Trôi nổi giống cây lâm nghiệp

TRẦN HỮU 20/04/2016 09:36

Giá trị và năng suất rừng trồng sản xuất đạt thấp có nguyên do từ nguồn giống đầu vào không đảm bảo chất lượng. 

Các vườn cây giống lâm nghiệp hộ gia đình mọc lên nhiều nhưng không đảm bảo chất lượng.
Các vườn cây giống lâm nghiệp hộ gia đình mọc lên nhiều nhưng không đảm bảo chất lượng.

Các địa phương miền núi và trung du, cần ít nhất 20 triệu cây con phục vụ cho kế hoạch trồng rừng mỗi năm. Thời gian qua, các ban quản lý dự án trồng rừng và các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống trên địa bàn tỉnh chủ yếu gieo ươm keo tai tượng, keo lai hom. Còn người dân trồng rừng phần lớn tự phát sản xuất giống, hoặc mua trôi nổi trên thị trường. Hiện toàn tỉnh có 1 rừng giống chuyển hóa từ rừng tự nhiên A Vương (Đông Giang), hơn 30 đơn vị đăng ký kinh doanh, sản xuất giống, gần vườn ươm của hộ gia đình, cá nhân không đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng, lượng giống phục vụ trồng rừng sản xuất tiềm ẩn nhiều rủi ro dịch bệnh, cho năng suất thấp khi thu hoạch. Đến nay, cả tỉnh chưa hình thành một cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp bằng nuôi cấy mô phục vụ kinh doanh, sản xuất. Ngoài các cơ sở chuyên cung cấp giống cây lâm nghiệp như Xí nghiệp Giống nông lâm nghiệp Chiên Đàn, Xí nghiệp Lâm nghiệp Quảng Nam, Công ty TNHH MTV Lâm Quốc Thịnh..., hiện vẫn chưa có đơn vị nào đầu tư đủ sức cạnh tranh.

Để cắt giảm chi phí trồng rừng,  gần đây người dân tự cung tự cấp giống trồng rừng là chính, nên khó kiểm soát chất lượng. Tại các huyện Hiệp Đức, Phước Sơn, Bắc Trà My, mọc lên hàng chục vườn ươm giống cây trồng và mới đây lực lượng chức năng đã yêu cầu không được đưa vào sản xuất hơn chục nghìn cây giống keo, cao su vì nguồn giống không đảm bảo. Bất cập ở chỗ, ngành chuyên môn mới tập trung kiểm tra, giám sát các vườn ươm của các tổ chức, đơn vị có đăng ký kinh doanh, còn gần như thả nổi quản lý hộ gia đình, cá nhân tổ chức sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp.

Tại huyện Bắc Trà My, Nam Trà My, Phước Sơn..., các vườn ươm cây giống tại chỗ thì không thể cung ứng đủ nên địa phương đã liên kết với các địa điểm cung ứng giống cây trồng lâm nghiệp ở Tiên Phước, Hiệp Đức, Quế Sơn để cho bà con chủ động nguồn giống cho mùa trồng rừng mới. Theo đánh giá của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), nguồn giống trồng rừng trong tỉnh nghèo nàn về chủng loại, lại chưa kiểm soát nguồn gốc giống cây bản địa. Thời điểm này, các địa phương mới kiểm soát được hơn 30% số lượng nguồn gốc giống ở các dự án trồng rừng thuộc vốn nhà nước.

Nhiều địa phương khuyến khích người dân và doanh nghiệp phát triển vườn ươm giống với cơ chế hỗ trợ đặc thù. Điển hình, tại Nam Trà My hỗ trợ giống, vốn cho đồng bào bảo tồn cây quế, cũng như nhiều loại cây dược liệu quý hiếm dưới tán rừng tự nhiên. Huyện Tiên Phước đang phấn đấu đạt chuẩn quốc gia vườn ươm giống cây lâm nghiệp và cây trồng bản địa. Giai đoạn 2015 - 2020, ngành lâm nghiệp tỉnh triển khai “Cơ chế khuyến khích phát triển trồng rừng sản xuất bằng giống keo nuôi cấy mô” nhằm lập quy hoạch, hỗ trợ cơ sở sản xuất giống nuôi cấy mô và hỗ trợ trực tiếp hộ gia đình, cá nhân trồng rừng bằng giống keo nuôi cấy mô. Tuy nhiên, diện tích rừng keo bằng giống nuôi cấy mô đến nay vẫn còn khá khiêm tốn.

Để giúp kinh tế rừng phát triển xứng tầm, đầu tháng 4.2016, Bộ Kế hoạch - đầu tư đề xuất với Chính phủ cơ chế hỗ trợ xây dựng, phát triển rừng giống, vườn giống. Theo đó, Nhà nước chỉ trực tiếp quản lý rừng giống, vườn giống có tầm quan trọng quốc gia với diện tích tối đa là 30% tổng diện tích được quy hoạch làm rừng giống, vườn giống; phần còn lại được giao, bán, khoán cho các thành phần kinh tế khác quản lý kinh doanh theo quy định của pháp luật. Định mức hỗ trợ tối đa từ ngân sách nhà nước cho phần lâm sinh, xây dựng hạ tầng và trang thiết bị được quy định không quá 35 triệu đồng/ha đối với vườn giống được trồng mới; không quá 25 triệu đồng/ha đối với rừng giống được trồng mới; không quá 10 triệu đồng/ha đối với rừng giống được chuyển hóa... Theo Sở NN&PTNT, nếu cơ chế này được Chính phủ thông qua sẽ là cú hích cho kinh tế rừng phát triển mạnh hơn, doanh nghiệp có điều kiện đầu tư vườn ươm giống chất lượng, công nghệ cao thực hiện mục tiêu đầu tư cánh rừng gỗ lớn.

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU