huế. Ảnh: WWF-Vietnam |
Cùng hợp tác chặt chẽ với nhiều đối tác khác nhau, chương trình đã bảo vệ một khu vực rừng rộng 240.000ha tại Trung Trường Sơn, nơi giáp ranh giữa Lào và Việt Nam, phát hiện được nhiều loài động thực vật hoang dã, trong đó có tái phát hiện loài sao la, và thành lập được một đội ngũ bảo vệ rừng theo quy chuẩn quốc tế.
Đội bảo vệ rừng tại khu vực Trung Trường Sơn. Ảnh: WWF-Vietnam |
Dự trữ các-bon và bảo tồn đa dạng sinh học (CarBi) là dự án xuyên biên giới quy mô nhất và tham vọng nhất trong lịch sử hoạt động của WWF tại tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng. Với sự hỗ trợ của Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), CarBi được điều phối và triển khai bởi chính phủ hai nước Lào và Việt Nam, các tổ chức phát triển và các nhà tài trợ, chính quyền và cộng đồng địa phương. Dự án nhằm ngăn chặn nạn phá rừng thông qua hoạt động bảo vệ và sử dụng tài nguyên rừng một cách bền vững, đồng thời bảo tồn tính đa dạng loài độc đáo của vùng Trung Trường Sơn, một trong những hệ sinh thái có độ đa dạng sinh học phong phú bậc nhất thế giới.
Tên gọi của dự án xuất phát từ ý tưởng: phòng tránh nạn phá rừng và phục hồi các cánh rừng suy kiệt là điều cốt lõi để bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển khả năng chứa các-bon của rừng. Phá rừng làm phát sinh khí thải các-bon là một nguyên nhân chính của biến đổi khí hậu.
Gấu ngựa. (Ảnh chụp lại từ bẫy ảnh CarBi/WWF) |
Ông Fanie Bekker - Giám đốc Dự án xuyên biên giới CarBi nói: “Trong vòng 6 năm qua, chính phủ hai nước Việt Nam và Lào cùng các cộng đồng địa phương tại khu vực Trung Trường Sơn đã đạt được những thành tựu chưa từng có, bao gồm thiết lập một khu vực bảo tồn theo quy chuẩn thế giới với các đội bảo vệ rừng được đào tạo chuyên sâu; phục hồi và bảo vệ hàng nghìn héc-ta rừng; phát hiện và bảo vệ một số loài nguy cấp nhất trên hành tinh”.
Một trong những thành tựu nổi bật khác của Dự án CarBi là chương trình giám sát đa dạng sinh học sâu rộng bằng máy bẫy ảnh cảm biến nhiệt với sự hợp tác của Viện Nghiên cứu vườn thú và động thực vật hoang dã Leibniz, Đức. Một kết quả nổi bật đó là việc tái phát hiện sao la - một trong những loài động vật có vú quý hiếm nhất thế giới tại Việt Nam. Qua cuộc điều tra năm 2013, sau 15 năm không có bất cứ một ghi nhận nào về loài này ngoài tự nhiên. Các cuộc điều tra đa dạng sinh học cũng phát hiện ra một loài rắn mới và bổ sung nhiều thông tin về sự xuất hiện của các loài khác như gấu đen và thỏ vằn Trường Sơn.
Trĩ sao. (Ảnh chụp lại từ bẫy ảnh CarBi/WWF) |
Hệ thống tuần tra bảo vệ rừng do Dự án CarBi triển khai đã thực hiện hoạt động tuần tra theo quy chuẩn quốc tế và thu thập dữ liệu vô cùng hiệu quả. Hơn 100.000 bẫy thú đã bị tháo gỡ và 1.800 lán khai thác gỗ trái phép bị dỡ bỏ. Thêm vào đó, mức độ hiệu quả trong quản lý các khu bảo tồn đã tăng hơn 90%. Phát triển kinh tế dựa vào bảo tồn đem lại lợi ích cho 16.300 người dân, tạo ra 170.000 ngày công với khoản thu nhập khoảng 40 tỷ đồng. Điều này thực sự đã giúp giảm bớp áp lực lên tài nguyên rừng thông qua các giải pháp bền vững để giải quyết nạn khai thác gỗ trái phép, săn bắt trộm và các hoạt động xâm phạm khác.
Ông Nguyễn Đại Anh Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế, kiêm Giám đốc Ban Quản lý Dự án CarBi tại tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Thông qua hợp tác với CarBi, năng lực của các kiểm lâm và cán bộ các khu bảo tồn đã được nâng cao đáng kể, đặc biệt trong các kỹ năng quản lý và nghiên cứu hiện trường”. Theo ông Tuấn, việc xây dựng và duy trì mô hình đội tuần tra bảo vệ rừng, trong đó các thành viên đa phần là đồng bào dân tộc sinh sống tại vùng đệm đã chứng tỏ bảo tồn đa dạng sinh học là một phần của cộng đồng địa phương. Mô hình này đã giúp bà con nâng cao nhận thức về bảo vệ nguồn tài nguyên rừng cũng như hiểu được mối liên kết quan trọng giữa cộng đồng và môi trường sinh thái tự nhiên xung quanh họ.
Chà vá chân nâu. (Ảnh chụp lại từ bẫy ảnh CarBi/WWF) |
Với sự hợp tác của chính quyền các cấp trung ương và cấp tỉnh của hai nước Việt Nam và Lào, CarBi đã thúc đẩy hoạt động quản lý bảo vệ rừng, kiểm soát buôn bán động vật hoang dã và gỗ trái phép tại các địa phương giáp biên giới một cách hiệu quả, đảm bảo sự liên kết các dải rừng như là một hành lang đa dạng sinh học liên biên giới Việt Lào. Kết quả hoạt động này của dự án đã hỗ trợ chính phủ Lào ra quyết định tăng cường kiểm soát khai thác gỗ từ rừng tự nhiên nhằm xuất khẩu dẫn đến giảm đến 84% trong 6 tháng đầu năm 2016 xuất khẩu gỗ từ rừng tự nhiên từ Lào sang Việt Nam.
Ông Phan Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, kiêm Giám đốc Hợp phần tỉnh Quảng Nam của dự án CarBi cho biết: “Dự án đã đóng góp rất nhiều vào việc bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học hiệu quả. Các thành tựu của dự án bao gồm xây dựng năng lực và nâng cao nhận thức, thực thi pháp luật hiệu quả, điều tra đa dạng sinh học, phục hồi rừng và hỗ trợ chi trả cho dịch vụ môi trường rừng và thu hút người dân tham gia bảo tồn đa dạng sinh học góp phần nâng cao và đa dạng hoá nguồn sinh kế. Dự án CarBi đã tạo ra những động lực mới mẻ để bảo tồn đa dạng sinh học tại tỉnh Quảng Nam”.
Mang xám. (Ảnh chụp lại từ bẫy ảnh CarBi/WWF) |
Ông Keophaylin Ngonephetsy - điều phối viên Dự án Chính phủ, Sở Nông nghiệp và lâm nghiệp tỉnh Sê Kông (Lào) chia sẻ: “CarBi đã giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về giá trị đa dạng sinh học độc đáo của Khu bảo tồn quốc gia Xe Sap, đồng thời hỗ trợ Chính phủ Lào quản lý hiệu quả hơn khu bảo tồn đa dạng sinh học này. Việc thí điểm thoả thuận bảo tồn đa dạng sinh học với những cộng đồng dân cư cũng mở đường cho việc nhân rộng các hoạt động bảo tồn tại các khu vực khác của Lào”.
“Sau 6 năm, CarBi đã chứng minh được năng lực và sự quyết tâm của dự án qua những thành quả vượt bậc, có tầm ảnh hưởng không những ở trong khu vực mà còn trên thế giới. Từ việc thúc đẩy hợp tác giữa chính phủ hai quốc gia Lào và Việt Nam tại khu vực biên giới trong kiểm soát buôn bán gỗ và động vật hoang dã bất hợp pháp, cho tới tái phát hiện loài sao la khiến cả thế giới kinh ngạc; từ việc tạo ra hàng nghìn ngày công lao động cho người dân địa phương cho tới nâng cao năng lực cho các cán bộ và người dân địa phương. Chúng tôi có thể mỉm cười về kết quả của dự án” - ông Christian Haas - Giám đốc Ngân hàng Tái thiết Đức tại Hà Nội nói.
ANH VŨ