Dai dẳng phá rừng thông
Tình trạng đốt, chặt phá, tranh chấp đất rừng trên địa bàn xã Tam Xuân 2 (Núi Thành) tái diễn. Đáng nói, vùng đệm rừng phòng hộ Phú Ninh luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng trong mùa khô hạn.
Tái diễn tình trạng phá rừng để lấy đất trồng rừng ở lưu vực lòng hồ Phú Ninh. Ảnh: TRẦN HỮU |
Báo động cháy rừng
Tại tiểu khu 592 thuộc lâm phận Ban quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh (thuộc thôn Bích Sơn, xã Tam Xuân 2, Núi Thành), ngoài đường nhìn vào rừng thông Ca-ri-bê rậm rạp, nhưng vào sâu khoảng 50m nhiều khu vực đã bị san phẳng mặt bằng. Hiện trường để lại là nhiều gốc cây cháy sém, hoặc cây “chết thẳng đứng” do đối tượng cố tình lấy mủ sai quy cách để cây nhanh chết. Gỗ sau khi khai thác vận chuyển lén lút qua lòng hồ Phú Ninh hoặc đem về cất giấu dưới khu vực cầu Máng - thôn Thạch Kiều (xã Tam Xuân 2) chờ tiêu thụ. Xí nghiệp Lâm nghiệp Quảng Nam là một trong những đơn vị được UBND tỉnh giao quản lý rừng thông xác nhận, thời gian qua nhiều diện tích bị đốt, cũng có nhiều cây thông cổ thụ bị chết khô hoặc cưa gãy ngang thân. Dưới tàn cây khô là những cây keo non mơn mởn, diện tích rừng thông bị cháy, tàn phá ước chừng lên hàng chục héc ta. Xí nghiệp Lâm nghiệp Quảng Nam cho biết, hiện đơn vị quản lý 200ha rừng thông dầu tại xã Tam Xuân 2, nhưng vất vả nhất trong công tác bảo vệ rừng tại “điểm nóng” Thạch Kiều (xã Tam Xuân 2). Vụ xảy ra gần đây nhất, rạng sáng 15.4, tổ công tác kiểm tra tại khu vực nêu trên thì bị nhóm người đang vận chuyển 2,4m3 gỗ chống trả quyết liệt. Hậu quả, một kiểm lâm viên bị Huỳnh Xuân Sỹ (45 tuổi, trú thôn Thạch Kiều) tấn công dẫn đến bị thương. Công an địa phương xác nhận, cầm đầu vụ việc này là Huỳnh Xuân Thạch (35 tuổi, trú cùng thôn) đang trong quá trình điều tra, hoàn tất hồ sơ để xử lý.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, rừng thông dầu Tam Xuân 2 đã bị tàn phá cả công khai lẫn lén lút, tập trung vào nhóm đối tượng người dân tự phát đốt diện tích vùng đệm để trồng keo, đốt phá rừng thông để lấn chiếm. Ông Đinh Duy Toản - Giám đốc Xí nghiệp Lâm nghiệp Quảng Nam nói: “Nếu mất rừng thông thì kéo theo hậu quả mất đất. Mặc dù đơn vị phối hợp với các ngành chức năng tuần tra, kiểm tra nhưng lại gặp rất nhiều khó khăn bởi thái độ bất chấp pháp luật của người dân...”. Trong khi đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cảnh báo, rừng thông ở Tam Xuân 2 đã đưa vào vùng có nguy cơ cháy cao vào mùa khô năm nay. Nếu tiếp tục đốt phá rừng bừa bãi thì hậu họa sẽ rất khó lường.
Bất lực!
Theo Xí nghiệp Lâm nghiệp Quảng Nam, từ đầu năm đến nay, đã xảy ra 10 vụ chặt phá rừng thông nhựa do đơn vị quản lý, gây thiệt hại 80 cây thông nhựa với khối lượng hơn 20m3. Đáng nói, nhiều cây thông lớn nằm sát bên đường dân sinh, hàng ngày có người qua lại cũng bị lâm tặc chặt hạ. Khu vực rừng bị phá trước đây thuộc rừng phòng hộ, sau đó được quy hoạch thành rừng sản xuất. Tuy nhiên, chủ trương của tỉnh chỉ cho phép khai thác hợp lý mủ nhựa từ cây và bảo vệ đa dạng sinh học rừng. Công an xã Tam Xuân 2 thừa nhận, đối tượng khai thác trái phép rừng thông rất tinh vi, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng. Có khi tuần tra, truy quét ban đêm đã bị lâm tặc dùng đá ném trả quyết liệt. Tranh chấp đất rừng giữa Xí nghiệp Lâm nghiệp Quảng Nam với người dân địa phương diễn ra phức tạp hơn 3 năm nay. Nhiều diện tích đất rừng do Nhà nước giao doanh nghiệp quản lý bị người dân trắng trợn xâm lấn trồng cây trái phép. Năm 2014, các ngành chức năng của huyện Núi Thành và xã Tam Xuân 2 đã cưỡng chế số cây trồng trái phép với quy mô 17ha đã bị nhiều đối tượng đứng ra ngăn cản, chống đối không cho thi hành nhiệm vụ. Đỉnh điểm của xung đột tranh chấp đất rừng thôn Thạch Kiều là vào tháng 10.2013, 2 hộ dân đã xô xát với nhau hậu quả khiến 1 chết và 5 người bị thương. Thống kê của đơn vị chủ rừng cho hay, đến nay diện tích đất rừng bị người dân lấn chiếm để trồng keo đã lên 150ha.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại lưu vực lòng hồ Phú Ninh không chỉ tồn tại “điểm nóng” phá rừng thông Ca-ri-bê xã Tam Xuân 2 mà nhiều khu vực giáp ranh giữa hai huyện Núi Thành và Phú Ninh cũng bị xâm lấn trồng cây trái phép, song vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn triệt để. Còn nhớ, cách đây hơn một năm, Sở NN&PTNT đã chứng kiến lễ ký kết hợp tác quản lý, bảo vệ rừng giữa 9 đơn vị, cơ quan hoạt động trong lưu vực lòng hồ Phú Ninh gồm Ban quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh, Xí nghiệp Lâm nghiêp Quảng Nam, Nhà máy thủy điện Phú Ninh, Đồn Công an Phú Ninh, Công ty Giống thủy sản, Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Phú Ninh, Công ty CP Du lịch Hùng Cường, Hạt Kiểm lâm Phú Ninh và Núi Thành. Những tưởng sau lễ ký kết rừng sẽ yên ổn, không ngờ mức độ xâm hại tài nguyên vẫn hết sức nghiêm trọng. Lý giải về “điểm nóng” phá rừng phòng hộ Phú Ninh, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho rằng, người dân có tâm lý cứ lấn chiếm, trồng cây rồi sẽ được sở hữu đất rừng. Nhiều vụ lấn chiếm đất rừng ngành kiểm lâm làm hồ sơ, thủ tục chuyển sang cơ quan khác đúng thẩm quyền nhưng lại bị “chìm xuồng”. Đây là nguyên nhân khiến bộ phận người dân không từ bỏ tư tưởng xâm lấn rừng. Trên thực tế, quy định của pháp luật đã rõ ràng; cơ chế phối hợp, ký kết giữ rừng giữa các địa phương, ban ngành, đơn vị đã ban hành nhưng vẫn chưa triển khai đến nơi đến chốn. Trong khi đó, ngay cả việc người dân bất chấp pháp luật ngang nhiên lấn chiếm đất trồng cây mà Nhà nước đã giao cho doanh nghiệp quản lý, sử dụng đến nay vẫn chưa có kết quả xử lý. Trên thực tế, đất rừng phòng hộ quanh lưu vực lòng hồ Phú Ninh suốt thời gian dài… mạnh ai nấy chiếm.
TRẦN HỮU