Hướng nào cho phát triển rừng bền vững?
Các dự án phát triển ngành lâm nghiệp bền vững thời gian qua đã giúp người dân vùng cao phục hồi sinh kế, từng bước giảm nghèo bền vững. Việc điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng như thế nào để vừa bảo vệ hệ sinh thái vừa tạo quỹ đất để người dân trồng rừng vẫn đang là câu hỏi bỏ ngỏ.
Triển vọng rừng gỗ lớn
Tại các huyện Nông Sơn, Đại Lộc, Hiệp Đức..., sau hơn 10 năm trồng rừng từ dự án phục hồi và quản lý rừng bền vững (KFW6) đã bắt đầu hình thành hàng nghìn héc ta rừng sản xuất gỗ lớn. Cá biệt trước đây huyện Nông Sơn giao chỉ tiêu trồng 1.600ha, nhưng thực tế trồng hơn 1.709ha, vượt gần 110ha. Thời điểm này, các địa phương đã hoàn thành chỉ tiêu trồng rừng, lập thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp. Theo đánh giá của ngành lâm nghiệp, dự án này thực sự phục hồi rừng nghèo ở miền núi. “Lợi ích kép” của khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên ở lưu vực đầu nguồn sông là người dân vừa có thu nhập ổn định, vừa điều hòa tiểu khí hậu vùng và tăng đa dạng sinh học.
Miền núi đang nỗ lực phát triển cánh rừng gỗ lớn. Ảnh: T.H |
Đáng nói hơn, dự án KFW6 còn đóng góp vào sự ổn định trong khâu sử dụng đất lâm nghiệp lâu dài, tránh tình trạng xâm lấn đất rừng. Thực tế, ở những vùng trồng rừng chưa ổn định, thường xảy ra việc tranh chấp đất rừng dai dẳng. Hầu hết khoảnh rừng của người dân trồng đều được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ranh mốc và cơ chế hưởng lợi rõ ràng nên không có trường hợp khiếu nại xảy ra. Ông Huỳnh Tấn Đức - Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định, dự KFW6 tuy kết thúc giai đoạn đầu tư nhưng lại mở ra tầm nhìn mới, định hướng về phát triển cánh rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh. “Nếu trồng rừng mà “ăn non” thì rất lãng phí, các nhà máy chế biến nguyên liệu liên tục “làm giá” với nông dân, trong khi chu kỳ trồng rừng hơn 10 năm trở lên mới thu hoạch hiệu quả kinh tế cao, khai thác được hiệu quả sử dụng đất” - ông Đức khẳng định.
Hiện nay, Ngân hàng Thế giới cùng Tổng cục Lâm nghiệp giúp các địa phương miền núi áp dụng tài chính ưu đãi cho các mô hình sản xuất lâm nghiệp, giúp người dân vay vốn ngân hàng để trồng rừng gỗ lớn và nâng cao sinh kế nông thôn. Đẩy nhanh tiến độ cắm mốc ngoài thực địa 3 loại rừng (rừng đặc dụng, phòng hộ và sản xuất); phân loại đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngoài ra, đưa vào áp dụng cơ chế cấp vốn và hỗ trợ kỹ thuật cho cộng đồng và hộ nông dân; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế ngành lâm nghiệp nhằm giúp doanh nghiệp mua gỗ theo giá thị trường từ các hộ gia đình đầu tư vào trồng rừng.
Chuyển đổi, quy hoạch rừng
Sở NN&PTNT đang tái cấu trúc toàn diện ngành lâm nghiệp, trong đó đang trồng thử nghiệm những loài cây có giá trị kinh tế có thể kết hợp canh tác dưới tán rừng hoặc những loại cây ngắn ngày trồng xen trong giai đoạn vườn rừng chưa khép tán như các loại cây dược liệu. Nhân rộng mô hình nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng; xem xét tăng phí để tăng thêm mức thu nhập cho người dân quản lý, bảo vệ rừng; đầu tư, quy hoạch và xây dựng hệ thống đường giao thông để thuận lợi cho việc vận chuyển lâm sản sau khai thác từ rừng trồng, giảm chi phí cho vận chuyển. Ông Lê Minh Hưng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, hiện nay, UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư kinh doanh phát triển rừng; ưu tiên hỗ trợ nghiên cứu phát triển về giống cây trồng; quy hoạch khu vực chế biến gỗ, lâm sản ngoài gỗ và các làng nghề thủ công mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Mở rộng diện tích rừng sản xuất đạt chứng chỉ quốc tế. Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My khẳng định, vùng cao muốn giảm nghèo bền vững không có sự lựa chọn nào tốt hơn là Nhà nước cần có chính sách khuyến lâm mạnh mẽ hơn, đầu tư và hỗ trợ nguồn lực giúp đồng bào mở rộng diện tích trồng cây dược liệu dưới tán rừng theo đề án của địa phương.
Ở Quảng Nam, việc quy hoạch 3 loại rừng có khoa học và phù hợp hay không đến nay vẫn còn là mối băn khoăn. Thực tế thì đã có hàng nghìn héc ta rừng phòng hộ đã bị người dân lén lút xâm lấn trái phép rồi chuyển thành rừng sản xuất. Trước đây, chính quyền địa phương từng đề xuất cắt giảm diện tích quy hoạch cho Khu bảo tồn voi Nông Sơn bàn giao cho dân sản xuất, nhưng nhiều năm vẫn chưa thực hiện do chậm điều chỉnh quy hoạch chi tiết 3 loại rừng. Vừa qua Bộ NN&PTNT đề xuất giao 1,1 triệu héc ta quy hoạch rừng phòng hộ nhưng nghèo kiệt, không xung yếu và chưa có rừng về cho người dân sản xuất.
Theo TS.Nguyễn Văn Hà - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), ở nước ta phân chia làm 3 loại đất rừng chỉ mang tính tương đối, bởi nếu căn cứ theo cách phân chia của thế giới thì chỉ cần có 2 loại phòng hộ và sản xuất. Nếu cắt giảm chia cho người dân thâm canh, thì ngoài giảm chi phí đầu tư, bảo vệ, mỗi năm có hơn 10 nghìn tỷ đồng để phát triển lâm nghiệp hiệu quả hơn. “Điều quan trọng khi chuyển đổi phải có quy hoạch, cái nào chuyển đổi không ảnh hưởng đến tác động môi trường, vẫn giữ được nguồn nước thì cho chuyển đổi và khi chuyển đổi thì diện tích chuyển đổi phải thực sự phục vụ sản xuất cho người dân, giúp họ sinh sống. Quy hoạch khu vực được phép chuyển đổi tập trung chủ yếu khu vực rừng phòng hộ ít xung yếu. Đặc biệt, kiểm soát chặt chẽ, tránh việc tạo ra các kẽ hở nhằm lợi dụng vào chủ trương đúng để phá rừng” - ông Hà phân tích. Còn GS-TSKH.Nguyễn Ngọc Lung - Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng tự nhiên Việt Nam, chuyển đổi hay không hoàn toàn phụ thuộc vào sự đa dạng từ các góc nhìn kinh tế, môi trường. Về nguyên tắc phải trả lời cho được câu hỏi chuyển đổi ở đâu, lô khoảnh nào, đồng thời phải có phương án phê duyệt cụ thể.
TRẦN HỮU