Nghịch lý phát triển vùng nguyên liệu gỗ

TRẦN HỮU 07/08/2015 09:17

Năng suất rừng thấp, chất lượng giảm, người trồng bán gỗ non gây lãng phí tài nguyên... là những bất cập mà ngành lâm nghiệp của tỉnh đang phải đối mặt.

Bán rừng non

Lâu nay, kinh tế các địa phương miền núi trong tỉnh chủ yếu dựa vào rừng, xem rừng là con đường xóa đói giảm nghèo hiệu quả. Ngành lâm nghiệp quy hoạch lại 3 loại rừng, ưu tiên phát triển vùng cây nguyên liệu phục vụ chế biến công nghiệp. Phần lớn nông dân trồng rừng theo phong trào, theo thị trường cung - cầu. Ở khu vực miền núi, rừng nguyên liệu trồng thông thường 5 năm là khai thác, hiếm tìm thấy rừng hơn 10 năm tuổi. Người dân bán non rừng sản xuất để có chi phí tái đầu tư, đồng thời tránh rủi ro về thời tiết gió bão. Ông Alăng Mười - Trưởng thôn Bút Nga, xã Sông Kôn (huyện Đông Giang) cho biết, thôn có 46 hộ thì đến 32 hộ nghèo. Nhờ trồng rừng xen canh nên nhiều người đỡ nghèo hơn. Mỗi hộ chỉ trồng bình quân 1 - 2ha, chu kỳ trồng 5 năm là bán sạch. Đồng bào bán sớm rừng để có vốn xoay xở, đầu tư lại. Tại làng không có rừng gỗ lớn.

Gỗ khai thác phần lớn phục vụ cho các nhà máy chế biến nguyên liệu. Ảnh: T.H
Gỗ khai thác phần lớn phục vụ cho các nhà máy chế biến nguyên liệu. Ảnh: T.H

Địa hình, đất đai miền núi, trung du chia cắt, mỗi nhà sở hữu một mảnh, lô trồng rừng. Đến thời kỳ thu hoạch thì thiếu đồng bộ, có rừng chưa đủ tuổi nhưng vì cần tiền, người trồng vẫn bán. Trong khi đó, nguồn vốn ưu đãi hạn chế, kỹ thuật lạc hậu nên chất lượng, giá cả thấp. Thực tế, chủ yếu người trồng rừng và tư thương tự “thuận mua vừa bán” chứ ít có doanh nghiệp đứng ra cam kết tiêu thụ. Vì lẽ đó mà thị thường gỗ nguyên liệu “nóng lạnh” bất thường. Theo chính quyền xã Sông Kôn, ngoài thiếu đất, vốn sản xuất, các hộ trồng rừng còn gặp khó khăn trong khâu vận chuyển gỗ do chưa có đường lâm nghiệp từ rừng ra nơi tập kết. Rừng trồng gỗ lớn cho giá trị kinh tế cao hơn, nhưng vì nghèo nên dân chấp nhận khai thác non. Ở các địa phương trung du, ít có nhiều cánh rừng keo gỗ lớn.

Tại huyện Phú Ninh, theo ông Trần Ngọc Bằng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Ninh, trong chiến lược phát triển ngành lâm nghiệp, địa phương tính toán hình thành vùng nguyên liệu gỗ phục vụ cho chế biến sâu, nâng cao giá trị gỗ. Tuy nhiên, loay hoay nhiều năm rừng khai thác chủ yếu phục vụ cho các nhà máy dăm gỗ. Phát triển rừng trồng gỗ lớn vẫn còn là… ước mơ. “Cơ bản là thiếu giống chất lượng. Trong số hàng chục hộ, doanh nghiệp sản xuất ươm giống thì chỉ có duy nhất đơn vị được chứng nhận đạt chất lượng. Chu kỳ khai thác rừng ngắn, dân không chịu đầu tư rừng gỗ lớn vì đời sống khó khăn, chính sách khuyến lâm chưa phát huy hiệu quả. Nguyên nhân căn cốt vẫn là thiếu sự liên kết giữa doanh nghiệp và người trồng rừng” - ông Bằng phân tích.

Cần liên kết

Nhiều doanh nghiệp gia nhập sân chơi lớn, song rất “thận trọng”  trong lộ trình phát triển rừng đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế. Như Công ty CP Lâm đặc sản xuất khẩu Quảng Nam, doanh nghiệp cổ phần hóa từ năm 2006, hiện mới có gần 1.700ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Ông Huỳnh Tấn Đức - Giám đốc Sở NN&PTNT nhìn nhận: “Ngành đang khủng hoảng nghiêm trọng rừng trồng gỗ lớn. Bán rừng non là lãng phí tài nguyên, không phải là sự lựa chọn phát triển lâm nghiệp bền vững. Chính sách khuyến lâm phải giúp người dân thay đổi tư duy sản xuất, kéo dài thời gian thu hoạch rừng”. Thực tế đã xảy ra nghịch lý, doanh nghiệp trồng rừng bán gỗ dăm ra nước ngoài với giá thấp, còn doanh nghiệp chế biến gỗ phải nhập khẩu nguyên liệu gỗ với giá cao.

Quảng Nam có thế mạnh kinh tế rừng, với tổng diện tích 477.000ha rừng sản xuất, trữ lượng gỗ khoảng 30 triệu mét khối và 50 triệu cây tre nứa. Thế nhưng, diện tích được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững còn quá ít ỏi. Thiếu vốn, đất, giống chất lượng… được xem như những rào cản dẫn đến con đường bán rừng non nhanh nhất. Hàng chục nghìn héc ta rừng trồng là rừng sản xuất được giao cho các hộ, cá nhân. Người dân phần lớn còn nghèo, thiếu vốn trồng rừng, trong khi đó các lâm trường, công ty lâm nghiệp nhà nước chậm đổi mới. Công ty CP Lâm đặc sản Quảng Nam đề xuất, Nhà nước khẩn trương thực thi đồng bộ các chính sách phát triển lâm nghiệp bền vững như sắp xếp, tạo cơ chế thuận lợi cho các nông, lâm trường, hợp tác xã trồng rừng. Khi đáp ứng yêu cầu về sản xuất theo chuỗi, nông dân vừa là cổ đông, vừa là người lao động, ngoài tiền công họ vẫn được hưởng cổ tức.

Ngành lâm nghiệp tỉnh đang tái cấu trúc mạnh mẽ, thực hiện chính sách phát triển rừng sản xuất đối với một số hạng mục về xây dựng nguồn giống, hạ tầng kỹ thuật sản xuất giống chất lượng, đường lâm nghiệp, chi phí vận chuyển lâm sản. Theo ông Lê Minh Hưng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, thời gian tới, ngành sẽ chỉ đạo tập trung phát triển rừng trồng gỗ lớn, theo hình thức chế biến sâu, liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, tìm kiếm thị trường ổn định. Xã hội hóa phát triển nghề rừng từ tạo vùng nguyên liệu đến khai thác, tiêu thụ, chế biến; giảm dần đầu tư của Nhà nước. Về lâu dài, không thể lãng phí tài nguyên đất đai, “ăn non” rừng cây được. Phải mạnh dạn thay đổi tư duy trồng rừng, phấn đấu nâng cao năng suất các loài keo 50 - 60m3/ha lên tối đa 150m3/ha, bằng việc sử dụng giống chất lượng.

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU