Gần 5.000ha để trồng 5 loại cây dược liệu quý từ nay đến năm 2020
Chiều 21.10, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu chủ trì cuộc họp nghe Sở NN&PTNT báo cáo về quy hoạch bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện Nam Trà My giai đoạn 2015 - 2020 và định hướng đến năm 2030; báo cáo Đề án cơ chế khuyến khích, bảo tồn và phát triển một số loài cây dược liệu quý giai đoạn 2015 - 2020.
Theo quy hoạch, tổng diện tích trồng sâm đến năm 2030 là 15.568ha (vùng đệm 6.712ha, vùng lõi 8.856ha) triển khai tại 7 xã của huyện Nam Trà My. Mục tiêu 5 năm đến là tiếp tục bảo tồn nguồn giống, củng cố Trạm Dược liệu Trà Linh và phát triển trại giống Tắk Ngo đủ cung cấp giống trồng sâm cho nhà đầu tư và nhân dân; phát triển thương hiệu quốc gia cho cây sâm Ngọc Linh. Tổng nguồn vốn từ ngân sách đầu tư giai đoạn 2015 - 2030 hơn 1.404 tỷ đồng, vốn đầu tư của doanh nghiệp hơn 23.518 tỷ đồng, vốn đầu tư của nhân dân 9.920 tỷ đồng. Sở NN&PTNT cho biết, từ nay đến năm 2020 sẽ phát triển 5 loài cây dược liệu quý gồm đảng sâm, sa nhân, ba kích, giảo cổ lam và đương quy tại 9 huyện miền núi với tổng diện tích gần 5.000ha. Đối tượng được hỗ trợ để bảo tồn chủ động cây dược liệu là các ban quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh, Đắc My, Sông Kôn và Bắc Sông Bung. Đặc biệt, hộ gia đình phát triển dược liệu dưới tán rừng dự kiến hỗ trợ 40 triệu đồng/ha với diện tích tham gia trồng tối thiểu 0,5ha, tối đa không quá 3ha; hỗ trợ tài chính, tín dụng...
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, Đề án “Cơ chế khuyến khích bảo tồn và phát triển một số loài dược liệu quý giai đoạn 2015 - 2020” và quy hoạch phát triển cây sâm Ngọc Linh là rất cần thiết; vì vậy, các cơ quan chức năng cần hoàn chỉnh đề án để trình HĐND tỉnh trong kỳ họp đến. Trước mắt, sẽ tập trung các nguồn lực để ưu tiên phát triển 5 loại cây dược liệu quý, hướng đến đưa ngành dược liệu thành thế mạnh của miền núi.
H.PHÚC