Nhân rộng màu xanh dưới tán rừng
Ngoài mục đích phát triển sinh kế bền vững, các mô hình trồng cây dưới tán rừng còn giúp làm giàu đa dạng hệ sinh thái.
Trồng cây sâm Ngọc Linh dưới tán rừng ở xã Trà Linh (Nam Trà My). |
Từ năm 2015 đến nay, Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Kôn chú trọng giải quyết sinh kế cho cộng đồng địa phương trong lâm phận được giao bảo vệ. Điển hình, đơn vị này chủ động phối hợp dự án Carbi Quảng Nam khảo sát, thiết kế đầu tư trồng cây mây dưới tán rừng vào diện tích đã giao khoán bảo vệ rừng (BVR) từ chính sách dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) thuộc lâm phận quản lý. Thông qua mô hình trồng mây đã khuyến khích, thúc đẩy người dân nhận khoán BVR thường xuyên vào khu rừng họ bảo vệ để tăng cường trách nhiệm giữ rừng. Theo ông Hồ Văn Minh - Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Kôn, theo kế hoạch tại huyện Đông Giang có 3 xã trồng hơn 134ha cây mây dưới tán rừng (trong đó, thôn 5 - xã Ba trồng gần 51ha; thôn Nà Hoa - xã Tư 30,5ha và thôn Bút Tưa - xã Sông Kôn 53,6ha). Thời điểm này đã trồng được 95ha và dự kiến đến tháng 8.2016 sẽ hoàn thành kế hoạch trồng hơn 134ha. “Năm 2016, Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Kôn tiếp tục vận động các thôn khác tham gia trồng hơn 100ha mây dưới tán rừng nhằm cải thiện thu nhập cho bà con, đồng thời phát huy hiệu quả của công tác BVR. Thời gian qua, tình hình khai thác gỗ, xâm lấn rừng trái phép trên địa bàn đã giảm đi rất nhiều” - ông Minh cho biết. Theo tìm hiểu của chúng tôi, mô hình trồng mây dưới tán rừng nhân rộng nhanh là do dự án Carbi Quảng Nam hỗ trợ 3 triệu đồng cho người dân trồng 1ha.
Ngành nông nghiệp hiện khuyến khích người dân trồng các cây bản địa, cây dược liệu dưới tán rừng. Ông Huỳnh Tấn Đức - Giám đốc Sở NN&PTNT đánh giá, cùng với số tiền nhận từ DVMTR các mô hình trồng mây, chè, cây dược liệu dưới tán rừng tự nhiên thực sự đem lại giá trị kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân miền núi. Việc giao khoán BVR đến nhóm hộ đã đem lại hiệu quả giữ rừng. Đặc biệt các nhóm hộ đã xây dựng được quy chế hoạt động, phân chia thành các tổ để thay phiên đi tuần tra, có bảng chấm công và ghi chép vào nhật ký khi đi tuần tra. Tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện chính sách DVMTR cuối tuần qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh lưu ý, ngành nông nghiệp phải tạo điều kiện tốt nhất để người dân có thể sống được với nghề rừng, tiếp tục tập trung vận động nhân dân tham gia giữ rừng; các ban quản lý rừng, hạt kiểm lâm các huyện cần tiếp tục đẩy mạnh và nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả dưới tán rừng.
TRẦN NGUYỄN