Gia tăng hành vi xâm hại rừng

TRẦN HỮU 08/07/2016 09:31

Tình trạng người dân ồ ạt vào rừng tự nhiên để triệt hạ gỗ quý, mở rộng vùng canh tác, lấn chiếm rừng… gần đây có dấu hiệu bùng phát trở lại ở các huyện miền núi.

Xâm lấn đất rừng

Không có những vụ phá rừng “đình đám”, nhưng thời gian qua ở miền núi lại dai dẳng “điệp khúc” phá rừng phòng hộ để trồng rừng sản xuất. Nóng nhất là ở tiểu khu 688 (thuộc thôn 8, xã Phước Hiệp, Phước Sơn). Sau khi báo chí phản ánh, lực lượng chức năng huyện Phước Sơn khẩn trương vào cuộc và xác định tại các khoảnh 8, 9 của tiểu khu này diện tích rừng trồng bị phá trái phép gần 17ha. Đây là khu vực được quy hoạch phần lớn diện tích cho rừng phòng hộ. Bước đầu điều tra phát hiện 13 đối tượng có liên quan gồm Hồ Văn Bước, Hồ Văn Em, Hồ Văn Eo, Hồ Văn Hoàn, Hồ Văn Hầu, Hồ Văn Men, Hồ Văn Pham, Hồ Thị Nu, Nguyễn Xuân Thành, Hồ Văn Bằng, Hồ Văn Chiến, Hồ Văn Chuẩn và Nguyễn Xuân Cang (cùng có hộ khẩu thường trú tại xã Phước Hiệp). Hiện trạng rừng đang trồng các loại cây sao đen, quế theo các dự án 327, chương trình 661 nhưng kém hiệu quả. Kiểm tra đo đếm thực tế lâm sản thiệt hại bình quân 15m3/ha (gỗ nhỏ có đường kính từ 20 - 25cm). Theo chính quyền xã Phước Hiệp, tình trạng xâm hại rừng xảy ra trong thời gian dài, địa bàn nằm ở vùng giáp ranh với xã Hiệp Hòa (Hiệp Đức) xa xôi cách trở nên việc truy quét, phát hiện và đấu tranh không dễ dàng.

Phá rừng tự nhiên để xâm lấn, mở rộng rừng trồng trở nên dai dẳng ở các huyện miền núi, trung du. TRONG ẢNH: Hiện trường hủy hoại rừng tại khu vực đầu nguồn lòng hồ Đông Tiển, xã Bình Trị (Thăng Bình) cách đây hơn 3 năm. Ảnh: T.H
Phá rừng tự nhiên để xâm lấn, mở rộng rừng trồng trở nên dai dẳng ở các huyện miền núi, trung du. TRONG ẢNH: Hiện trường hủy hoại rừng tại khu vực đầu nguồn lòng hồ Đông Tiển, xã Bình Trị (Thăng Bình) cách đây hơn 3 năm. Ảnh: T.H

Lợi dụng thi công tuyến đường Trường Sơn Đông qua 2 huyện Hiệp Đức và Nông Sơn, có đơn vị còn tác động đến hiện trạng rừng. Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, thời gian qua, Ban quản lý dự án 46 (thuộc Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam) làm chủ đầu tư, các đơn vị thi công là Công ty 789, Công ty Xây dựng Yên Lạc đã san ủi đường tại khoảnh 1, 2, 6, 8, tiểu khu 460 (Nông Sơn) và khoảnh 8, tiểu khu 529 (Hiệp Đức). Mặc dù chưa được phép chuyển mục đích sử dụng rừng nhưng các đơn vị trên đã ngang nhiên thi công gây thiệt hại gần 2,3ha rừng trạng thái Ic, được quy hoạch cho chức năng sản xuất và đặc dụng, trong đó địa bàn huyện Hiệp Đức 4.900m2, huyện Nông Sơn 18.000m2.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, 6 tháng đầu năm lực lượng chức năng khởi tố 15 vụ án hình sự liên quan phá rừng; tạm giữ hơn 100 ô tô, xe máy và tịch thu hơn 1.000m3 gỗ các loại. Số vụ tuy giảm nhưng hình thức hủy hoại rừng càng tinh vi hơn. Trên các lòng hồ thủy điện, nhất là thủy điện Sông Bung 4,  phương tiện hoạt động trái phép vẫn chưa được giải quyết triệt để. Các “điểm nóng” như Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, rừng phòng hộ Phú Ninh, rừng phòng hộ Sông Tranh (Nam Trà My) vẫn chưa có dấu hiệu chuyển biến tích cực.

“Điểm nóng” vùng giáp ranh

Sắp xếp lại bộ máy quản lý, bảo vệ rừng
Về giải pháp thực thi công tác bảo vệ rừng, Sở NN&PTNT đang sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Theo đó, ở các huyện đồng bằng và miền núi, ngoài diện tích đã giao cho các ban quản lý rừng nếu còn lại ít thì không duy trì mô hình hạt kiểm lâm huyện, mà thành lập các hạt kiểm lâm liên huyện. Trước mắt thành lập mới các Hạt Kiểm lâm liên huyện gồm: Núi Thành - Phú Ninh - Tam Kỳ - Tiên Phước, Hội An - Điện Bàn - Đại Lộc, Nông Sơn - Quế Sơn - Duy Xuyên - Thăng Bình. Riêng đối với các hạt kiểm lâm huyện, liên huyện miền núi, sắp xếp sau khi hoàn thành công tác kiểm kê rừng trên địa bàn tỉnh vào đầu năm 2017. Đối với các ban quản lý rừng phòng hộ thuộc Sở NN&PTNT như A Vương, Đăk Mi, Sông Kôn, Sông Tranh thì sắp xếp về trực thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh để thực hiện thống nhất một đầu mối quản lý lâm nghiệp và nhất thể hóa hạt trưởng kiêm giám đốc ban quản lý rừng.

Tuy đã có quy chế phối hợp giữ rừng của cơ quan kiểm lâm các địa phương, nhưng vùng giáp ranh Phú Ninh - Núi Thành - Bắc Trà My luôn dẫn đầu về số vụ xâm canh lấn rừng. Điển hình là vụ phá rừng tại tiểu khu 590 với diện tích 7,9ha; tại tiểu khu 591 với diện tích 1,9ha mà Hạt Kiểm lâm Phú Ninh đang điều tra xử lý vi phạm. Tương tự tại khoảnh 4, tiểu khu 609 (xã Tam Trà, Núi Thành), ngày 2.6 vừa qua, Hạt Kiểm lâm huyện Núi Thành đã khởi tố vụ án hủy hoại 1,3ha rừng có chức năng phòng hộ. Theo Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Trà My, đã khoanh vùng được khu vực giáp ranh phá rừng giữa xã Trà Sơn (Bắc Trà My) với xã Tiên Ngọc (Tiên Phước), xã Trà Dương (Bắc Trà My) với xã Tiên An (Tiên Phước). Vừa qua, tại khoảnh 7, tiểu khu 764 (thôn Dương Bình, xã Trà Dương), cơ quan chức năng bắt quả tang ông Nguyên Nho Khâm (trú tại Tiên An, Tiên Phước) đang sử dụng xe múc thực hiện hành vi san ủi 8.010m2 trạng thái rừng nghèo, chức năng sản xuất.

Ông Phan Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh đánh giá, dù Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành nông nghiệp thường xuyên chỉ đạo nhưng tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép vẫn tái diễn phức tạp. Đặc biệt là ở vùng giáp ranh các huyện Bắc Trà My - Núi Thành, Bắc Trà My - Tiên Phước, Bắc Trà My - Hiệp Đức.

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU