Sắp trả xong "nợ rừng"

TRẦN HỮU 10/03/2017 08:39

Trước yêu cầu của lãnh đạo tỉnh, các nhà máy thủy điện đã gấp rút trồng rừng thay thế (TRTT) và sắp trả xong “nợ rừng”.

Năm 2015, tổng diện tích rừng chuyển mục đích sang làm các công trình phải TRTT là 1.651ha, trong đó chủ yếu là diện tích chuyển sang làm thủy điện (hơn 1.408ha) nhưng tổng diện tích TRTT mới thực hiện hơn 837ha (đạt hơn 50% tổng diện tích). Năm 2014, theo kế hoạch, diện tích TRTT trên toàn tỉnh hơn 770ha, nhưng chỉ thực hiện được 23,8ha (đạt 3,4% kế hoạch). Hầu hết nhà máy thủy điện Sông Bung 2, Sông Tranh 3, Sông Tranh, Sông Kôn thời điểm này đều “nợ” trồng rừng. Các nhà máy thủy điện Geruco Sông Kôn, Tr’Hy dù phê duyệt phương án từ năm 2010 nhưng vẫn tìm mọi cách lần lữa, viện cớ gặp khó khăn về tài chính để không triển khai thực hiện TRTT gần 100ha. Giai đoạn trước đây chậm TRTT, theo lý giải của Sở NN&PTNT, thực tế ở nhiều địa phương có tình trạng trong quá trình xây dựng phương án không đề cập việc bồi thường đất và tài sản trên đất của người dân, nên khi triển khai không có nguồn kinh phí hỗ trợ người dân, ảnh hưởng đến việc thu hồi đất để TRTT. Đối với các dự án phát triển kinh tế dân sinh, trong quá trình xây dựng dự án lại không có nguồn vốn cho việc TRTT.

Các nhà máy thủy điện sắp hoàn thành chỉ tiêu trồng rừng thay thế. Ảnh: T.H
Các nhà máy thủy điện sắp hoàn thành chỉ tiêu trồng rừng thay thế. Ảnh: T.H

Một nguyên nhân khác là xảy ra tình trạng nhiều chủ dự án không chủ động trong xây dựng phương án TRTT cũng như thực hiện nộp ngân sách TRTT. Hầu hết địa phương chưa chủ động bố trí vốn để TRTT; một số dự án đã nộp tiền vào Quỹ bảo vệ - phát triển rừng của tỉnh nhưng đơn vị này còn để vốn tồn đọng, chưa chủ động tham mưu UBND tỉnh trong việc quản lý, điều phối tiền thu từ các chủ dự án để triển khai kế hoạch TRTT. Trong khi đó, một số dự án tiến hành chuyển mục đích sử dụng rừng đã lâu, dự án đã hoàn thành và chuyển giao cho đơn vị khác tiếp quản, thậm chí nhiều ban quản lý dự án đã giải thể, song không dự toán kinh phí để TRTT. Thêm vào đó quỹ đất lâm nghiệp cho TRTT tại các địa phương khá thấp, đặc biệt là sau khi Bộ NN&PTNT có yêu cầu chỉ ưu tiên TRTT trên diện tích đất trống quy hoạch rừng phòng hộ hoặc rừng đặc dụng. Nhưng diện tích được quy hoạch là “đất trống” thì phần lớn người dân lấn chiếm, sử dụng canh tác lâu năm, nếu thu hồi sẽ có khả năng xảy ra tranh chấp.

Báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho thấy, đến cuối tháng 2.2017, các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh đã TRTT hơn 1.750ha (đạt gần 97% kế hoạch). Đáng lưu ý, một số nhà máy thủy điện như Sông Kôn, Tr’Hy, Sông Tranh 2, Sông Tranh 3 đã trồng hơn 300ha, vượt hơn 102% tổng số diện tích buộc phải trồng. Thủy điện Sông Bung 4 năm 2016 đã trồng hơn 206ha rừng, kết thúc tiến độ TRTT. Ông Phan Sỹ Hùng - Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, khác với tâm lý trồng rừng chiếu lệ trước đây, bắt đầu từ năm 2015, các nhà máy thủy điện, dự án trọng điểm ở miền núi đã rất có ý thức TRTT. Họ xem đây là trách nhiệm, sự sống còn về bảo vệ môi trường. Qua kiểm tra thực tế phần lớn các doanh nghiệp đều trồng rừng đúng phương án, có sự chuẩn bị rất kỹ về diện trồng rừng, số lượng chủng loại cây trồng, vị trí, diện tích trồng… Công tác chăm sóc rừng đúng quy trình, đảm bảo tỷ lệ sống cao, đáp ứng yêu cầu đề ra.  Đối với các dự án mới hình thành, chính quyền tỉnh đã kiên quyết buộc chủ dự án khi xây dựng quy hoạch phải tính toán và xây dựng phương án TRTT. Khi phương án trồng rừng thay thế được thẩm định, phê duyệt thì dự án mới được phê duyệt, làm cơ sở để triển khai. Đối với các dự án cũ (đã được triển khai trước thời điểm 2014) cũng có những quy định của các bộ, ngành và tỉnh đã hướng dẫn cụ thể việc rà soát các danh mục phải thực hiện TRTT, xác định diện tích, giá trị TRTT của mỗi dự án.

Một số huyện miền núi chia sẻ khó khăn trong xây dựng kế hoạch, hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí, thể chế và tổ chức thực hiện, cho đến nghiệm thu, giám sát TRTT. Về tình trạng “nhập nhằng” giữa nguồn chi ngân sách và ủy thác cho TRTT, các địa phương cho rằng cần quy định rõ hơn về vai trò, quyền lợi và trách nhiệm của Quỹ bảo vệ - phát triển rừng với TRTT và chế tài xử lý đối với chủ dự án cố tình chây ỳ không hoặc chậm TRTT. Hiện nay, Sở NN&PTNT đang khuyến nghị rà soát, đánh giá hiệu quả các phương thức tổ chức TRTT; xây dựng các hướng dẫn, quy định để thống nhất tổ chức thực hiện TRTT nhằm phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan. Hỗ trợ tích cực cho việc thực hiện các mục tiêu bảo vệ diện tích rừng hiện có, nâng cao độ che phủ rừng, cải thiện chất lượng rừng.

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU