Lợi - hại cây cao su

Thực hiện chuyên đề: HỮU PHÚC 07/08/2016 06:37

Cây cao su thời vang bóng đã làm đổi thay miền núi Quảng Nam. Vì khát khao giảm nghèo nhanh nên “vàng trắng” được chính quyền chủ trương khuyến khích phát triển, dành cơ chế hỗ trợ đặc biệt. Thế nhưng, sau các cơn bão càn quét và giá mủ tụt dốc trong thời gian dài khiến người dân và một số địa phương bừng tỉnh, cân nhắc lợi - hại, được - mất trong đầu tư cây cao su.

Hai tháng nay, đã xuất hiện tín hiệu lạc quan khi thị trường cao su bắt đầu phục hồi, lóe lên niềm hy vọng cho doanh nghiệp lẫn người trồng. Tuy nhiên, định hướng phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh như thế nào đang là bài toán khó bởi vẫn nằm trong cái “vòng xoáy” khó đoán định của thị trường.

Khai thác mủ cao su ở xã Quế Lưu (Hiệp Đức). Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Khai thác mủ cao su ở xã Quế Lưu (Hiệp Đức). Ảnh: PHƯƠNG THẢO

"BỎ THÌ THƯƠNG, VƯƠNG THÌ NỢ"

Sau những thiệt hại nặng nề vì gió bão và giá mủ liên tục “tụt dốc không phanh”, hơn 3 năm qua hầu như người dân không mở rộng diện tích trồng cây cao su tiểu điền, cá biệt có tình trạng chặt bỏ để thay thế một số cây trồng khác.

Vận động dân giữ vườn cao su

Mặc dù kỳ họp cuối năm nay mới đem ra “mổ xẻ” cây cao su, nhưng tại Kỳ họp lần thứ 2, HĐND tỉnh khóa IX diễn ra vừa qua, loại cây này đã thu hút sự quan tâm của nhiều địa phương. Theo phản ánh của các huyện Hiệp Đức, Phước Sơn, Bắc Trà My, nông dân hiện nay hoang mang không biết phá cao su để trồng cây khác hay giữ lại chờ giá mủ phục hồi. Sự chờ đợi này kéo dài đằng đẵng 3 năm qua. Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức Nguyễn Văn Tỉnh cho biết, cả huyện có hơn 1.000ha cao su tiểu điền đã thu hoạch nhưng giá mủ quá thấp khiến người trồng gặp rất nhiều khó khăn. Chính quyền luôn tuyên truyền, vận động bà con giữ lại diện tích cây cao su tiểu điền, và cũng kiến nghị HĐND tỉnh cần có cơ chế hỗ trợ cho người dân giữ diện tích đã trồng.

Do giá mủ thấp, nhiều diện tích cao su đến kỳ thu hoạch nhưng nông dân Hiệp Đức không lấy mủ.Ảnh: HỮU PHÚC
Do giá mủ thấp, nhiều diện tích cao su đến kỳ thu hoạch nhưng nông dân Hiệp Đức không lấy mủ.Ảnh: HỮU PHÚC

Cuối tháng 7.2016, trở lại “cái nôi” cao su tiểu điền ở xã Quế Lưu (Hiệp Đức), chúng tôi ghi nhận người dân không còn mặn mà với loại cây này. Bà Đỗ Thị Lan (thôn 3, xã Quế Lưu) hơn 5 năm trước phấn khởi nhận tiền hỗ trợ của huyện khi trồng 1,3ha cây cao su tiểu điền. Cây cao su đang sinh trưởng, phát triển rất tốt nhưng gia đình bà bắt buộc phải chặt bỏ hoàn toàn để trồng keo nguyên liệu. “Mấy năm liền thị trường cao su ảm đạm, với giá bèo bọt như hiện nay thì người dân bị lỗ nặng nếu tiếp tục bỏ tiền thuê nhân công chăm sóc, bón phân, khai thác. Cho nên, tôi quyết định chặt bỏ hết để trồng keo ăn ít mà chắc hơn” - bà Lan nói.  Tương tự, hộ ông Nguyễn Hữu Tám (thôn 3, xã Quế Lưu) thâm canh 3ha cao su nhưng đành phải phá bỏ hơn 0,5ha. Theo ông, chi phí đầu tư cho loại cây này không hề nhỏ, đòi hỏi kỹ thuật cao, nếu tiếp tục giữ hết lại thì sẽ không biết sẽ duy trì được bao lâu nên buộc chặt bỏ một phần diện tích để trồng cây khác đem hiệu quả kinh tế ngắn ngày.

Ông Trần Ngọc Minh - Chủ tịch HĐND xã Quế Lưu cho biết, toàn xã có 248 hộ trồng 337ha cây cao su tiểu điền. Trong đó, có 43ha đang giai đoạn cạo mủ. Nhiều diện tích thời kỳ thu hoạch mủ nhưng người dân bỏ không vì nếu khai thác thì chỉ có huề vốn hoặc lỗ. “Tại địa phương, có tình trạng người dân chặt bỏ toàn bộ cây cao su. Riêng  những trường hợp chặt bỏ nếu phát hiện sớm thì chính quyền đến vận động nên giữ lại diện tích chờ giá tăng trở lại. Tuy nhiên, người trồng mới quyết định chặt hay giữ lại vườn cây, chứ chính quyền không có quyền can thiệp mà chỉ bằng hình thức vận động là chính” - ông Minh xác nhận.

Chờ “hâm nóng” giá

Gần như “đuối sức” vì phải kiên nhẫn chờ cây cao su lên giá, ông Đỗ Đình Phụng (thôn 2, xã Quế Lưu) chia sẻ: “Lúc đầu trồng cao su, tôi không nghĩ đến viễn cảnh thê thảm như ngày hôm nay. Đứt ruột lắm tôi mới tự tay phá bỏ vườn cao su tâm huyết bao nhiêu năm gầy dựng. Nếu không chuyển đổi cây trồng khác, số tiền lãi vay ngân hàng để đầu tư trồng cao su ngày càng lớn, trong khi đó gia đình cũng không thể cạo mủ vào thời gian này được. Bất đắc dĩ mình mới chặt bỏ ít diện tích để thâm canh cây trồng khác”. Nhiều nông dân khác than vắn thở dài, để giữ vườn cao su họ phải xoay xở mọi thứ, kể cả bán gia súc, gia cầm để trả lãi ngân hàng do trước đây vay tiền đầu tư. Nguyện vọng của người dân là mong muốn chính quyền và ngành chức năng hỗ trợ kịp thời để họ an tâm giữ lại vườn cây. Thời điểm giá mủ cao su xuống dưới 6.000 đồng/kg mủ tươi, bà con hầu như bỏ bê, không tổ chức khai thác mủ. Hơn 1.000 hộ trồng cao su tiểu điền ở huyện Hiệp Đức đang rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan trong giấc mơ “vàng trắng”.

Tuy chưa phát đi thông điệp rõ ràng, nhưng thời gian qua ngành nông nghiệp tỉnh đã khuyến khích, vận động người dân không nên quay lưng, chặt bỏ cao su trong lúc này. Người trồng cao su cả tiều điền lẫn doanh nghiệp trồng đại điền đều cắt giảm nhiều khoản chi phí, chăm sóc, chờ giá mủ “hâm nóng” trở lại mới gấp rút đầu tư. Tại huyện Thăng Bình, hơn 1.000ha đất nằm trong quy hoạch rừng sản xuất có hiện trạng rừng trồng và đất chưa có rừng tính toán phủ xanh cao su, nhưng đến nay chỉ mới thực hiện 143,5ha. Hơn 3 năm nay, cao su tiểu điền của huyện hầu như giẫm chân tại chỗ. Trong khi đó, các doanh nghiệp trồng cao su thì vẫn không từ bỏ mục tiêu mở rộng diện tích và nâng cao năng suất mủ, chờ thời cơ thị trường tăng giá mủ sẽ điều chỉnh chiến lược sản xuất, kinh doanh.

LẤY NGẮN NUÔI DÀI

Trong khi chờ cây cao su vượt qua cơn ngặt nghèo, một số địa phương đã thử nghiệm trồng các loại cây kinh tế, dược liệu xen kẽ nhằm thực hiện mục đích lấy ngắn nuôi dài.

Giá mủ cao su bắt đầu ấm lên từ 2 tháng nay.Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Giá mủ cao su bắt đầu ấm lên từ 2 tháng nay. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Suốt 4 năm trời không lối thoát, giờ thị trường cao su đã vượt đến ngưỡng gần 32 triệu đồng/tấn. Đây là thông tin vui với doanh nghiệp và người trồng cao su tiểu điền, nó được xem như “chiếc phao cứu sinh”. Với giá cả này, người trồng vẫn có thể lãi nhẹ. Nhiều người lạc quan còn cho rằng, nếu không may giá lại xuống thấp, thì không phải hết cách để cứu cây cao su. Đã có một số mô hình sản xuất dưới tán cây cao su hứa hẹn đem lại hiệu quả kinh tế khả quan. Ông Huỳnh Ngọc Thiệu - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My cho biết, đã có ít nhất 70 hộ tham gia trồng 86ha cao su tiểu điền ở các xã Trà Ka, Trà Nú, Trà Tân đang triển khai trồng xen canh cây sa nhân. Đây là loại cây thuốc nam nhưng cho giá trị kinh tế cao. Thâm canh dưới tán rừng cao su không cần đầu tư nhiều vốn, công nghệ và có đầu ra khá ổn định nên chính quyền địa phương đang nghiên cứu, khuyến khích nhân rộng mô hình này. Đến năm 2018, huyện Bắc Trà My mới bắt đầu khai mủ cao su. Địa phương vẫn chủ trương mở rộng diện tích cao su tiểu điền. Về việc người dân góp đất liên kết làm ăn lâu dài với doanh nghiệp trồng cây cao su, ông Thiệu cho rằng, mới đây chính quyền đứng ra làm “trọng tài” giải quyết những vướng mắc của người dân. Trước mắt, đề nghị Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam thỏa thuận, nâng mức tiền chăm sóc vườn cây cao su, giải quyết công lao động thường xuyên cho người dân sở tại.

Thời gian qua, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam hợp tác với các tổ chức, cá nhân trồng xen cây dưới tán rừng cao su, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, góp phần giảm suất đầu tư, tăng doanh thu và lợi nhuận cho doanh nghiệp, cải thiện thu nhập cho người lao động. Phương châm của các doanh nghiệp trồng cao su là nếu giá thấp thì sẵn sàng cắt giảm chi phí đầu tư, chăm sóc vườn cao su, chờ tăng giá sẽ điều chỉnh trở lại, chứ hoàn toàn không ngưng trệ sản xuất, kinh doanh. Đến nay, Công ty TNHH MTV Cao su Nam Giang trồng 4.571ha cây cao su ở các huyện Nam Giang, Tây Giang, Bắc Trà My và Phước Sơn, trong đó đưa vào khai thác 347ha. Chủ trương của doanh nghiệp này là tiếp tục mở rộng diện tích, đến năm 2020 trồng mới 2.000ha cao su, đưa vào khai thác 2.550ha; sản lượng khai thác đạt 4.300 tấn; xây dựng 3 nhà máy chế biến mủ công suất 8.000 tấn/năm. Công ty TNHH MTV Cao su Nam Giang thực hiện 2 hình thức thuê đất trồng cây. Đó là, thuê đất 50 năm do UBND xã quản lý và 25 năm đất do người dân sản xuất theo truyền thống du canh du cư.

Tại xã Bình Lãnh (Thăng Bình), vườn cao su kiến thiết cơ bản đang trồng xen các loại cây dược liệu như sâm ba kích, cà gai leo, đinh lăng, sả...  Các loại cây này không chỉ cải thiện nguồn thu nhập mà giảm đáng kể công làm cỏ vườn cao su. Hiện Công ty CP Daphaco tại Đà Nẵng, Công ty CP Traphaco và một số bệnh viện y học dân tộc nhận tiêu thụ sản phẩm dược liệu cho công ty. Các Nông trường Cao su Hiệp Đức, Trà Nô... lên kế hoạch mở rộng quy mô trồng các loại cây dược liệu trong các vườn cây cao su. Ngoài cây cà gai leo, các tổ sản xuất cao su tại Hiệp Đức đã trồng thêm cây sâm ba kích. Các vườn cao su từ 1 đến năm 5 tuổi cũng triển khai trồng một số cây dược liệu.

Theo Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam, thời gian đến đơn vị sẽ nhân rộng mô hình trồng xen và phát triển mạnh cây dược liệu dưới tán rừng cao su. Hiện nay, với diện tích cao su trồng mới ở Nam Giang, Bắc Trà My, Hiệp Đức, nhiều hộ nông dân đã chọn hình thức trồng xen canh để bảo đảm nguồn thu cho gia đình. Để cây cao su không bị đốn hạ, nhiều hộ nông dân còn tìm cách xây dựng các mô hình chăn nuôi bò, gà. Tuy nhiên, hiện nay nông dân vẫn nuôi trồng một cách rất tự phát, thiếu định hướng và hỗ trợ thiết thực từ chính quyền và các cơ quan chuyên môn. Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My Huỳnh Ngọc Thiệu đề xuất, để “lấy ngắn nuôi dài”, người trồng cây cao su tiểu điền kết hợp trồng xen các loại cây dược liệu khác rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước và hướng dẫn kỹ thuật của doanh nghiệp trồng cao su, bởi lẽ mục tiêu cuối cùng là phát huy hiệu quả kinh tế đồng bộ của các loại cây dược liệu lẫn công nghiệp.

THU HẸP HAY MỞ RỘNG?

Thời điểm này, tuy thị trường giá mủ cao su có dấu hiệu “ấm lên” nhưng nhà quản lý, cơ quan chuyên môn cũng rất dè dặt trong quy hoạch vùng trồng.

Tuy giá mủ xuống thấp, nhưng một số huyện miền núi vẫn chủ trương mở rộng cao su tiểu điền.
Tuy giá mủ xuống thấp, nhưng một số huyện miền núi vẫn chủ trương mở rộng cao su tiểu điền.

Còn phụ thuộc thị trường

Tính riêng tại huyện Hiệp Đức, bằng cơ chế ưu đãi đặc biệt, ngân sách địa phương đã hỗ trợ hơn 4,3 tỷ đồng cho 12/12 xã, thị trấn phủ xanh cao su tiểu điền với diện tích hơn 1.000ha. Trong số này, hiện chỉ có gần 170ha đưa vào khai thác mủ. Ông Huỳnh Đức Viên - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hiệp Đức quả quyết, dù thị trường mủ cao su biến động suốt thời gian dài, nhưng định hướng của địa phương là ổn định diện tích cao su hiện có, vận động nhân dân chăm sóc, bón phân đầy đủ cho cây. Thêm vào đó, tiếp tục mở rộng diện tích cao su tiểu điền ở những nơi có điều kiện thuận lợi. Đồng quan điểm, ông Huỳnh Ngọc Thiệu -  Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My khẳng định, với giá mủ gần 32 triệu đồng/tấn như hiện nay người trồng dần lấy lại niềm tin. Quan điểm của địa phương là tiếp tục mở rộng diện tích cao su tiểu điền, trồng xen canh cây sa nhân dưới tán rừng. Các hình thức nông dân góp đất hợp tác với doanh nghiệp đầu tư cũng cần quy định, thỏa thuận chặt chẽ, tránh tình trạng khiếu nại không đáng có đã xảy ra như thời gian qua.

 “Người trồng cao su tiểu điền mong muốn Nhà nước hỗ trợ để vượt qua giai đoạn khủng hoảng về giá mủ. Cho nên, cần thiết HĐND tỉnh ra cơ chế hỗ trợ cho người dân giữ lại vườn cây cao su đã trồng
(Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức Nguyễn Văn Tỉnh)

Về việc sẽ thu hẹp hay mở rộng diện tích trồng cao su, ông Huỳnh Tấn Đức - Giám đốc Sở NN&PTNT bảo rằng, phải chờ đợi đến kỳ họp HĐND tỉnh cuối tháng 12 năm nay mới có thể trả lời được. Tuy nhiên, ông Đức đưa ra quan điểm cá nhân là quy hoạch diện tích trồng cao su như đã phê duyệt là vừa, không cần thiết mở rộng. Việc điều chỉnh diện tích tăng hay giảm còn phụ thuộc vào thị trường, định hướng quy hoạch, tổ chức sản xuất, tiêu thụ.

Thực tế việc trồng các cánh rừng gỗ lớn lợi ích kinh tế đem lại không thua gì cây cao su. Vậy, ngành nông nghiệp căn cứ vào đâu để đưa ra con số, tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh quy hoạch diện tích trồng cao su? Trả lời câu hỏi này, ông Đức nói, hiện nay UBND tỉnh đã giao cho đơn vị rà soát, đánh giá lại nhiều mặt của phát triển cao su để có giải pháp căn cơ. Đến thời điểm này, bản thân ông chưa tiếp cận một văn bản nhà nước nào về khuyến cáo người dân phát triển cao su tiểu điền. “Tăng hay giảm diện tích cao su còn phải phụ thuộc vào yếu tố thị trường, tổ chức sản xuất tiêu thụ, định hướng quy hoạch. Đầu ra sản phẩm ổn định như thế nào thì thuộc trách nhiệm của Sở Công Thương. Cho dù hiện nay giá cả có nhích lên nhưng tôi vẫn ủng hộ tinh thần không vội vã trồng cao su” - ông Đức nêu quan điểm.

Không nên mở rộng diện tích

Theo nhận định của Hiệp hội Cao su Việt Nam, giá mủ sẽ tăng nhẹ quý 3 năm 2016 khi mà sản lượng cao su tồn kho thế giới không còn nhiều và ngành công nghiệp xe hơi Trung Quốc dự báo sẽ phát triển sau một thời gian dài “đóng băng”.

Còn Ngân hàng Thế giới phân tích, giá mủ cao su thiên nhiên sẽ phục hồi ổn định đến năm 2025. Giá mủ RRS3 năm 2015 chạm đáy ở mức 1,5 USD/kg và dần phục hồi năm 2016 với mức giá bình quân 1,54 USD/kg, đến năm 2025 là 2,09 USD/kg.

Ngân hàng Thế giới  cũng nhận định, giá cao su sẽ dần “ấm” nhờ nguồn cung giảm dần từ chính sách kìm hãm sản lượng của các nước trồng cao su ở Đông Nam Á và Ấn Độ. Hiện khu vực này chiếm 92% sản lượng cao su thiên nhiên (Việt Nam năm 2015 là 11%). Năm 2015, hiện tượng El Nino hoành hành, hạn hán xảy ra khốc liệt làm năng suất, sản lượng mủ khai thác giảm đáng kể.

Cây cao su đã “bén rễ” trên vùng đất Quảng Nam gần 20 năm nay, với những lợi - hại, được - mất lẫn lộn. Ngoài giá trị kinh tế đem lại, phát triển cây cao su ở miền núi cũng để lại hệ lụy và đánh đổi nhiều thứ. Cho nên, muốn không lặp lại sai lầm, các nhà quy hoạch phải tham khảo, lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học để có định hướng, phát triển bền vững cao su. Người dân cũng cần thận trọng trong đầu tư, chỉ nên chặt bỏ những vườn cây lớn tuổi hoặc vườn cây mang mầm bệnh, không phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết và cho năng suất thấp.

Tại cuộc hội thảo về phát triển cây cao su bền vững tại miền núi Quảng Nam do Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Quảng Nam và Thừa Thiên Huế phối hợp với Liên minh Đất rừng (mạng lưới kết nối các tổ chức và cá nhân ở Việt Nam), tổ chức hồi cuối năm năm 2015 đã khuyến cáo, trong ngắn hạn, Quảng Nam không nên mở rộng diện tích nhưng năng suất cần được tăng lên để đảm bảo lợi nhuận cho người trồng cao su và khuyến khích đa dạng hóa nguồn thu nhập bằng cách trồng xen canh hoặc chăn nuôi.

Liên minh Đất rừng còn cảnh báo, chuyển đổi đất rừng sang trồng cây công nghiệp cao su ở Quảng Nam cũng như cả nước là một trong 5 nguyên nhân gây mất rừng tự nhiên. Trong một báo cáo của Bộ NN&PTNT cũng chỉ ra, 79% diện tích trồng cao su từ đất rừng tự nhiên, không phải toàn bộ diện tích này đều là rừng nghèo. Nghịch lý dần hé lộ, ở một số nơi có tình trạng đất rừng không ngừng được mở rộng để trồng cao su trong khi người dân lại thiếu đất canh tác hoặc bỏ hoang cao su.

Thực hiện chuyên đề: HỮU PHÚC

Thực hiện chuyên đề: HỮU PHÚC