Cây đa di sản
Cùng với cánh rừng pơ mu rậm rạp, 2 cây đa đại thụ tại xã A Xan (Tây Giang) cũng được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường công nhận là Cây di sản Việt Nam. Vì đời cây gắn liền với đời sống, văn hóa bản địa nên dân làng xem như “báu vật”.
Theo các già làng, 2 cây đa ở thôn A Rầng 1 (xã A Xan) có tuổi đời 700 năm, án ngữ như một cổng làng uy nghi. Nó được đồng bào Cơ Tu gìn giữ, bảo vệ theo nguyên tắc, luật lệ của làng. Cũng từ quan niệm bảo vệ rừng của người Cơ Tu thôn A Rầng 1, mà ngay ở trung tâm hành chính huyện, hay ở nhiều cánh rừng khác luôn gắn khẩu hiệu “Rừng còn, Tây Giang phát triển; rừng mất, Tây Giang suy vong”. Trước khi được công nhận là Cây di sản Việt Nam, người dân cùng với chính quyền địa phương đồng hành đóng góp công sức, tiền của xây dựng miếu thờ ở gần cây đa để làm chốn thờ cúng thần linh, giáo dục thế hệ con cháu giữ gìn luật tục bảo vệ rừng. Già Pơ Loong Lia, người dân thôn A Rầng 1 cho biết, với dân làng, cây đa rất thiêng liêng, hễ ai xâm hại dù chỉ chặt cành lấy củi đều bị xử phạt rất nặng, có thể đuổi ra khỏi làng. “Hằng năm, thôn A Rầng 1 lấy ngày 18 tháng Giêng tổ chức lễ cúng cầu mong bản làng yên bình, không có dịch bệnh, cái chết xấu xảy ra” - già Pơ Loong Lia nói. Cũng theo già Pơ Loong Lia, mỗi lần người Cơ Tu tổ chức lễ hội đều vào miếu thắp hương cúng Giàng (trời), hoặc cúi đầu dưới bóng cây cầu nguyện. Khách phương xa đến làm ăn đi ngang qua thường dừng lại cầu sự an lành, may mắn.
Miếu thờ được đặt gần Cây đa di sản. Ảnh: T.N |
Năm 2013, cán bộ của Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường trực tiếp đến khảo sát 2 cây đa ở làng A Bíp (thôn A Rầng 1) và bằng biện pháp kỹ thuật khoan đo xác định cây tròn 703 tuổi. Chính quyền đã phát quang, mở rộng vào “con đường muối”, sát vị trí của cây. Xã A Xan giáp biên giới với nước bạn Lào, ngành kiểm lâm đánh giá hệ sinh thái rừng ở đây đa dạng vào bậc nhất dải Trường Sơn. Đồng bào Cơ Tu bao đời nay sống phụ thuộc vào các lâm sản phụ trong rừng nhưng không phá rừng. Tháng 7.2015, cùng với quần thể 725 cây pơ mu, 2 cây đa ở thôn A Rầng 1 được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường công nhận là Cây di sản Việt Nam.
Theo chính quyền huyện Tây Giang, giá trị của cây đa không chỉ ở tuổi đời mà nó tồn tại như một chứng nhân của lịch sử, gắn liền với các phong tục, hủ tục của người miền cao. Giá trị nhân văn của cây di sản này nằm ở chỗ từ câu chuyện của làng, đã giáo dục người dân tinh thần tương thân tương ái giúp đỡ nhau trong cuộc sống, đặc biệt tránh đi các trò mê tín dị đoan lạc hậu.
TRẦN NGUYỄN