Phát triển rừng và bảo tồn cây dược liệu
Đầu năm 2016, các địa phương miền núi trong tỉnh tiếp tục phủ xanh đất trống đồi trọc để nâng cao độ che phủ rừng theo chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Trong khi đó, nguồn sâm Ngọc Linh quý đang được bảo tồn, gìn giữ theo lộ trình cụ thể.
Đầu xuân các địa phương tiếp tục đầu tư trồng cây gây rừng. TRONG ẢNH: Một vườn ươm cây keo giống ở xã Tam Nghĩa (Núi Thành). |
Trồng rừng mùa xuân
Tính đến nay, riêng trồng rừng thay thế từ các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh ước hơn 630ha. Trong đó, công trình thủy điện Sông Bung 2 là 444,66ha, Sông Tranh 3: 1,76ha, Sông Tranh: 259,8ha, Sông Côn: 70ha, Tr’Hy: 20,22ha, Sông Bung 5: hơn 6ha, Đăk Mi 2: hơn 28ha. Theo ngành nông nghiệp, lũy kế trồng rừng thay thế hiện khoảng 1.468,76ha (đạt 88,58% kế hoạch). Thống kê sơ bộ, các huyện miền núi Hiệp Đức, Tiên Phước, Bắc Trà My, Nam Giang, Đông Giang, Nam Trà My, Quế Sơn, Nông Sơn... trồng hơn 2.000ha rừng sản xuất. Do nguồn đất trồng còn lại ít ỏi, mặt khác nhiều địa phương không chủ trương chạy theo mở rộng diện tích mà đầu tư rừng gỗ lớn nên nhiều nơi không đảm bảo chỉ tiêu trồng rừng.
Tuy nhiên, theo lý giải của ngành lâm nghiệp, khu vực miền núi rừng trồng không đạt kế hoạch là do nhiều nơi dành nguồn lực tập trung phát triển các khu rừng dự án. Đến nay, hàng loạt dự án trồng rừng tập trung phát triển tốt, điển hình như chương trình bảo vệ và phát triển rừng trồng hơn 860ha, trồng rừng ngập mặn 350ha. Dự án phục hồi rừng do Chính phủ Đức tài trợ trồng gần 30ha cây bời lời đỏ tại huyện Tây Giang. Theo Sở NN&PTNT, công tác phát triển rừng những năm gần đây chỉ tập trung vào việc khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên, giao khoán bảo vệ rừng theo kế hoạch hằng năm, Nghị quyết 30a và khoán bảo vệ theo chính sách chi trả môi trường rừng đạt 100% kế hoạch. Do thổ nhưỡng, thời tiết thuận lợi nên nhiều huyện miền núi, mùa xuân này vẫn triển khai trồng rừng sản xuất...
Đột phá lớn trong chính sách đầu tư phát triển rừng là ngân hàng đã giảm đáng kể lãi suất cho vay. Cụ thể, Nghị định số 75/2015/NĐ-CP năm 2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020. Cơ chế này đã tạo điều kiện thuận lợi cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ người Kinh nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (khu vực II và III) phát triển trồng rừng, cây lâm sản ngoài gỗ trên đất quy hoạch phát triển rừng được Nhà nước giao đất; nhận khoán bảo vệ rừng với lãi suất cho vay ưu đãi 1,2%/năm.
Bảo tồn gen giống quý
Tin vui là mới đây, Chính phủ đã phê duyệt đề án Bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh đến năm 2030 thành sâm quốc gia. Mục tiêu của đề án nhằm bảo vệ nguồn gen quý, kết hợp bảo vệ và phát triển rừng, xóa đói giảm nghèo ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của tỉnh. Theo đề án này, 7 xã của huyện Nam Trà My sẽ phát triển trồng sâm với diện tích 30.000ha, tổng mức đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng. Để hiện thực hóa đề án này, chính quyền huyện Nam Trà My bắt tay ngay việc bảo tồn nguồn gen quý sâm Ngọc Linh, cung ứng đầy đủ nguồn giống để di thực ra khỏi vùng sâm gốc đến các xã phụ cận. Vườn giống của thủ phủ sâm Ngọc Linh ở xã Trà Linh (Nam Trà My) đầu xuân rộn rã không khí lao động, gần 150 nghìn cây sâm giống bản địa đang khoanh nuôi. Đây là nguồn cây giống cung cấp cho người dân 7 xã thuộc huyện Nam Trà My.
Nguồn sâm Ngọc Linh giống đang được bảo tồn, gìn giữ. |
Ông Nguyễn Việt Tuyên - Phó Giám đốc Trung tâm phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam cho biết, từ nay đơn vị sẽ phát triển mạnh giống theo cách tự nhiên của đồng bào địa phương bằng cách hỗ trợ và áp dụng thêm các tiến bộ khoa học kỹ thuật để sâm giống phát triển nhanh. Thời gian qua, quá trình khoanh nuôi và phát triển sâm con gặp không ít khó khăn. Do nhu cầu thị trường quá lớn, người dân thường thu hoạch sâm đang mùa ra hạt. Đây là nguyên nhân dẫn đến sự thiếu hụt hạt giống. Có lúc cây sâm con từ 30 nghìn tăng lên 50 nghìn đồng một cây. Chính vì vậy, bên cạnh ưu tiên nhân giống từ hạt, các trại sâm trên địa bàn đang áp dụng kỹ thuật nuôi cấy mô.
Theo chính quyền huyện Nam Trà My, từ nguồn vốn 30a, chương trình 135, địa phương đã hỗ trợ cây giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng cho người dân và đến nay một số hộ dân chủ động tự nhân giống thành công. Nếu có chính sách ưu đãi, tương lai không xa cây sâm Ngọc Linh sẽ bảo tồn được nguồn gen quý.
TRẦN HỮU