Đời sâm di thực đã lên xanh...
Sau hơn 10 năm di thực từ vùng núi Nam Trà My, cây sâm Ngọc Linh đang phát triển tốt dưới những tán rừng già thuộc các xã Ch’Ơm và Ga Ri (huyện Tây Giang), tạo cơ hội hình thành “vùng đất mới” cho giống sâm quý Ngọc Linh.
Vườn cây sâm Ngọc Linh ở Tây Giang đang phát triển khá tốt. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Đất lành!
Năm 2004, UBND huyện Tây Giang di thực 10 nghìn cây giống sâm Ngọc Linh từ vùng núi Trà Linh (Nam Trà My) về trồng thử nghiệm tại địa bàn hai xã Ch’Ơm và Ga Ri. Sau thời gian chăm sóc, khả năng phát triển cây sâm Ngọc Linh tại Tây Giang đem lại hiệu quả đáng mừng với trên 50% số lượng cây còn sống.
Để có cơ sở đánh giá chất lượng cây sâm di thực tại huyện Tây Giang, năm 2008 chính quyền địa phương đã phối hợp với Ban Nghiên cứu khoa học (Trường Đại học Dược TP.Hồ Chí Minh) tổ chức khảo sát thực địa, đánh giá chất lượng và cho kết luận về hàm lượng các saponin (là một trong những thành phần hóa học của các loại thảo mộc, rất có lợi cho sức khỏe con người) - hoạt chất chính có trong củ sâm di thực tại Tây Giang. Kết quả nghiên cứu cho thấy sự tương đồng khá rõ giữa cây sâm di thực tại Tây Giang với mẫu sâm đối chứng tự nhiên ở Nam Trà My với hàm chất saponin trong củ sâm đạt 10,47/11,67%. Điều này đã mở ra sự kỳ vọng cho người dân và chính quyền huyện Tây Giang về tương lai phát triển “vùng đất mới” cho cây sâm Ngọc Linh tại địa phương. Theo ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, kết quả khả quan sau thời gian nghiên cứu đã giúp huyện Tây Giang tiếp tục mở rộng trồng cây sâm Ngọc Linh tại các xã vùng cao nhằm xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, do nguồn giống cây sâm khan hiếm nên địa phương vẫn chưa thể phát triển được nhiều, trong khi người dân bản địa chưa ai đồng ý đầu tư vốn để mua giống sâm quý này. “Theo số liệu thống kê, năm 2014 số lượng cây sâm còn sống tại hai xã Ch’Ơm và Ga Ri gần 6 nghìn cây. Toàn bộ số cây này hiện đã được UBND huyện thanh lý, điều chuyển cho Công ty CP Thương mại dược - sâm Ngọc Linh Quảng Nam để tiếp tục thực hiện tái thiết đầu tư” - ông Blúi cho biết thêm.
Ông Trần Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại dược - sâm Ngọc Linh Quảng Nam cho rằng, với điều kiện tự nhiên hệ sinh thái phong phú và đa dạng, Tây Giang là vùng đất có nhiều tiềm năng để phát triển các vườn sâm quý như: ba kích, đảng sâm, thất diệp nhất chi hoa,... Trong đó, việc chú trọng phát triển di thực cây sâm giống Ngọc Linh tự nhiên tại các xã vùng cao Ch’Ơm và Ga Ri sẽ tạo điều kiện để mở rộng quy mô phát triển sâm quý, đồng thời giúp đồng bào bản địa có cơ hội tiếp cận với cây sâm Ngọc Linh, từng bước xóa đói giảm nghèo bền vững. “Điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở các xã vùng cao huyện Tây Giang khá tương đồng với vùng đất Ngọc Linh của huyện Nam Trà My. Do vậy, sau quá trình nghiên cứu và trồng thử nghiệm, chúng tôi nhận thấy cơ hội phát triển vườn sâm Ngọc Linh tại huyện Tây Giang hoàn toàn có tiềm năng và đem lại hiệu quả trong tương lai” - ông Tuấn nói.
Quy hoạch phát triển vùng
Ông Bh’riu Liếc - Bí thư Huyện ủy Tây Giang cho hay, chủ trương phát triển cây sâm Ngọc Linh dưới tán rừng tự nhiên ở các xã vùng cao Tây Giang đã nhận được sự ủng hộ từ phía người dân và các nhà chuyên môn. Cùng với các chính sách đầu tư hỗ trợ phát triển sâm Ngọc Linh, gắn với các chương trình mục tiêu giảm nghèo, Chương trình 30a,... sẽ tạo cơ hội giúp đồng bào bản địa tăng thêm thu nhập, ổn định việc làm lâu dài, mở hướng phát triển mới để vươn lên thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, để cây sâm Ngọc Linh phát triển, đáp ứng với kỳ vọng của địa phương, việc quy hoạch vùng phát triển sâm cũng cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, tránh tình trạng đầu tư ồ ạt nhưng kém hiệu quả kinh tế. “Quy trình trồng cây sâm Ngọc Linh được thực hiện chặt chẽ, đầu tư phát triển dưới những tán rừng già nên vẫn giữ được hệ sinh thái rừng. Do vậy, từ mảnh đất này, chúng ta có quyền nghĩ tới tương lai phát triển của người dân bản địa, rút ngắn tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm” - ông Liếc kỳ vọng.
Để đáp ứng với nhu cầu phát triển của cây sâm Ngọc Linh tại Tây Giang, Công ty CP Thương mại dược - sâm Ngọc Linh Quảng Nam cũng đã triển khai quy hoạch đầu tư, giai đoạn 2014 - 2025 với nhiều chủ trương phù hợp, nhất là việc mở rộng diện trồng cây sâm Ngọc Linh dưới tán rừng. Trước mắt, sẽ tiếp tục chăm sóc, nuôi trồng cây sâm Ngọc Linh tại xã Ch’Ơm và tổ chức di thực cây sâm tại xã Ga Ri về trồng tại vườn ươm xã Ch’Ơm để phát triển cùng giống cây sâm con vừa mới trồng bằng phương pháp đầu mầm, vào năm 2014 với số lượng hơn 11 nghìn cây. Dự kiến đến năm 2020, Công ty CP Thương mại dược - sâm Ngọc Linh Quảng Nam sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây sâm Ngọc Linh hơn 20ha.
Tại buổi làm việc với đoàn giám sát Ban Dân tộc HĐND tỉnh mới đây, huyện Tây Giang đề nghị tỉnh quy hoạch vùng trồng sâm Ngọc Linh, trong đó có địa bàn huyện Tây Giang; đồng thời ban hành quy chế cho thuê đất rừng gắn với cho thuê rừng, làm cơ sở để bảo vệ rừng, phát triển và bảo tồn nguồn sâm Ngọc Linh dưới tán rừng.
ALĂNG NGƯỚC