Trồng cây dưới tán rừng: Lợi ích kép
Nhiều địa phương miền núi chọn phương án thoát nghèo bằng cách trồng cây dược liệu dưới tán rừng tự nhiên.
Theo Sở NN&PTNT, đề án Khuyến khích bảo tồn và phát triển một số cây dược liệu quý trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 đã phê duyệt đưa ra mục tiêu quy hoạch bảo tồn và phát triển các loài cây như ba kích, đẳng sâm, giảo cổ lam, sa nhân, đương quy với tổng diện tích gần 7.000ha; xây dựng mô hình đầu tư, bảo tồn và phát triển cho từng loài cây từ khâu sản xuất giống đến khâu tiêu thụ sản phẩm. Các huyện như Nam Trà My, Tây Giang, Bắc Trà My hiện đã trồng hơn 1.000ha cây dược liệu các loại dưới tán rừng. Trong 3 năm (2014 - 2016), tại xã Trà Linh (Nam Trà My) có ít nhất 70 hộ đồng bào đăng ký thoát nghèo đã được Phòng NN&PTNT huyện hỗ trợ cây dược liệu giống để trồng trên diện tích 6ha dưới tán rừng. Tất cả các loại cây dược liệu được 70 hộ này trồng dưới tán rừng đều phát triển tốt. Mong muốn của bà con là được Nhà nước hỗ trợ nhiều hơn nữa cây dược liệu giống để trồng dưới tán lá rừng nhằm tạo sinh kế bền vững và hạn chế tình trạng phá rừng làm rẫy.
Giấc mơ đổi đời của đồng bào từ những vườn sâm giống như thế này. TRONG ẢNH: Vườn ươm sâm tại xã Trà Linh, Nam Trà My. Ảnh: T.N |
Còn ở huyện Tây Giang, bên cạnh các chương trình, mục tiêu cụ thể, địa phương xác định trồng cây dược liệu là hướng xóa nghèo bền vững cho đồng bào. Các ngành chức năng tăng cường hỗ trợ bà con trồng cây dược liệu theo hộ gia đình và theo nhóm hộ gia đình, huyện sẽ hỗ trợ bà con về cây giống và kỹ thuật. Mấy năm qua, Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Kôn trồng hàng trăm héc ta mây dưới tán rừng. Đơn vị này chủ động phối hợp với dự án Carbi Quảng Nam khảo sát, thiết kế đầu tư trồng cây mây dưới tán rừng trên diện tích đã giao khoán bảo vệ rừng từ chính sách dịch vụ môi trường rừng thuộc lâm phận quản lý. Thông qua mô hình trồng mây đã khuyến khích, thúc đẩy người dân nhận khoán bảo vệ rừng thường xuyên vào khu rừng họ bảo vệ để tăng cường trách nhiệm giữ rừng.
Theo thống kê, tại huyện Đông Giang có 3 xã trồng hơn 134ha cây mây dưới tán rừng, trong đó thôn 5 - xã Ba trồng gần 51ha; thôn Nà Hoa - xã Tư 30,5ha và thôn Bút Tưa - xã Sông Kôn 53,6ha. Mô hình trồng mây dưới tán rừng nhân rộng nhanh là do dự án Carbi Quảng Nam hỗ trợ 3 triệu đồng cho người dân trồng 1ha. Ngành nông nghiệp đang khuyến cáo người dân trồng các cây bản địa, cây dược liệu dưới tán rừng. Ông Huỳnh Tấn Đức - Giám đốc Sở NN&PTNT đánh giá, cùng với số tiền nhận từ dịch vụ môi trường rừng, các mô hình trồng mây, chè, cây dược liệu dưới tán rừng tự nhiên thực sự đem lại giá trị kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân miền núi. Nhiệm vụ của ngành là tiếp tục tập trung vận động nhân dân tham gia giữ rừng; các ban quản lý rừng, hạt kiểm lâm các huyện cần tiếp tục đẩy mạnh và nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả dưới tán rừng.
TRẦN NGUYỄN