Dòng sông xanh
Mấy ngày mưa lũ, Hội An chìm trong biển nước, nhưng kỳ lạ đứng trên cầu Cửa Đại nhìn dòng sông đổ ra biển vẫn thấy màu xanh ngút ngàn của cánh rừng ngập mặn.
Những năm gần đây, chính quyền TP.Hội An đã chủ trương phát triển mạnh loại hình du lịch sinh thái, du lịch sông nước làng quê. Rừng dừa Bảy Mẫu - xã Cẩm Thanh trở nên quá quen thuộc với du khách. Từ cây dừa mà người dân bản địa phát triển làng nghề truyền thống và hình thành “bãi đẻ” vùng triều cho các loài thủy sản. Rừng dừa còn là “lá chắn” sóng gió biển hiệu quả trong thời điểm thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp như hiện nay. Thời điểm này, ở ven cửa sông thuộc địa bàn xã Cẩm Thanh có hàng chục héc ta rừng ngập mặn với độ che phủ dày đặc. Hơn 3 năm qua, Trung tâm Nghiên cứu tài nguyên và môi trường thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đã phủ xanh nhiều héc ta rừng tại thôn Thanh Tam Tây, xã Cẩm Thanh, do Tổ chức Rừng ngập mặn cho tương lai tài trợ. TS. Chu Mạnh Trinh (Ban quản lý Khu bảo tồn biển Chù Lao Chàm) cho biết, vùng triều cửa sông có giá trị tài nguyên rất lớn, đó là “bãi đẻ” của các loài thủy sản trước khi di chuyển ra biển. Chính vì nhận thức “lấy rừng để phục vụ sinh kế địa phương” nên người dân bảo vệ rất nghiêm ngặt. Thông qua dự án trồng rừng, người dân đã có nhận thức đầy đủ về bảo vệ và sử dụng bền vững hệ sinh thái dừa nước, tái tạo môi trường xanh đẹp và phòng chống thiên tai hiệu quả. TS. Chu Mạnh Trinh cũng cảnh báo, nếu mất rừng dừa sẽ tác động tiêu cực đến vùng lõi, lượng phù sa chảy về hạ lưu khi lũ lớn không có rừng dừa giữ lại có nguy cơ lan ra đến biển Cù Lao Chàm, ảnh hưởng đến hệ sinh thái đáy biển, đặc biệt là rặng san hô bao quanh đảo. Do đó, phải xây dựng vành đai xanh để tăng cường chức năng vùng đệm. Phát triển du lịch và hạ tầng tuyệt đối tránh tác động thô bạo đến thiên nhiên.
Kế tiếp mô hình phủ xanh rừng ở ven sông từ Tổ chức Rừng ngập mặn cho tương lai, giai đoạn 2015-2017, Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư dự án trồng và phục hồi dừa nước ven biển Cẩm Thanh với kinh phí hơn 28 tỷ đồng. Hiện nay, vành đai rừng phòng hộ phát triển tốt, khu vực trồng được nhân dân bảo vệ, chăm sóc. Tuy nhiên, theo chính quyền xã Cẩm Thanh, thách thức nhất hiện nay là thiếu hụt về giống, thời gian trồng kéo dài do thủy triều biến động. Trong khi khai thác hải sản, bộ phận người dân đã xâm hại tới vùng dừa non. Các phương tiện vận tải đường thủy qua lại cũng gây ảnh hưởng đến sinh trưởng cây trồng. Được biết, để triển khai dự án phủ xanh 30ha rừng ngập mặn tại đây, chính quyền đã bồi thường, hỗ trợ cho hàng chục hộ bị ảnh hưởng đất đai, cây cối...
TRẦN NGUYỄN