Nâng đơn giá chi trả dịch vụ môi trường rừng
Người dân ở miền núi được nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24.9.2010 của Chính phủ đã bảo vệ hiệu quả diện tích rừng được giao. Sở NN&PTNT đã xây dựng phương án nâng mức chi trả DVMTR cho những khu vực có mức giá thấp.
Dân bảo vệ rừng
Năm 2014, hàng trăm hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng (BVR) trên địa bàn xã A Ting và Sông Kôn (Đông Giang) tổ chức hơn 70 đợt tuần tra BVR trong lâm phận được Nhà nước giao. Theo đó, bà con đã phá hủy 30 lán trại, đuổi 18 đối tượng ra khỏi rừng, áp giải một đối tượng về giao cho UBND xã A Ting xử lý, cung cấp nhiều tin báo quan trọng cho Trạm kiểm lâm Núi Mang. Theo Ban Quản lý Vườn quốc gia Bạch Mã, năm 2015, đơn vị tiếp tục giao khoán BVR cho 10 nhóm hộ dân gồm 111 hộ thuộc hai xã A Ting và xã Sông Kôn, phân bổ lại địa bàn quản lý, đảm bảo quyền lợi và nâng cao trách nhiệm cho các hộ dân nhận khoán BVR. Đặc biệt, trong mùa khô hạn cao điểm này, lực lượng kiểm lâm cùng với các nhóm hộ dân được nhận giáo khoán tăng cường tần suất tuyên truyền về phòng cháy chữa cháy rừng, ký cam kết đến từng gia đình không sử dụng, đốt lửa tùy tiện trong rừng.
Nhóm hộ gia đình nhận khoán và lực lượng kiểm lâm ăn uống, nghỉ ngơi trong rừng sau chuyến tuần tra. Ảnh: T.H |
Gần đây, UBND tỉnh quyết định hỗ trợ gần 3 tỷ đồng cho các đơn vị thực hiện chính sách chi trả DVMTR. Cụ thể, 12 hạt kiểm lâm được hỗ trợ với mức 20 triệu đồng/hạt/năm và 70 UBND xã có thực hiện chính sách chi trả DVMTR được hỗ trợ với mức 5 triệu đồng/xã/năm; hỗ trợ phát triển cộng đồng dân cư vùng đệm cho 24 thôn, bản trong Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh với mức 40 triệu đồng/thôn, bản. Phần lớn người dân được nhận tiền chính sách đều rơi vào vùng đặc biệt khó khăn, sống gần như phụ thuộc vào rừng. Đặc biệt đồng bào dân tộc thiểu số nằm trong vùng đệm của Vườn quốc gia Bạch Mã đều thiếu đất canh tác, trồng trọt. Cho nên, việc giao khoán BVR vừa tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống kinh tế, vừa giảm áp lực vào rừng tự nhiên để mưu sinh.
Nâng đơn giá hỗ trợ
Theo Quỹ bảo vệ phát triển rừng Quảng Nam, từ đầu năm đến nay, các chủ rừng tiếp tục được hỗ trợ hơn 10 tỷ đồng tiền DVMTR. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã lập được 12 đề án chi trả DVMTR với tổng diện tích rừng có cung ứng dịch vụ này hơn 295 nghìn héc ta (chiếm 72% diện tích rừng tự nhiên của tỉnh), với gần 20 nghìn hộ được hưởng lợi. Năm 2015, Quỹ bảo vệ phát triển rừng đàm phán và ký hợp đồng mới 3 đơn vị gồm Nhà máy thủy điện Duy Sơn II, Sông Bung 4, Sông Bung 4A. Đối với các cơ sở sản xuất nước sạch, đơn vị ký hợp đồng với Trung tâm Nước sạch và tư vấn thủy lợi Quảng Nam. Ngoài ra, tiếp tục đề nghị Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam ký kết hợp đồng với Nhà máy sản xuất nước sạch Cầu Đỏ, thuộc lưu vực liên tỉnh giữa Quảng Nam và TP.Đà Nẵng theo quy định.
Chưa trồng bù rừng thay thế Tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ năm 2015, Bộ NN&PTNT đã nêu ra nhiều tỉnh nợ tiền trồng bù rừng với diện tích lớn như Nghệ An, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Lạng Sơn và Quảng Nam. Riêng Quảng Nam có 4 nhà máy thủy điện “nợ rừng” như thủy điện Sông Tranh 2 chưa trồng 314ha, Sông Bung 4 hơn 206ha, Sông Bung 5 là hơn 106ha và thủy điện Sông Bung 2 hơn 426ha. |
Trở lực lớn nhất trong thực hiện chính sách này là hầu hết diện tích có cung ứng DVMTR trên địa bàn các huyện miền núi là rừng tự nhiên, lâu nay chưa giao khoán cho cộng đồng dân cư bảo vệ nên chưa có cơ sở chi trả tiền theo quy định. Mặt khác, đơn giá chi trả bình quân mỗi héc ta rừng có sự chênh lệch khá lớn giữa các lưu vực thủy điện trên địa bàn tỉnh (nơi cao nhất là lưu vực thủy điện A Vương là 353 nghìn đồng/ha/năm, nơi thấp nhất là lưu vực thủy điện Sông Cùng là 12 nghìn đồng/ha/năm) làm cho người giữ rừng có tư tưởng so bì. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về sử dụng nguồn kinh phí thu từ DVMTR rừng năm 2011 - 2013 chưa có đối tượng chi lên đến hơn 76,6 tỷ đồng, Sở NN&PTNT đã xây dựng phương án hỗ trợ chi trả bổ sung cho các lưu vực thủy điện có đơn giá chi trả dưới 200 nghìn đồng/ha/năm để đạt tối thiểu 200 nghìn đồng/ha/năm trở lên, thời gian thực hiện trong vòng 3 năm (2014 - 2016) với số tiền hơn 31 tỷ đồng; dành gần 13 tỷ đồng thực hiện cắm mốc ranh giới 3 loại rừng và lâm phận các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng theo quy hoạch 3 loại rừng đã được UBND tỉnh phê duyệt, số tiền còn lại đang xin ý kiến hướng dẫn chi trả từ cơ quan chức năng. Theo ông Huỳnh Đức – Giám đốc Quỹ bảo vệ phát triển rừng tỉnh, năm 2014 và quý 1.2015 các nhà máy thủy điện đã hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ chi trả DVMTR; công tác giao khoán rừng đến nhóm hộ, lập hồ sơ chi trả đúng tiến độ.
TRẦN HỮU