Quyết liệt bảo vệ rừng

TRẦN HỮU 14/04/2017 09:09

Qua 3 tháng đầu năm, các địa phương miền núi không còn xảy ra những vụ phá rừng nghiêm trọng nhưng tình trạng xâm hại rừng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Chính vì vậy, lực lượng kiểm lâm đang triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn chặn các hành vi xâm hại tài nguyên rừng.

Theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, sau Tết Nguyên đán đến nay, nhiều khu vực không còn xuất hiện trên “bản đồ” phá rừng ở miền núi. Tuy giảm về diện tích rừng tự nhiên bị xâm hại so với cùng kỳ năm ngoái nhưng cơ quan chức năng đã xử lý 205 vụ vi phạm lâm luật, tạm giữ gần 30 ô tô, xe máy. Tịch thu hơn 250m3 gỗ các loại, đồng thời khởi tố 6 vụ án hình sự liên quan đến phá rừng.

Lực lượng kiểm lâm dùng nước dập tắt vụ cháy rừng tại xã Duy Sơn (Duy Xuyên) xảy ra cách đây 3 năm.   Ảnh: TRẦN HỮU
Lực lượng kiểm lâm dùng nước dập tắt vụ cháy rừng tại xã Duy Sơn (Duy Xuyên) xảy ra cách đây 3 năm. Ảnh: TRẦN HỮU

Nhiều vụ xâm hại rừng

Chính sách đóng cửa rừng tự nhiên suốt thời gian dài đã “khuấy động” thị trường gỗ. Giá gỗ nguyên liệu rừng trồng tăng cao làm cho người dân thấy lợi nhuận hấp dẫn từ việc trồng rừng nên đã phá rừng, lấn chiếm đất rừng để lấy đất trồng rừng. Tại huyện Tiên Phước, tái diễn liên tục tình trạng phá rừng tự nhiên để chiếm đất trồng rừng, tập trung tại các xã Tiên Ngọc, Tiên Lãnh, Tiên Lập, Tiên Châu, Tiên Cảnh. Ngày 2.3.2017, kiểm lâm địa bàn xã Tiên Lập phát hiện vụ phá rừng trái phép tại khoảnh 4 tiểu khu 576 - xã Tiên Lập với diện tích thiệt hại 5,7ha rừng tự nhiên. UBND xã Tiên Lập lập hồ sơ, song quá trình chỉ đạo xử lý của Hạt Kiểm lâm Nam Quảng Nam chưa kịp thời. Nhiều năm nay, khu vực rừng giáp ranh giữa xã Phước Mỹ (Phước Sơn) và huyện Đăk Lei (tỉnh Kon Tum), nhất là tiểu khu 707, nạn phá sơn lâm diễn biến phức tạp. Tương tự, đường Trường Sơn Đông (đoạn qua địa phận huyện Nam Giang khu vực giáp ranh với huyện Nông Sơn), đường Hồ Chí Minh đoạn qua Bến Giằng - Nam Giang lâu nay luôn là “cung đường gỗ lậu”.

Dưới đường thủy, mà tâm điểm là trên lòng hồ thủy điện, nhiều ghe thuyền tham gia vận chuyển gỗ lậu bằng các hình thức tinh vi. Gần đây nhất là ở khu vực đập thủy điện Sông Tranh (giáp ranh giữa huyện Tiên Phước với huyện Hiệp Đức) nổi lên tình trạng vận chuyển gỗ trái phép bằng đường thủy, địa điểm tập kết thuộc địa bàn huyện Tiên Phước nhưng chưa được xử lý đến nơi đến chốn. Trạm Kiểm lâm địa bàn Nà Thao (huyện Tiên Phước) không tham gia giám sát việc khai thác vận chuyển gỗ rừng trồng trên địa bàn do trạm quản lý. Kiểm lâm địa bàn xã Trà Giác (huyện Bắc Trà My) không bám sát địa bàn, để xảy ra tình trạng khai thác gỗ trái phép vùng giáp ranh.

Ông Phan Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho rằng, một số nơi xảy ra phá rừng một mặt do kiểm lâm phụ trách địa bàn thiếu trách nhiệm, chậm phát hiện, mặt khác chưa chủ động tham mưu cho chính quyền cấp xã trong công tác quản lý bảo vệ rừng tại địa phương, điển hình như Hạt Kiểm lâm Hiệp Đức, Trung Quảng Nam (Nông Sơn), tiến độ xử lý hình sự các vụ phá rừng rất chậm, cá biệt có vụ việc xảy ra gần một năm mới tiến hành khởi tố vụ án. Quản lý nguồn gốc gỗ tại các cơ sở cưa xẻ gỗ cũng bộc lộ nhiều kẽ hở.  Đơn cử, tại khu vực thôn 8 (xã Tiên Lãnh, Tiên Phước) có 2 cơ sở gia công, chế biến lâm sản hoạt động được UBND huyện Tiên Phước cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Qua kiểm tra của lực lượng chức năng thì 2 cơ sở này đã chế biến gỗ bất hợp pháp. Tuy nhiên, Hạt Kiểm lâm Nam Quảng Nam chưa có biện pháp quản lý, xử lý triệt để sai phạm.

Quyết liệt giữ rừng

Về kế hoạch bảo vệ rừng năm 2017, ngành kiểm lâm đưa ra mục tiêu phấn đấu sẽ giảm 50% số vụ cháy rừng, ít nhất 20% số vụ vi phạm lâm luật so với năm 2016. Người đứng đầu ngành kiểm lâm tỉnh bên cạnh ghi nhận những nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ giữ rừng thời điểm sau Tết Nguyên đán đến nay, còn thẳng thắn nhận diện nhiều bất cập trong quản lý rừng, chỉ ra tồn tại, lỗ hổng trách nhiệm của kiểm lâm địa bàn.

Theo ông Tuấn, nhiệm vụ thường xuyên của đơn vị là tiếp tục xây dựng kế hoạch tăng cường kiểm tra, truy quét khai thác lâm sản, không để tái diễn các điểm nóng về phá rừng, khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép. Đặc biệt là các khu vực rừng đặc dụng, phòng hộ đầu nguồn; tăng cường kiểm tra, giám sát việc tận thu, tận dụng gỗ của các công trình có tác động đến tài nguyên rừng. Huy động toàn dân bảo vệ rừng bằng các cơ chế chính sách trồng rừng kinh doanh gỗ lớn và phát triển giống quế Trà My giai đoạn 2016 - 2020; quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030; quy hoạch phát triển cây quế Trà My trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030…

Hiện nay, chủ rừng là các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng đang đẩy nhanh tiến độ đóng mốc lâm phận; rà soát, hoàn chỉnh các công trình hạng mục trồng rừng thay thế; hoàn chỉnh nội dung bàn giao lâm phận Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh, Đăk Mi và Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh để tổ chức quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo Quyết định số 1120/QĐ-UBND ngày 5.4.2017. “Năm nay, với hàng loạt giải pháp mang tính cấp bách lẫn lâu dài, đơn vị quyết tâm giảm 50% số vụ do cháy rừng; giảm ít nhất 20% về số vụ và thiệt hại về tài nguyên rừng so với năm 2016” - ông Tuấn đưa ra chỉ tiêu.

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU