Giữ rừng ở đảo

BÍCH HẠNH 05/06/2015 10:10

Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm (TP.Hội An) giờ đây được tôn vinh bởi sự có mặt của các loại cây di sản. Thời điểm hạn hán cục bộ, công tác phòng cháy chữa cháy rừng trên đảo được thực thi nghiêm túc.

Cuối tháng 5, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tổ chức một cuộc diễn tập các tình huống giả định dập tắt lửa trên cánh rừng nguyên sinh ở Cù Lao Chàm. Hai năm liền, ngành kiểm lâm chọn đây làm nơi diễn tập cháy rừng. Theo lý giải của  ông Phan Tuấn – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Cù Lao Chàm là điểm đến du lịch hấp dẫn. Diện tích rừng nguyên sinh tuy nhỏ nhưng là “tấm lá chắn” giữ được đảo trước phong ba bão táp. Nếu xảy ra cháy rừng thì công tác dập lửa ở đảo khó khăn gấp bội lần so với ở đất liền. “Và đặc biệt ý nghĩa hơn, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam mới đây đã trao bằng công nhận Cây di sản Việt Nam cho 4 loại cây cổ thụ Cù Lao Chàm, trong quần thể khu rừng nguyên sinh bậc nhất về đa dạng sinh học” – ông Tuấn cho biết. Quần thể 3 cây ngô đồng đỏ cổ thụ tại dốc suối Tình (thuộc Bãi Làng, xã đảo Tân Hiệp); cây đa ở sườn đông (Hòn Lao); cây kén, cây nánh tại miếu Tổ nghề yến thuộc Bãi Hương đã được công nhận.

Trong đình làng Cù Lao Chàm có nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Ảnh: B.H
Trong đình làng Cù Lao Chàm có nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Ảnh: B.H

Cây ngô đồng được gắn biển di sản có tuổi đời 155 - 250 năm. Hàng cây ngô đồng đỏ có dáng đẹp, sừng sững chứng minh cho sự tồn tại lâu đời của một ngôi làng cổ. Đặc biệt, cây đa ở Hòn Lao có tuổi đời hơn 600 năm, với thế đứng tự nhiên rất đẹp. Giá trị của các loại cây cổ thụ này còn ở chỗ gắn bó lâu dài với đời sống văn hóa tâm linh của ngư dân xã đảo. Dưới chân núi dẫn vào những ngôi làng gặp ngay các cây cổ thụ. Còn trên đồi 517 - đồi cao nhất của Cù Lao Chàm, bạt ngàn những loại gỗ chò, dẻ, lim. Địa phương đưa ra quy định rất nghiêm ngặt để giữ rừng: cấm mọi người dân vào rừng chặt củi tươi, không được mang theo búa rìu, cưa và các dụng cụ phát lửa. Cấm chở củi khô từ đảo về đất liền. Nếu phát hiện chặt bất kỳ một cây cổ thụ nào trong rừng, người đó sẽ bị kỷ luật nghiêm khắc trước dân. Chính vì những quy định ràng buộc trên mà hàng chục năm qua, rừng Cù Lao Chàm còn nguyên vẹn. Chính quyền xã Tân Hiệp xác nhận, dù thỉnh thoảng còn xảy ra tình trạng người dân vào rừng chặt củi về nấu nướng, nhưng không bao giờ triệt hạ rừng gỗ lớn và để lửa phát tán trong rừng.

Như mọi điểm tham quan du lịch hấp dẫn trong mùa khô hạn, rừng Cù Lao Chàm đối mặt với nguy cơ cháy cao. Khách du lịch khi đến đây thường có thói quen vào rừng đốt lửa trại. Chính vì thế, lực lượng kiểm lâm, người dân và chính quyền đã kiểm soát chặt chẽ bất cứ một ai ra vào rừng. Toàn bộ diện tích rừng nơi đây đều có chủ. Các nhóm hộ gia đình, chính quyền sở tại, đơn vị bộ đội biên phòng… đều được Nhà nước giao khoán, bảo vệ quản lý theo lâm phận cụ thể. Hơn 1.000ha rừng nguyên sinh nhưng chỉ có 2 kiểm lâm viên làm nhiệm vụ. Ông Phạm Hòa – Trưởng trạm Kiểm lâm Cù Lao Chàm khẳng định, nguy cơ cháy rừng trên đảo lớn hơn nhiều so với đất liền do nằm ở nơi đầu sóng ngọn gió, dễ phát tán lửa, nhà hàng quán xá mọc lên đông, khách du lịch khắp nơi đổ về. Dân bản địa còn thói quen vào rừng hái lá cây làm thuốc. “Khi khách đặt chân đến cửa rừng, lập tức hệ thống loa truyền thanh sẽ nhắc nhở du khách cẩn thận dùng lửa và chịu trách nhiệm về các hành vi dân sự. Dù có hai anh em kiểm lâm nhưng chúng tôi thường xuyên tuần tra rừng, hướng dẫn bà con khai thác củi, lá khô trong rừng phù hợp” – ông Hòa nói.

BÍCH HẠNH

BÍCH HẠNH