Không chờ dự án

TRẦN NGUYỄN 06/06/2016 13:18

Trong điều kiện nguồn lực về vốn eo hẹp, các biện pháp xây dựng công trình kiên cố để ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng gần như không thể mang tính khả thi, thì trồng rừng chắn sóng gió được xem như biện pháp dễ dàng thực hiện. Tuy nhiên, tại các địa phương ven biển, do trông chờ vào dự án đầu tư nên diện tích rừng phủ xanh đến nay vẫn còn hạn chế.

Gần 30ha rừng ngập mặn ở xã Tam Giang được trồng mới và khôi phục. Ảnh: TR.NGUYỄN
Gần 30ha rừng ngập mặn ở xã Tam Giang được trồng mới và khôi phục. Ảnh: TR.NGUYỄN

Sau khi UBND tỉnh phê duyệt cho xã Tam Giang (Núi Thành) dự án bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn ven sông, bảo vệ các bờ đê, bờ kè khỏi bị xói lở bởi gió bão, ứng phó với biến đổi khí hậu, hiện trên địa bàn đã có gần 30ha rừng đước, bần dọc ven sông Trường Giang. Nằm ở nơi đầu sóng ngọn gió, các làng Đông Xuân, Đông An, Đông Bình và Đông Mỹ (Tam Giang) thường gánh chịu hậu quả nặng nề do thiên tai gây ra. Hiện nay, rừng ngập mặn ở Tam Giang sinh trưởng, phát triển tốt theo quy trình “một năm trồng, 3 năm chăm sóc”, nhưng do khó khăn về nguồn vốn nên việc chăm sóc cũng thiếu thường xuyên. Theo chính quyền xã, địa phương còn gần 70ha diện tích cần được khôi phục trồng rừng nhưng không biết xoay xở nguồn vốn ở đâu. Từ trước đến nay việc phủ xanh rừng đều dựa vào kinh phí hỗ trợ dự án. Ông Trương Đức Trí - Phó cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu cho rằng, việc triển khai trồng, phục hồi rừng ngập mặn góp phần ứng phó hiệu quả với tác động của biến đổi khí hậu, vừa tạo đê mềm chắn sóng, nước dâng, hạn chế xâm nhập mặn, đồng thời giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ hệ sinh thái ven biển. Mặt khác, nhờ có rừng ngập mặn nên nhiều loài thủy hải sản có giá trị kinh tế cao sinh trưởng và phát triển một cách tự nhiên. “Rất tiếc công tác trồng rừng ngập mặn ven biển chưa được xã hội hóa, Quảng Nam cũng như nhiều địa phương khác còn phụ thuộc nhiều vào nguồn lực đầu tư của Trung ương chứ chưa thu hút người dân và doanh nghiệp trồng” - ông Trí đánh giá.

Trong khi nhiều địa phương trồng rừng ngập mặn theo dự án, thì tại thôn Tịch Tây (xã Tam Nghĩa, Núi Thành), 5 năm nay hàng chục hộ dân tự đứng ra phục hồi rừng dừa nước. Họ bỏ công trồng chỉ với suy nghĩ là để chặt lá bán cải thiện đời sống. Không ngờ giá trị mà lá dừa mang lại cho người dân không phải nhỏ. Ước tính mỗi năm người dân kiếm thu nhập từ 100 đến 200 triệu đồng/ha dừa nước. Chính quyền xã Tam Nghĩa còn có ý tưởng phát triển du lịch sinh thái từ 30ha dừa nước còn nguyên vẹn ven sông. Ngoài diện tích dân trồng, chính quyền giao cho dân làng bảo vệ, quản lý. Ông Lê Minh Hưng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nhận xét, các dự án trồng rừng ven biển thí điểm đều rất hiệu quả và cần nhân rộng. Cho nên địa phương cũng cần trích nguồn vốn trồng rừng phòng hộ ven biển mỗi năm, kết hợp với chính sách thu hút doanh nghiệp, người dân trồng rừng phát triển du lịch sinh thái làng quê. Được biết, chính quyền TP.Hội An đang xúc tiến, kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư trồng rừng ngập mặn tại xã Cẩm Thanh, với mục đích phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường bền vững.

TRẦN NGUYỄN

TRẦN NGUYỄN